ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 4-12-24 00:20:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ ngày Quốc khánh

Báo Cà Mau (CMO) Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ trôi qua nhưng tôi không thể nào quên thời điểm mừng Quốc khánh đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ở Ðài Truyền thanh tỉnh Cà Mau năm đó (tiền thân của Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau ngày nay).

Được tiếp quản từ đài truyền thanh của nguỵ quyền, cơ sở vật chất chỉ vỏn vẹn 1 phòng thu nhỏ hẹp chừng 6 m2, có mấy cái âm ly, 1 máy ghi âm và 1 radio “ấp chiến lược” , 1 cây quạt trần và vài thứ linh tinh khác. Bên ngoài, hệ thống loa chỉ vài cụm trong nội ô. Vậy mà khi bộ phận tuyên truyền (trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau) đưa đài truyền thanh vào sử dụng, đã mang tiếng nói của Uỷ ban Quân quản lúc bấy giờ lan toả. Ðó là hiệu lệnh của chính quyền cách mạng, là tiếng nói của Nhân dân trong tỉnh vừa được sống trong hoà bình, tự do.

Khoảnh khắc đáng nhớ

Qua 4 tháng đi vào hoạt động đã gây được cảm tình của người dân thành thị, cảm nhận đầu tiên của họ là giọng đọc của các phát thanh viên. Ðây là công việc chưa có tiền lệ đối với anh chị em trong chiến khu, họ là những người làm công tác văn hoá, nghệ thuật, báo chí… có giọng đọc truyền cảm, rõ ràng đảm nhận nhiệm vụ này.  

Hai phát thanh viên của Ðài Tiếng nói Nhân dân Minh Hải đang thực hiện chương trình thời sự. (Ảnh chụp năm 1977, thời điểm này 2 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu đã sáp nhập thành tỉnh Minh Hải). Ảnh tư liệu

Ðể chuẩn bị cho chương tình đặc biệt mừng Quốc khánh đầu tiên, tôi còn nhớ buổi họp cơ quan trước đó vài ngày, chú Ba Gấm (Nguyễn Minh Gấm) là Trưởng đài Truyền thanh tỉnh Cà Mau, nêu kế hoạch, phân công từng khâu cho anh chị em, phải làm thế nào để các buổi phát thanh ngày 2/9 mang ý nghĩa chính trị sâu sắc và cũng tạo dấu ấn cho đài bằng một chương trình có đầu tư sâu, đảm bảo tính thời sự nhưng phải hấp dẫn người nghe. Ðây là công việc mới mẻ đối với chúng tôi lúc bấy giờ.

Thế là bộ phận kỹ thuật kiểm tra lại các thiết bị, anh em biên tập, phóng viên chuẩn bị bài vở, tin tức, anh chị phát thanh viên thì giữ giọng để thể hiện tốt. Các giọng đọc thời điểm đó có các anh chị: Dương  Bích Phương (Chín Phương), Nhan Nhật Tuấn, Thành Ðông, Phạm Minh Phượng (Tám Phượng), Phạm Ðiền (Tám Ðiền), là những người trong kháng chiến và người mới tuyển dụng là tôi, Lê Ngọc Diễm, học sinh ngoài thành. Thỉnh thoảng chú Ba Gấm cũng vào đọc những tin tức quan trọng hay chỉ thị của Uỷ ban Quân quản, cho nên giọng đọc của đài rất đa dạng.

Về khâu tin tức, thời điểm đó ở đài chưa có phóng viên chuyên nghiệp, hầu hết là sử dụng tin của các anh bên báo in, Phân xã Cà Mau (Thông tấn xã Việt Nam tại Cà Mau), còn những bài có thời lượng dài như xã luận, bình luận… thì sử dụng trên báo Nhân Dân. Chương trình phát lúc 5 giờ sáng, sau đó là tiếp âm Ðài Tiếng nói Việt Nam. Hết giờ tiếp âm là thông báo của Uỷ ban Quân quản hoặc của các cơ quan trong tỉnh.

Ngoài việc đưa tiếng nói từ Thủ đô Hà Nội tới tận thị xã cuối cùng của Tổ quốc, hệ thống truyền thanh lúc bấy giờ còn là công cụ đắc lực, phổ biến nhanh, kịp thời những chỉ thị, thông báo của chính quyền cách mạng đến với mọi tầng lớp Nhân dân; hướng dẫn mọi người thực hiện những quy định mới, theo sự điều hành của Uỷ ban Quân quản.

Ðể hệ thống truyền thanh được liên tục từ những ngày đầu tiếp thu phải kể đến bộ phận kỹ thuật, đó là những công nhân lưu dụng từ đài truyền thanh của chế độ cũ như chú Tám và chú Mười (tôi không nhớ họ và chữ lót của 2 chú). Cả hai đều trên 50 tuổi nhưng luôn nhiệt tình và có trách nhiệm với công việc. Chính họ là người khắc phục nhanh những trục trặc kỹ thuật trong phòng thu, cả hệ thống đường dây và các cụm loa, kiêm luôn thiết bị trong cơ quan, cho nên tiếng nói của Uỷ ban Quân quản không một ngày gián đoạn.

Do chưa có kho băng tư liệu, nên chương trình ca nhạc, ca cổ đều thu lại từ Ðài Tiếng nói Việt Nam vào băng cát-sét rồi lưu trữ để sử dụng hàng ngày.

Thời điểm đó cán bộ chưa có lương, chỉ là sinh hoạt phí, cơ quan có khoảng 10 anh em  đều ăn ở tập thể. Trừ trưởng đài, tất cả đều được phân công trực nhật, cho nên ai cũng có thể làm “anh, chị nuôi” và dọn dẹp cơ quan mỗi ngày.

Lớp tập huấn nghiệp vụ phóng viên, biên tập viên năm 1989.

Thời khắc còn trong ký ức

Khi tiếng loa âm vang lời xướng “Ðây là Ðài Truyền thanh! Tiếng nói của Uỷ ban Quân quản tỉnh Cà Mau” lúc 5 giờ sáng ngày 2/9/1975 thì những chiếc loa tay của các đội tuyên truyền cơ sở cũng vang vang khắp các ngả đường, cổ động mọi người dân tham dự buổi mít tinh trọng thể mừng Quốc khánh độc lập đầu tiên. Không bao lâu, từ các ngả đường, xe hoa của các đơn vị xã, phường lần lượt tiến vô lễ đài, xếp thành vành đai ngay ngắn. Sau 1 giờ nghi thức diễn ra, xe hoa toả đi khắp ngả với sự cổ vũ của đồng bào 2 bên đường, cờ hoa rực rỡ, tiếng trống, tiếng nhạc tưng bừng. Rất nhiều bà con ở nông thôn cũng ra thị xã để mừng Quốc khánh, tạo thành không khí náo nhiệt. Băng rôn, khẩu hiệu nhiều vô số, làm cho phố phường tươi sáng lên sau một đêm mưa. Trong lúc này, tiếng loa truyền thanh hoà vào không khí sôi sộng đó, tạo thành một âm thanh tổng hợp, dấy lên sự phấn khích, hân hoan tột độ kéo dài nhiều giờ trên đường phố.

Chương trình truyền thanh kỷ niệm Quốc khánh 2/9 kéo dài 180 phút với 15 phút tin tức và các bài bình luận, chương trình ca nhạc 30 phút, phát xen kẽ với các bản tin. Ðặc biệt, anh em phóng viên đã phỏng vấn nhiều nhân sĩ trí thức ở thị xã, bà con trong quê ra đón mừng Quốc khánh và cả gia đình binh sĩ của chế độ cũ. Ai ai cũng hân hoan, hạnh phúc khi chứng kiến sự kiện này. Niềm vui lớn nhất là không còn bom đạn chiến tranh, gia đình đoàn tụ, xóm làng yên vui...

Ðể có được thời lượng như trên, anh chị em phải chuẩn bị thật chu đáo trước đó, kiểm tra cẩn thận trước khi phát thanh. Mặc dù phải thực hiện trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng ai cũng quyết tâm, làm thế nào có một chương trình tốt nhất, đảm bảo mọi tiêu chí mà trưởng đài đã nêu trong kế hoạch. Cuối cùng anh em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Một ngày sau, Ðài Truyền thanh hân hạnh đón tiếp các vị lãnh đạo của tỉnh đến thăm, thật vui khi được các chú, các anh đánh giá cao việc đài đã phục vụ đắc lực cho sự kiện chính trị quan trọng này.

Giờ đây, những người đầu tiên có mặt để thực hiện chương trình truyền thanh đặc biệt 47 năm trước không còn đầy đủ, nhưng khi nhắc đến, trong tôi vẫn hiện lên nguyên vẹn từng gương mặt, tiếng nói, nụ cười và những giọt mồ hôi của họ. Thời gian qua đi không bao giờ trở lại, nhưng ký ức của thời ban sơ ấy không thể phai mờ. Giờ đây Ðài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau đã sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, thời lượng phát sóng xuyên suốt ngày đêm, nhưng trong tôi vẫn còn giữ mãi kỷ niệm với mọi người trong những ngày đầu tiên ấy!

 

Lê Ngọc

 

Liên kết hữu ích

Tri ân Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Ngày 23/11 hằng năm không chỉ là ngày kỷ niệm cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ - mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn là ngày sinh của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Những trang cuối bài này, tôi lược trích bài ký tự thuật về cuộc họp mặt và bữa cơm thân mật của các nhà báo Bạc Liêu - Cà Mau với tên tuổi Phạm Văn Tri, Nguyễn Minh Chánh, Nguyễn Bé..., các tổng biên tập đáng kính của họ vô cùng thân thiết với một thế hệ trẻ làm báo sau chiến tranh...

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Giờ mới trở lại đầu sách (trang 7 của tập biên khảo) - Sự ra đời của thành ngữ "Công tử Bạc Liêu". Phan Trung Nghĩa trích đoạn bài báo "Đây Bạc Liêu” của Tạ Như Khuê, đăng trên tuần báo Thanh Nghị, ra ngày 11/3/1994. Đó là cái nhìn của một nhà báo ở Hà Nội đối với quang cảnh kinh tế - xã hội của Bạc Liêu vào nửa đầu thế kỷ 20. Ông gọi "Bạc Liêu là một đất ăn chơi..."

Một biên khảo sống động về đất Nam Bộ của Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Cùng với 1 truyện ký, 2 biên khảo, 4 bút ký... đã xác định được vị trí của Nhà văn Việt Nam đồng bằng Nam Bộ Phan Trung Nghĩa với những tác phẩm độc đáo, như đoàn tàu vũ trụ hồn nhiên bay vào lòng người đáng ghi nhớ nhất.

“Ký ức không phai” - Tư liệu quý về cán bộ, học sinh miền Nam trên đất Bắc

Mấy tháng qua, Ban Liên lạc các trường học sinh miền Nam (HSMN) Vĩnh Phú, 2-6-9 (trường HSMN trên đất Bắc) rốt ráo cùng Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành các công đoạn để xuất bản quyển sách về đề tài tập kết. Ấn phẩm “Ký ức không phai” ra đời đúng vào dịp tỉnh Cà Mau tổ chức Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc. Ðây là món quà ý nghĩa mà các thành viên Ban Liên lạc dành tặng Cà Mau.

Lưu dấu dòng họ Hồng ở U Minh

Ngày 3 tháng 10 âm lịch hằng năm, tại Rạch Chệt, Ấp 3, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, dòng họ Hồng long trọng tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ cụ Hồng Vận Ban, người góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào thế kỷ XIX.

Hào khí đất xưa...

Những lần về lại Tân Thành (nay là phường Tân Thành và xã Tân Thành, TP Cà Mau) đều mang lại cho chúng tôi những chiều kích mới mẻ trong hiểu biết, suy tư về vùng đất địa linh nhân kiệt, lẫy lừng công đức của tiền nhân.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai viếng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sáng nay (16/11), Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai làm trưởng đoàn đến viếng, dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Khóm 1, Phường 1, TP Cà Mau) và Khu di tích lịch sử cấp tỉnh Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam, tại Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình.

Tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc

Để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện trọng đại lễ kỹ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954-2024), tối 15/11, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Hải; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Luân đến dự buổi tổng duyệt chương trình cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) và rà soát công tác tổ chức lễ.

“200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - Tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử” 

Nhằm đánh giá toàn diện về vai trò, ý nghĩa lịch sử và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Bác Hồ trong sự kiện tập kết năm 1954, chiều 15/11, tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc ở Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử". Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện 70 năm tập kết ra Bắc.