ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 19:01:45
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ Nguyễn Xuân Bắc - người anh đồng nghiệp tài hoa, chân thật, dễ thương

Báo Cà Mau Vào khoảng giữa năm 1960, tôi làm cán bộ thông tin của xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Cơ quan tôi đóng tại nhà má Ba (mẹ chiến sĩ), ấp Kinh Dân Quân, xã Trần Thới. Nhà má Ba là nút giao liên tiếp nhận, rước đưa cán bộ liên tục cả ngày lẫn đêm. Ở đây, tình cờ tôi được một anh cán bộ không quen tặng một tập văn nghệ. Bìa trước tập văn nghệ là bức tranh khắc gỗ một cô gái có suối tóc mượt mà, đôi mắt to sáng, gương mặt ngây thơ, hiền hậu, dễ thương. Ðó là bức tranh minh hoạ nội dung bài biết “Ký ức tuổi thơ” của Nhà văn Bùi Ðức Ái. Càng nhìn bức tranh tôi càng yêu thích, ấn tượng mạnh mẽ. Tôi và nhiều bạn bè hết lời khen ngợi tài năng người hoạ sĩ đã tạo ra nó.

Vào khoảng giữa năm 1960, tôi làm cán bộ thông tin của xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Cơ quan tôi đóng tại nhà má Ba (mẹ chiến sĩ), ấp Kinh Dân Quân, xã Trần Thới. Nhà má Ba là nút giao liên tiếp nhận, rước đưa cán bộ liên tục cả ngày lẫn đêm. Ở đây, tình cờ tôi được một anh cán bộ không quen tặng một tập văn nghệ. Bìa trước tập văn nghệ là bức tranh khắc gỗ một cô gái có suối tóc mượt mà, đôi mắt to sáng, gương mặt ngây thơ, hiền hậu, dễ thương. Ðó là bức tranh minh hoạ nội dung bài biết “Ký ức tuổi thơ” của Nhà văn Bùi Ðức Ái. Càng nhìn bức tranh tôi càng yêu thích, ấn tượng mạnh mẽ. Tôi và nhiều bạn bè hết lời khen ngợi tài năng người hoạ sĩ đã tạo ra nó.

Bí mật này hơn hai năm rưỡi sau mới được giải mã. Ðó là sự tình cờ. Ngày 30/4/1963, tôi đang là cán bộ thông tin của Ban Tuyên huấn huyện Cái Nước được nhận Nghị quyết của Ban Tuyên huấn tỉnh đưa lên R (Trung ương Cục miền Nam) ở miền Ðông Nam Bộ học lớp đào tạo cán bộ viết văn. Cùng dự lớp viết văn lần này với tôi là anh Nguyễn Xuân Bắc (Năm Bắc). Ðoàn học viên Cà Mau đi R có hơn 10 người, học các lớp nghiệp vụ: viết văn, báo chí, hội hoạ. Chúng tôi tập hợp đến xóm Vịnh Dừa (ven đầm Thị Tường) chuẩn bị mọi thứ để xuất phát. Mấy ngày ở đây, anh em trong đoàn hay bàn chuyện văn, thơ, hội hoạ… Nhân dịp này, tôi đem chuyện thắc mắc về bức chân dung minh hoạ bài “Ký ức tuổi thơ” hỏi anh em trong đoàn, thì anh Nguyễn Ân, Trưởng đoàn, chỉ anh Nguyễn Xuân Bắc, nói: “Ðó là tác phẩm của hoạ sĩ tài ba này đây!”. Anh Bắc nhìn tôi, nở một nụ cười hiền.

MH: HV

Trong đoàn học viên đi R lần đó, tôi là người trẻ tuổi nhất và từ một cán bộ tuyên huấn huyện rút lên nên về mặt nghề nghiệp chưa có vốn liếng gì cả. Còn các anh học viên trong đoàn ít nhất cũng có vài ba năm làm nghề, có tác phẩm in báo hay tạp chí văn nghệ tỉnh. Có lẽ vì vậy mà cả đoàn quan tâm tôi. Ðặc biệt, anh Nguyễn Xuân Bắc tỏ ra quan tâm, chăm sóc đặc biệt với tôi. Còn tôi, có lẽ từ bức hoạ “Ký ức tuổi thơ” của anh Bắc nhiều năm đã gây ấn tượng trong tôi và từ thái độ ân cần của anh đối với tôi khiến tôi có tình cảm đặc biệt với anh.

Nhớ lần đoàn học viên theo “đường dây” vượt qua cánh đồng chó ngáp (Hồng Dân) đi suốt cả ngày và hơn nửa đêm mới đặt chân tới chùa Cỏ Thum (lúc đó thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng). Nghỉ tại đây vài tiếng đồng hồ, hừng sáng, đoàn họp phổ biến kế hoạch đi tiếp. Vào đầu cuộc họp này, một thành viên trong đoàn cương quyết xin trở về Cà Mau vì không thể lội bộ ngày đêm tới R được. Sự thật việc mang hành lý lội bộ suốt ngày và gần suốt đêm là một thử thách lớn: mệt mỏi, uể oải, đói khát không thể tưởng tượng được và con đường tới R phải lội bộ hơn 1 tháng như thế quả là khủng khiếp. Cuối cùng, trưởng đoàn đồng ý cho học viên đó quay trở lại Cà Mau.

Tan cuộc họp, tôi vừa về tới chỗ nghỉ thì anh Nguyễn Xuân Bắc tới ngồi nói chuyện với tôi. Anh hỏi tôi có mệt, có uể oải không? Cuối cùng, anh động viên tôi bằng những lời chân thành: “Ráng lên nghe Minh, lãnh đạo hy vọng rất lớn đối với anh em mình. Tỉnh mình xa xôi hẻo lánh, nhất thiết phải có kiến thức trên lĩnh vực này. Lãnh đạo tin tưởng vào sự cố gắng của anh em mình đó nghen!”.

Ði ròng rã 1 tháng 3 ngày mới tới R. Vào học, tôi được nhà trường biên chế ở chung chi học tập với anh Năm Bắc. Ðến thực tập, tôi viết bài bút ký “Chị Năm”. Bài thực tập của tôi được thầy chủ nhiệm lớp học, Nhà văn Nguyễn Văn Bổng cho đọc điển hình tại lớp. Trên đường về, anh Năm Bắc câu cổ tôi, vừa đi vừa nói: “Hay thiệt đó Minh! Mới viết bài bút ký đầu tay mà hay thiệt, phải ráng hơn nữa nghe…”.

Ðầu năm 1965, sau khi học về, tôi được phân công làm phóng viên Báo Cà Mau Giải Phóng. Giữa năm 1966, Ban Tuyên huấn tỉnh thành lập Tiểu ban Văn nghệ và anh Nguyễn Xuân Bắc được phân công phụ trách Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng. Người đầu tiên anh Năm Bắc xin về Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng là tôi. Anh tạo điều kiện cho tôi đi thực tế viết bài, còn tập sự cho tôi làm công tác biên tập. Dần về sau, tôi thường cùng đi thực tế và được biên tập cùng anh.

Trên lĩnh vực sáng tác, anh Nguyễn Xuân Bắc đã có tác phẩm văn - thơ - tranh in báo, in tạp chí văn nghệ tỉnh từ năm 1958. Năm 1952, anh làm công nhân cho Nhà in Sao Vàng của Ty Thông tin Bạc Liêu. Năm 1955, anh làm công nhân nhà in nguỵ trang ở chùa Ngọc Sắc (Tân Lợi) với danh nghĩa bộ phận in ấn tài liệu cho cách mạng. Bị lộ, giặc bắt anh giam vào nhà lao. Nhờ phong trào đấu tranh chính trị, biểu tình đòi thả người, năm 1956, anh ra tù và được tổ chức phân công dạy học công khai. Năm 1958, anh được Ban Tuyên huấn tỉnh rút về nhà in. Ban ngày, anh chạy máy Pédal hoặc in Rô-nê-ô, ban đêm chong đèn trong mùng viết văn, làm thơ, vẽ tranh. Thời kỳ này, tác phẩm của anh Năm Bắc được in khá nhiều trên báo. Năm 1960, anh được rút về Tiểu ban Báo chí - Văn nghệ. Năm 1963, anh cùng tôi lên R học lớp viết văn, sau đó về phụ trách Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng của tỉnh.

Phải nói rằng, từ khi học lớp viết văn về sau là cao điểm sáng tác của anh Năm Bắc. Nổi bật như 2 bài thơ: “Thư Ðảng chảy vào tim”, “Em gái đưa đường” và 2 bài bút ký: “Chuyện người đảng viên mù”, “Trên đất Gò Muồng”. Anh Năm Bắc là nhà báo, nhà văn đa tài. Anh thành thạo công việc viết báo, viết văn, làm thơ, vẽ tranh minh hoạ, trình bày báo, tạp chí văn nghệ. Công việc nào anh cũng tỏ ra sắc sảo.

Cùng hoạt động nghề nghiệp nhiều năm, anh Năm Bắc để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về tấm lòng chân thật và tính cách rất dễ thương. Có lần, anh hẹn giờ đi công tác với tôi. Tôi sốt ruột chờ, anh trễ hẹn gần 1 tiếng đồng hồ. Khi anh quảy ba-lô đến nói lời giả lả với tôi rồi vác cặp chèo xuống xuồng. Tôi giành chèo, anh không cho, nói: “Hơi trễ giờ, để anh chèo cho mau tới!”. Thấy tôi buồn buồn, anh Năm Bắc hỏi: “Bộ mầy giận anh sao Minh? Anh lỡ đánh bàn cờ đang hồi gay cấn”. Anh Năm Bắc rất mê cờ tướng.

Lần đó, chuyến công tác tôi về nhà má Sáu trước anh Năm Bắc mấy ngày. Bữa anh về, má Sáu câu được rất nhiều cá rô, cá trê… làm nhiều món canh chua, cá kho, đặc biệt có món cá nướng ăn với nước mắm chua kèm rau cải. Cả nhà ăn bữa cơm ngon đến đổ mồ hôi. Anh Năm Bắc hỏi má Sáu: “Sao mình có nước mắm ngon vậy má?”. Má Sáu chỉ tôi và nói: “Thằng Minh nó nấu cả chục chai kìa!”. Anh Năm Bắc kêu lên: “Trời! Sao mầy biết việc này giỏi vậy Minh?”. Sau đó, anh Năm Bắc kêu tôi nói vật liệu và cách làm nước mắm, anh ghi cẩn thận vào cuốn sổ tay, nói “để chỉ cho bà con nấu nước mắm mà ăn”.

Anh Năm Bắc với tôi được phân công đi Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, đợt I cùng vào trụ ở Rạch Rập; đợt II, hai anh em được lệnh lui về ấp Cái Bát, xã Thạnh Phú. Về đây, đêm thứ hai, anh đọc cho tôi nghe 2 bài thơ: “Tiếng chày đêm” - tiếng chày giã gạo của Nhân dân thị xã tiếp tế chiến trường - và bài “Những người băng trắng” - ghi lại ở trạm xá những chiến sĩ bị thương, đầu, mình còn băng trắng mà đòi xuất viện để tiếp tục ra trận. Hai bài thơ với nhiều hình ảnh sống động, tình cảm tha thiết, dạt dào và bầu không khí chiến đấu sôi động. Tôi thì đọc bài thơ “Qua bến cũ” cho anh nghe. Bến cũ là mối đường nhiều năm qua có em bé và một bà má luôn đưa rước cán bộ vào bám trụ thị xã; nay chuyến vào thị xã thì em bé cùng đoàn quân vào thị xã chiến đấu và em đã hy sinh; đến chuyến rút ra khỏi thị xã không còn em bé đưa rước nữa, chỉ còn hình bóng mẹ già đầu tóc bạc phơ, lụm cụm bơi chiếc xuồng đưa chúng tôi qua sông… Nghe xong, anh Năm Bắc nhìn tôi một thoáng rồi nói với vẻ nghiêm túc: “Bài thơ đầy cảm xúc về người thật việc thật, nói lên ước vọng của mọi người dân muốn giải phóng thị xã Cà Mau. Mầy chép đêm nay để mai gởi về toà soạn cho kịp in vào tạp chí sau Tết”. Thái độ nghiêm túc và những lời nói chân thành, đầy sức thuyết phục của anh Năm Bắc khiến tôi vô cùng cảm động và phấn khích. Mỗi lần tôi làm được việc tốt, viết được bài hay thì anh vui mừng như của chính mình. Anh Nguyễn Xuân Bắc đã trở thành nguồn động viên rất lớn giúp tôi phấn đấu trong nghề nghiệp.

Cũng vì lòng chân thật và đức tính hiền từ của anh Nguyễn Xuân Bắc mà vào năm 1969, một tai nạn bất ngờ đến với anh. Vợ anh sống ngoài vùng địch chiếm đóng, vài năm trước đó đã không còn chung thuỷ với anh. Việc này anh chỉ nói với tôi, không báo cho tập thể nên khi anh có tình cảm với một phụ nữ ở vùng giải phóng, tập thể kiểm thảo, kỷ luật anh. Trước tình cảnh này, tôi định đem việc vợ con anh trình bày cho tập thể để cứu anh nhưng anh cản tôi. Anh nói: “Minh à, vợ chồng anh không còn ăn ở nữa thì thôi, chớ đem chuyện xấu bêu riếu nhau để làm gì”. Câu chuyện không dừng lại ở đó, qua lời tâm sự của anh với bạn bè, có vài bạn bè thêu dệt, cho anh chuyện này, chuyện nọ khiến lãnh đạo hiểu lầm, cho công an bắt giam anh. Qua 1 tháng điều tra, anh không có sai phạm nên được trả tự do. Khi ra trại, địa bàn Cà Mau giặc bình định quá ác liệt, cơ quan di tản qua rừng U Minh, đến rừng đước khiến anh Năm Bắc bơ vơ, may nhờ gặp được một cán bộ hoạt động hợp pháp quen giúp anh tạo hợp pháp và đưa lên phường Cái Khế - Cần Thơ dựng hiệu vẽ nhỏ để vừa nuôi sống bản thân anh vừa làm cơ sở hoạt động cách mạng.

Cũng nhờ cơ sở mật ở thành báo tin nên khi vừa giải phóng, tôi và anh Nguyễn Thanh đến phường Cái Khế để tìm “Hiệu vẽ Ðông”. Hiệu vẽ bằng cây, lợp tol, nằm trong con hẻm nhỏ. Anh Năm Bắc nói: “Cái hiệu vẽ nhỏ xíu này mấy năm qua nuôi sống mình và cũng chính nhờ cái nghề vẽ chân dung mướn mà tạo hợp pháp cho mình tham gia hoạt động cách mạng tại đây”. Thấy chúng tôi trầm trồ khen ngợi mấy bức chân dung Bác anh vẽ treo trên vách và bức chân dung anh vẽ còn dở dang, anh Bắc cười thật tươi nói: “Từ ngày chuẩn bị tiếp thu tới giờ mình vẽ xong 4 bức chân dung Bác. Hai bạn có đến bến Ninh Kiều không? Bức chân dung Bác thật lớn treo tại đó là do mình vẽ xong đúng ngày 30 tháng 4 đó!”.

Tôi và anh Nguyễn Thanh bàn với anh Năm Bắc sắp xếp công việc trên đó về Cà Mau tiếp tục làm công tác biên tập cho Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng. Anh Năm Bắc nghiêm nghị nói: “Cảm ơn lòng tốt của hai bạn, đó đúng là nguyện vọng của tôi. Nhưng tôi có việc quá lớn và quá rắc rối: tôi là con một, mẹ tôi thì mù loà và các con tôi còn nhỏ dại đang chờ đợi tôi ở Cà Mau. Tôi định vẽ xong bức chân dung này liền chạy ngay về dưới. Nếu sắp xếp cuộc sống má và các con tôi ổn, tôi mới trở lại cơ quan được”.

Sau đó 1 tháng, anh Năm Bắc đến cơ quan Tiểu ban Văn nghệ nói với chúng tôi: má và các con anh đang sống trong căn chòi ở con hẻm rạp hát Huỳnh Long, cuộc sống phải chạy gạo ăn, chạy tiền tiêu xài từng ngày. Một mặt anh xin về phường 9 công tác, địa phương này phân công anh làm chủ tịch mặt trận phường. Mặt khác, anh ra bến tàu dựng “Hiệu vẽ Ðông” để giải quyết cuộc sống gia đình. Còn việc chúng tôi mời anh về cơ quan sau này mới tính được!

Về phường 9, anh Năm Bắc làm tròn chức trách của một chủ tịch mặt trận phường, hằng ngày anh ngồi ở Hiệu vẽ Ðông ở bến tàu Rạch Rập, có hàng thì anh vẽ, hết hàng thì anh đánh cờ tướng với các cụ, với bạn bè quen thân. Thời gian anh Năm Bắc về phường, toà soạn thường xuyên nhận tin tức, thỉnh thoảng nhận những bài bút ký, truyện ngắn hoặc thơ của tác giả Nguyễn An Ðông (bút danh mới của Nguyễn Xuân Bắc) và Hồ Thu (bút danh thơ của Nguyễn Xuân Bắc).

Chúng tôi thường tới nhà thăm mẹ anh, thăm anh, thăm các con anh. Ðúng là một hoàn cảnh sống quá ngặt nghèo, ngày nào không làm ra tiền là phải hỏi nợ để sống qua ngày đó. Thường thường những buổi trưa tôi đến Hiệu vẽ Ðông chuyện trò với anh. Ở đây nhiều lần tôi gặp anh ngồi ăn cái bánh cam hoặc bánh dừa. Những dịp như vậy, anh Năm Bắc nhiệt tình mời tôi ăn bánh: “Ăn một cái nghe Minh. Ở đây chiên bánh cam (hoặc gói bánh dừa) ngon lắm!”. Ăn bánh với anh có lúc tôi nghĩ đến cuộc sống của anh, của mẹ anh, của các con anh… mà nước mắt bỗng dưng trào ra…

Thời gian qua mau. Vào một ngày đầu năm 1992, buổi trưa, từ phường 9, anh Năm Bắc ngồi trên chiếc xe đạp cũ kỹ đến nhà tôi ở phường 8 trao cho tôi cuốn tập học trò. Tôi lật từng trang xem lướt qua, trong đó có 12 truyện ngắn. Anh Năm Bắc nói nhỏ nhẹ, chậm rãi: “Anh giao số truyện ngắn này cho Bảy Minh, cái nào in được thì in, cái nào in chưa được thì cất giữ cho anh”.

Nghe anh nói, tôi ngạc nhiên, ngầm suy nghĩ: Tôi bây giờ đã qua phụ trách báo Ðảng, sao anh Năm Bắc giao truyện ngắn cho tôi in và cất giữ cho anh? Tôi chưa hiểu cớ sự ra sao thì sau đó một tháng, anh Năm Bắc ngã bệnh. Căn bệnh tiểu đường biến chứng khiến anh từ trần khoảng tháng 4/1992 tại Bệnh viện Cà Mau. Tôi đã hiểu lời anh trên đây là lời gởi gắm, lời nhắn nhủ cuối cùng của người anh đồng nghiệp dành cho tôi.

Sau đám tang anh Năm Bắc, con gái anh Nguyễn Ái Kiều mang quyển nhật ký của anh và bài viết “Một nỗi nhớ cha” của cháu đến cơ quan giao cho tôi và nói: “Cuốn nhật ký này, hồi còn nằm ở bệnh viện, cha con dặn cha có bề gì thì đem giao cho chú Bảy…”.

Tôi đọc từng trang nhật ký của anh Nguyễn Xuân Bắc, nhiều lần không cầm được nước mắt. Sự khó khăn của cuộc sống, trách nhiệm lo cho người mẹ mù và các con dại của anh đan xen với nỗi bức xúc về trách nhiệm của người cầm viết. Nỗi nhọc nhằn, đau khổ này nhiều năm dằn vặt trong anh cho đến ngày căn bệnh quái ác quật ngã anh. Quyển nhật ký anh Năm Bắc ghi rất nhiều (có những đoạn văn ghi chép), tôi xin trích một số đoạn ngắn:

“Muốn đọc, muốn viết nhưng sắp tới tiền đâu xài, tiền đâu cho con, cho má? Nhưng phải viết để phục vụ… viết để an ủi - viết vì sự nghiệp - viết tức là làm - không làm thì chết chớ sống làm gì?...”. Cuối cùng, anh khẳng định: “Viết!...”.

Trang nhật ký tiếp theo đề ngày 15/8/1987, anh ghi: “Nghỉ ghi chép, nghỉ viết gần hai năm vì lo cuộc sống”. Rồi như bừng tỉnh, liền sau đó, ngày 19/8/1987, anh lại ghi: “Tôi dự định viết: Thằng Long, thằng Lân kẻ trộm - Cái quán chui - Ðám kiểm lâm ăn hối lộ - Con đĩ đực - Viết tập truyện ngắn về U Minh - làm đề cương cho một truyện vừa - viết các truyện ngắn: Chiếc nón mật cật, Huân chương số I, Lấy quân trên đất Miên, Một tiểu đoàn mùa thu ở Hòn Ðất…”.

Nhưng…

Trong bài “Một nỗi nhớ cha”, Nguyễn Ái Kiều viết: “Giờ đây mỗi lần đọc quyển nhật ký của cha để lại, trong tôi dâng lên niềm thương cảm vô hạn… Phải, cha tôi là một người cách mạng, mặc dù trải qua bao bão tố cuộc đời nhưng vẫn giữ vững lập trường cách mạng. Ðây là dòng nhật ký của cha tôi: Chủ nghĩa cộng sản, ánh sáng Mác - Lênin vẫn chói chang trong tôi. Bác Hồ tôn kính vẫn dạy dỗ tôi mãi, trước đây cũng như bây giờ. Cái đó chỉ có tôi biết, chứ ai biết được lòng tôi. Bao giờ tôi cũng tha thiết muốn viết để ca tụng đất nước, ca tụng Ðảng ta, ca tụng Bác Hồ”.

Vào năm 2003, Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau in cuốn sách “Tác giả - tác phẩm Nguyễn Xuân Bắc”, in một số bài của bạn bè, đồng nghiệp viết về anh, tiếc thương một nhà báo, nhà văn tài hoa và sưu tầm, in nhiều bài thơ, bài văn (nhiều bài ký và 12 truyện ngắn anh gởi gắm cho tôi trước ngày anh từ trần). Quyển sách dày 214 trang.

Tôi tiếc thương người anh đồng nghiệp Nguyễn Xuân Bắc tài hoa, nhưng tài năng bị hoàn cảnh sống thui chột và bệnh tật huỷ diệt. Tấm lòng chân thật của anh lóng lánh như hạt ngọc và tính cách bình dân, giản dị, khoan dung, luôn tôn trọng lẽ phải, tôn trọng mọi người… trở thành sức hấp dẫn trong đối nhân xử thế và trong từng tác phẩm của anh.

Với tôi, Nguyễn Xuân Bắc là một nhà báo - nhà văn - là một người anh đồng nghiệp tài hoa - chân thật - dễ thương. Anh đã đi xa nhiều năm nhưng những giá trị ấy vẫn lấp lánh và trở thành nỗi tiếc nuối, sự trân trọng, mến thương trong tôi như không bao giờ nguôi./.

Ngày 16/8/2015

Phạm Văn Tri

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.