ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 16:55:55
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ những ngày chiến dịch

Báo Cà Mau (CMO) Những trang nhật ký chiến trường, cách đây hơn 40 năm vẫn còn nguyên trong khí thế hào hùng của quân dân Cà Mau năm xưa. Tháng 2/1972, tôi nhận quyết định từ Ban Chính trị Tỉnh đội Cà Mau biệt phái sang Ban Tuyên huấn tỉnh.

Ông Trần Hữu Vịnh (Hai Thống), Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên huấn, nói: “Hưởng ứng toàn miền, vào chiến dịch lần này, quân ta đánh lớn… Ở chiến trường Cà Mau, ta phải giải phóng toàn bộ đồn bót của giặc trên tuyến Bình Hưng - Cái Đôi. Anh em đã xuống địa bàn cả rồi, đồng chí sắp xếp đi ngay ra các mũi tiến công, với nghiệp vụ của mình, cổ vũ phát huy tinh thần đồng bào đang nổi dậy ở vùng giặc đang chiếm đóng".

Lần này vào chiến dịch, một thân tôi trên chiếc xuồng ba lá nhỏ đến xã Trần Thới, huyện Cái Nước. Trên ngã ba sông, các lực lượng dân công hoả tuyến, du kích tập trung, bộ đội địa phương, hậu cần sôi động trong khí thế tiến công. Bằng phương tiện - vật liệu chuyên môn sẵn có và có sẵn một phác thảo tranh cổ động đã được thông qua Ban Tuyên huấn tỉnh, sau hơn một ngày đêm khẩn trương, tôi căng khung ra vẽ xong bức tranh cổ động 2 x 3,5 m, được anh em thông tin xã Trần Thới hỗ trợ, cắm cọc treo tranh bên ngã ba sông. Nội dung tranh thể hiện lớp lớp đoàn người đang gậy gộc trong tay xông lên phá ấp chiến lược: "Đạp nát rào gai cho chiến công nối tiếp”.

Thế rồi, chiến sự đã diễn ra trên khắp địa bàn huyện Cái Nước. Đồng bào trong các ấp chiến lược nổi dậy bao vây đồn bót giặc, đòi lũ quỷ Bình Hưng đền nợ máu! Hơn 7 ngày đêm, quân dân xã Trần Thới đào chiến hào bao vây đồn giặc, bộ đội ta đánh pháo liên tục vào đồn Bàu Chấu. Giặc đưa nhiều lượt máy bay quân sự, phi pháo, bom đạn trút xuống dữ dội để giải toả đồn Bàu Chấu. Bọn lính trong đồn lén bò ra đeo theo càng trực thăng thoát chết, có những tên lột bỏ quần áo lính chạy về chi khu Đồng Cùng. Dùng máy ảnh, tôi ghi nhanh đồn giặc đang ngập chìm trong khói pháo, kho đạn nổ tung, những hầm ngầm, công sự đồn bót giặc đổ nát. Tôi ký hoạ hàng trăm thanh niên nam nữ, những cụ già, tay vung cao cuốc, xẻng đào bới hang của lũ giết người.

Tù binh được giáo dục phóng thích tại chiến trường (ký hoạ của Nguyễn Hiệp 1972).

Đến Thứ Vải - Quảng Phú, nơi 14 năm qua bọn giặc chụp vào đây bộ máy nguỵ quyền và đồn bót, những ấp chiến lược và rào kẽm gai kềm kẹp hơn 8 ngàn dân. Giờ đây quân ta dồn sức tiến công, truy kích giặc đến sào huyệt cuối cùng. Tôi ghi được hình ảnh các chiến sĩ nữ địa phương quân súng chắc trong tay dẫn tù binh về hậu cứ; Chị Út Hiểm, vợ của Huyện đội trưởng Năm Mến, đội thúng cơm vượt qua làn đạn pháo của giặc đem ra cho bộ đội ngoài mặt trận; Những tên lính nguỵ vừa bị bắt sống với gương mặt thiểu não cũng được cho ăn. Trong cơn mưa chiều, đường làng trơn trượt, tôi chạy bộ hơn 5 km để ghi lại hình ảnh đồn Quảng Phú còn đang bốc cháy, tên đồn trưởng cháy queo như chuột bị đốt. Ghi hình ảnh hàng trăm đồng bào từ các phía vượt sông ra đào, cuốc phá đồn Kênh Mới, trong đó có những cụ già tóc bạc phơ. Trực thăng của giặc đổ quân xuống trận địa một đại đội lính phản kích cứu nguy cho đồng bọn, bị quân ta diệt gọn, thây nằm ngổn ngang trên đồng nước. Và trong đêm ấy, tôi ghi hình ảnh Nhân dân ta đốt đuốc, bơi xuồng trên sông Cái Bát đi phá đồn giặc, vẽ anh chiến sĩ thông tin cầm ống loa thông báo đồn Mang Rổ giặc vừa bỏ chạy…

Chiến công nối tiếp, chiều cuối đông năm 1972, tôi ghi hình đoàn xuồng bộ đội hành quân trên sông Bùng Binh (Cái Bát) ra tuyến lửa. Kết thúc chiến dịch lịch sử, quân dân ta đánh diệt gọn đồn Bà Hui. Tôi đến vẽ chân dung bác nông dân bao ngày sống trong ấp chiến lược bị kìm kẹp khắc nghiệt của kẻ thù, bác đứng lên xé nát cờ ba sọc và xé hình tên Nguyễn Văn Thiệu bán nước…

Nhân dân ấp chiến lược Bà Hui phá đồn giặc (ký hoạ của Nguyễn Hiệp 1972). 

Ra mặt trận, tôi vẽ các chiến sĩ Tiểu đoàn U Minh nằm chờ giặc; Vẽ bà mẹ tiếp vận tải lương; Vẽ chân dung anh Hai Xẻo, người chiến sĩ hậu cần 2 thời kỳ kháng chiến luôn có mặt ở quân hàng; Vẽ đôi mắt sáng của đồng chí Định, đồng chí Của, đồng chí Xe Tăng (tên anh) trong mũi nhọn mưu trí dũng cảm đánh chiếm đồn Quảng Phú ban ngày; Vẽ đồng chí Tùng gan dạ xông lên, phất cờ lệnh cho quân ta xung phong tiêu diệt đồn Cái Bát; Vẽ tư thế chị Bảy Thơm hiên ngang chĩa súng bắt sống 2 tù binh trong trận diệt đồn và vẽ chân dung má Ngô Thị Thính, chị Hai Đào - người mẹ, người chị đỡ đầu cho bộ đội địa phương quân huyện Cái Nước. Vẽ hình má Tám Lệ ở Lung Tra, người đảng viên cao niên tham gia suốt từ đầu vào chiến dịch làm tổ trưởng tiếp vận chiến trường... Bằng vật liệu thô sơ, tôi đã ghi chép về những con người trên vùng đất gắn với chiến công lịch sử. Hơn 200 ký hoạ chiến trường ghi chép đã trở thành những tác phẩm sống động của thời cuộc, được trưng bày ngay khi chiến trường vừa im tiếng súng. Triển lãm ký hoạ được cơ động bên chiến hào, bên công sự quân dân ta đang nằm chờ giặc cho các lực lượng dân công hoả tuyến, làm quà cổ vũ tất cả hăng hái bước vào trận đánh mới.

Quân giặc liên tiếp thất bại trên các chiến trường. Ở Cà Mau, chúng điên cuồng đưa quân đánh phá vào vùng nông thôn giải phóng, lấn chiếm đóng lại đồn bót. Từ mùa đông năm 1972, quân dân ta đồng loạt tiến công, phía Bắc Cà Mau và nhiều nơi trong tỉnh có bộ đội chủ lực Trung ương về chi viện. Riêng tuyến Bình Hưng - Cái Đôi - Đồng Cùng, các đơn vị địa phương kết hợp lực lượng quần chúng nổi dậy bao vây tiêu diệt, bức rút 14 đồn bót lớn như: Đồn vàm xáng Thọ Mai, đồn Bà Ký, đồn Vàm Đình, đồn Cả Đài, đồn Bà Hui và các đồn Thứ Vải, Quảng Phú, đồn Kênh Mới, đồn Cái Đôi, đồn Mang Rổ cùng trên 30 lô cốt - đồn bót nhỏ, trạm tiền tiêu của giặc trong khu vực bị quân ta quét sạch.  Ta diệt và bắt sống trên 500 tên, thu toàn bộ vũ khí, biệt khu Hải Yến - Bình Hưng bị đánh thiệt hại nặng.

Những con người trên vùng đất này đã làm nên chiến thắng lịch sử, năm tháng qua đi nhưng đất nước không thể nào quên. Tôi viết lại những dòng này để kỷ niệm 47 năm hưởng ứng với toàn miền, huyện Cái Nước vào chiến dịch “Đánh chắc và thắng chắc”, đánh tiêu diệt, dỡ mảng hệ thống đồn bót giặc trên địa bàn, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

Nguyễn Hiệp

Những "ngôi nhà cách mạng"

Thời chiến tranh chống giặc ngoại xâm, Cà Mau là căn cứ địa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng cả nước. Từ thành thị đến làng rừng có rất nhiều địa điểm ghi dấu ấn, nay là di tích lịch sử cách mạng.

Chuyện xin giống cây vú sữa trồng ở Phủ thờ Bác

Tại Phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Trí Lực, huyện Thới Bình (mọi người thường gọi thân thương là “Phủ thờ Bác xã Trí Lực”), hiện có cây vú sữa được nhân giống từ cây vú sữa của má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) gửi Tiểu đoàn 307 mang ra miền Bắc tặng Bác Hồ trên chuyến tàu tập kết năm 1954. Cây vú sữa này cũng đã cho trái từ mấy chục năm qua, khắc sâu thêm tình cảm thiêng liêng của người dân Cà Mau đối với Bác. Thế nhưng, chuyện xin cây vú sữa mang về trồng như thế nào và từ khi nào, cũng là thắc mắc của nhiều người.

Vụ thảm sát Cái Sắn qua lời kể của nhân chứng U100

Ông Phạm Văn Quang (Hai Quang), Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thới Bình, là người tâm huyết với công tác khuyến học, hầu như khóm, ấp nào trong huyện cũng có bước chân ông. Một hôm, ông phấn khởi điện cho tôi: “Chú biết có ông cụ này tuổi hơn 90, còn minh mẫn lắm, biết rất nhiều chuyện xưa của vùng đất Thới Bình, trong đó có vụ thảm sát ở Cái Sắn. Sắp xếp rồi chú đưa đi gặp cụ”.

Việt Nam trân trọng độc lập, phát triển bền vững

Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945 đã khẳng định Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập. Ở đó người dân có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc… Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…

Tự hào 79 mùa thu lịch sử

Cách đây 79 năm, với thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, ngày 2/9/1945 trở thành ngày Tết độc lập đầu tiên của Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh - thời đại của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước với ánh sáng chân lý của sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Ðảng ta soi đường, dẫn lối. Một mùa thu vạch ngang lịch sử, được lịch sử lựa chọn để đi vào bất tử.

Tri ân hai vị lãnh đạo nghĩa quân

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp tháp tùng cùng Nhà báo Ðỗ Văn Nghiệp (Sáu Sơn), hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kể chuyện lịch sử (do Bảo tàng tỉnh thành lập) về thăm, thắp hương tại Khu tưởng niệm hai lãnh đạo nghĩa quân, Ðỗ Thừa Luông - Ðỗ Thừa Tự (toạ lạc tại ấp Bùng Binh, xã Hoà Thành, TP Cà Mau) - Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Món quà nghĩa tình tri ân mẹ

Thiêng liêng gì bằng Tổ quốc và mẹ. Mẹ đã cống hiến tuổi xuân, tài sản lớn nhất là chồng, là con cho Tổ quốc. Bằng tấm lòng tôn kính, cảm phục, việc xuất bản quyển kỷ yếu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cà Mau” thể hiện trách nhiệm và là món quà mang nặng nghĩa tình của Ðảng bộ và Nhân dân tỉnh Cà Mau gửi đến các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) còn sống, thay nén tâm hương dâng lên những mẹ đã khuất.

Chuyện về liệt sĩ nằm lại vùng đất lửa

Cách đây 5 năm, trong chuyến về nguồn cùng Tỉnh đoàn Cà Mau, đó là lần thứ 3 tôi được đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tỉnh Quảng Trị). Mang theo tấm lòng của người con miền Nam đến thắp nén tâm hương cho những vị anh hùng của Tổ quốc, như một sự tình cờ kỳ diệu, giữa hơn 10 ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm lại ở vùng đất lửa, đoàn chúng tôi bất ngờ tìm được một phần mộ đặc biệt. Ðó chính là nơi an nghỉ của Liệt sĩ Nguyễn Ngọc Xinh, quê tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.

Những địa chỉ thiêng liêng

Trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, lớp lớp những người con Cà Mau lên đường đánh giặc, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Ðể đổi lấy ngày độc lập, chỉ trên quê hương Cà Mau đã có 17.678 liệt sĩ, 16.467 thương binh, 2.510 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gần 17 ngàn người đang hưởng trợ cấp hằng tháng.

Làm đẹp địa chỉ đỏ

Trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, xương máu của lớp lớp thế hệ ông cha đã thấm đẫm trên từng tấc đất quê hương. Ðể tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, tại các xã, thị trấn trong huyện Ngọc Hiển đều xây dựng các đài tưởng niệm, nhà bia ghi danh liệt sĩ. Những công trình này vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.