(CMO) Năm 1965, tôi công tác tại đơn vị du kích xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai, tỉnh Cà Mau. Gần cuối năm 1967, Xã đoàn vận động đoàn viên, thanh niên đi miền Ðông. Lúc bấy giờ tôi là đoàn viên nên xung phong đăng ký đi và vận động thêm đồng chí Hồng Nga đang công tác giao liên của xã cùng đi (nhưng cũng chưa biết đi làm những nhiệm vụ gì). Ði cùng chúng tôi còn có Nghĩa, Phượng và Minh Thu do Xã đoàn vận động.
Chúng tôi được đưa về Huyện đoàn Giá Rai, sau đó tập trung về Tỉnh đoàn Cà Mau đóng tại đầm Thị Tường và sau đó lên đường.
Lúc đó chúng tôi còn rất trẻ, tôi và Hồng Nga mới 17 tuổi, còn 3 em Phượng, Thu, Nghĩa chỉ mới 15. Xa quê hương không hẹn ngày trở lại, lòng bùi ngùi, lưu luyến. Nhưng với lòng yêu nước, trách nhiệm của tuổi trẻ mà từ giã quê hương, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Bác Hồ, bỏ lại sau lưng tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, anh em và bà con, làng xóm. Chiến tranh mà, đâu ai có thể lường trước được chuyện gì, ra đi làm cách mạng cũng có thể là chia ly vĩnh biệt.
Cuộc hành trình từ đầm Thị Tường đến miền Ðông, chúng tôi đi bộ ròng rã hơn 1 tháng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Người thủ lĩnh dẫn dắt chúng tôi là đồng chí Phan Văn Be (Chín Be). Ðến nơi, chúng tôi gặp được đồng hương Cà Mau là đơn vị C239 (Ðại đội Thanh niên xung phong Nguyễn Việt Khái I Cà Mau). Chúng tôi được bố trí vào C239, trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam, phục vụ cho bộ đội đánh giặc, làm các nhiệm vụ: khiêng thương, tải đạn.
TNXP giải phóng miền Nam thồ hàng ra mặt trận. Ảnh tư liệu |
Ðội C239 phục vụ cho Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 chủ lực. Ở đây rừng ngút ngàn, hiểm trở, không có bóng một người dân, chỉ có ta và địch. Trong rừng làm gì có xe cộ, tàu thuyền; mọi hoạt động phải dùng đến sức người, vỏn vẹn chỉ có đôi vai nhỏ bé.
Bắt đầu một cuộc sống mới thay đổi hoàn toàn, thiếu thốn mọi thứ. Nơi đây chỉ có rừng sâu nước độc, cơm vắt, ngủ hầm. Khi nghỉ quân, mỗi người chỉ có 1 chiếc võng và 1 tấm tăng 2,5 m dùng để che nắng, che mưa. Sự sống luôn có nhiều mối đe doạ: bom đạn, sốt rét, rắn độc… Tuy cuộc sống khó khăn, gian khổ, thiếu thốn nhưng tình đồng chí, đồng đội thì trân trọng, đoàn kết, thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau; nhất là khi ốm đau, bệnh tật. Trong công tác thì tranh nhau đi làm nhiệm vụ, các bạn nữ cố gắng phấn đấu tăng năng suất cho bằng các bạn nam.
Tôi còn nhớ, khoảng đầu năm 1968, thực phẩm khan hiếm, chúng tôi phải lấy đậu xanh hột nấu chín, nghiền ra cho thêm muối, bột ngọt, phi dầu, tỏi làm món mặn ăn với cơm thay thịt, cá. Ðậu phộng nguyên hạt, vo sạch nấu chín, cho thêm muối, bột ngọt nêm vừa ăn thay món canh. Tính chất công việc lao động nặng nhọc (khiêng thương, tải đạn, thồ lương thực…), ăn uống lại kham khổ nhưng chúng tôi từ chỉ huy đến lính vẫn vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ, không kêu ca, chán nản.
Lúc đầu công việc thồ bằng xe đạp gặp khó khăn, do chúng tôi ở vùng sông nước làm gì biết chạy xe đạp; thêm nữa lại chạy đường rừng. Chúng tôi chạy xe cứ bị té lên té xuống; thậm chí chảy máu ở tay, ở chân, u đầu, mẻ trán là chuyện thường xuyên. Rồi dần cũng quen, chạy xe được, thồ tốt. Tôi cũng như bao đồng chí khác cố gắng từng ngày. Ban đầu chỉ thồ được 100 kg rồi đến 200 kg, tăng dần lên 250 kg, rồi 300 kg. Cách ràng để thồ được nhiều hàng là 2 bên xe, mỗi bên ràng 1 bao 100 kg, và 1 bao 100 kg để ngang bên trên. Qua quá trình phấn đấu, tôi được Cục Hậu cần Ðoàn 82 công nhận là “Kiện tướng xe thồ” và được cấp giấy chứng nhận danh hiệu vẻ vang là Dũng sĩ Quyết Thắng vận tải cấp 1 (ngày 20/7/1970).
Khi đi làm nhiệm vụ tải đạn hay thồ lương thực, không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi khi cũng gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Cận Tết năm 1969, đơn vị C239 cùng đơn vị C198, đơn vị C2012 và đơn vị hậu cần Ðoàn 49 đến chuyển kho lương thực tại sông Tha La. Chúng tôi vận chuyển chưa xong các kho thì bị địch phát hiện, chặn đánh. Chúng cho máy bay ném bom, trực thăng đổ quân chặn đường đến kho. Tất các các đơn vị đều bị bao vây, nhưng chúng không dám tấn công vô phía các đơn vị đóng. Tối đến, các đơn vị phối hợp tập kích nơi lính Mỹ đóng quân, không biết chúng có bị thiệt hại hay không, nhưng sáng hôm sau (ngày thứ 2 bị bao vây), chúng cho máy bay phát loa kêu gọi chiêu hồi cả ngày. Còn lính Mỹ dưới đất án binh bất động, không tấn công.
Từ chỗ lính Mỹ đóng quân đến nơi chúng tôi ở, cách nhau chừng 30 phút đi bộ. Trận tập kích đêm hôm trước có 2 đồng chí thuộc đơn vị C2012 bị thương. Tối ngày thứ 2, các đơn vị rút quân toàn bộ ra khỏi vòng vây của địch an toàn. Ðợt này tôi được tặng bằng khen của Tổng đội TNXP vì đã có thành tích phục vụ chiến đấu.
TNXP giải phóng miền Nam lấy thân mình làm giá đỡ cầu để khiêng cán thương binh qua suối. Ảnh tư liệu |
Chuyện đã trôi qua hơn 50 năm, nhưng khó mà quên được. Tôi vẫn nhớ cái Tết năm 1970, các đơn vị C239, C198 cùng đơn vị hậu cần Ðoàn 49 cùng chuyển hàng xuống núi Bà Ðen. Giao hàng xong, nhận hàng khác quay về biên giới Campuchia - Việt Nam. Dẫn đoàn lần này là đồng chí Trần Bảy, Liên đội trưởng cũng là Trưởng đoàn và đồng chí Trang Bá Phúc (Sáu Phúc) là Ðại đội trưởng C239. Chiều 29 Tết, chúng tôi bắt đầu hành quân, tập kết tại Suối Vàng, được lãnh đạo tổ chức cho ăn Tết. Ăn bánh ngọt, uống nước trà xong, chúng tôi hành quân lên núi Bà Ðen, nghỉ quân, giao hàng và nhận hàng khác về. Tối mùng 2 Tết, chúng tôi xuống núi quay về. Ðêm đó bị bọn biệt kích phát hiện, bám theo quấy rối suốt đêm. Cứ chốc lát nghe truyền lệnh “có hơi” biệt kích (nghi có biệt kích). Có lúc chúng nó rọi đèn pin ngang đội hình của mình. Cuối cùng đoàn bị lạc đường, đến khu vực Mỏ Công.
Lúc này trời đã sáng, chúng tôi dừng quân, lãnh đạo đang bố trí chỗ nghỉ cho mỗi đơn vị, nhưng chưa xong thì pháo từ hướng Tây Ninh bắn tới tấp ngay đội hình. Kế tiếp một bầy trực thăng bay đến bắn liên hồi, máy bay ném bom chát chúa. Xe tăng mấy chục chiếc kéo tới bao vây trận địa. Lúc này hỗn loạn, mọi người lo thoát thân, mạnh ai nấy chạy. Ðơn vị C198 có một số đồng chí đối đầu trực diện với địch, các đồng chí này có vũ khí, có B40 nên bắn cháy 2 xe tăng của địch. Chị Hoàng Anh trước khi hy sinh, chị rút chốt trái lựu đạn, chờ 4 tên lính Mỹ đến bắt, chị đứng lên buông trái lựu đạn, chị cùng chết với 4 tên lính Mỹ. Cuối cùng đơn vị C198 hy sinh hơn 1 tiểu đội, Ðoàn 49 có hy sinh và bị bắt một số đồng chí (tôi không rõ là bao nhiêu), đơn vị C239 thì chỉ có 1 đồng chí Lệ Vân (quê Cà Mau) bị bắt. Còn nhóm của tôi có 5 người, gồm đồng chí Sáu Phúc, tôi (Hồng Vân), đồng chí Hồng Tơi, đồng chí Kim Phụng (Phụng Hô), đồng chí Dũng Mậu bị kẹt trong vòng vây đến gần tối mới thoát ra được.
Lúc này đồng chí Sáu Phúc bị sốt rét, chúng tôi định nghỉ chờ cho đồng chí bớt sốt rồi mới đi. Trời đã tối, chúng tôi ngồi chờ dưới tán cây, bỗng có con chim cú bay đến đậu trên cây, nó kêu “cú…cú..” liên hồi, nghe sợ lắm. Ðuổi nó bay đi, lúc sau nó lại bay trở về đậu trên cây tiếp tục kêu. Mọi người sợ hãi, lo có điều chẳng lành. Chúng tôi quyết định rời đi ngay. Ði khỏi một đoạn thì ngửi thấy mùi nhang muỗi, chúng tôi nghi là có địch ở gần nên mau chóng cắt rừng đi trong đêm. Ðến khuya, sao lặn hết, không xác định được phương hướng để đi nữa nên đành nghỉ lại.
Chúng tôi nằm trên đất, đồ đạc mất hết, chỉ còn bộ đồ đang mặc trên người. Vậy mà trời còn đổ cơn mưa lớn, nước ngập mênh mông, người nào cũng ướt sũng, lạnh run không có gì che chắn. Những ngày kế tiếp phải chịu đói, chịu khát mà đi. Hễ gặp suối thì xuống uống nước, gặp lá cây nào ăn được thì hái ăn cho đỡ đói. Ðến chiều ngày thứ tư (kể từ lúc chạy thoát khỏi trận địa), chúng tôi lần theo con suối thì gặp được con đường mòn, đi thêm một đoạn có cây cầu khỉ bắc ngang. Khi qua cầu, chúng tôi gặp được các đồng chí của Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam. Lúc này, mặc dù kiệt sức nhưng cảm xúc của chúng tôi thì vỡ oà không thể tả được. Cứ ôm lấy nhau, mừng vui mà nước mắt tuôn trào...
Ðây là ký ức không bao giờ tôi quên được trong những năm tháng tham gia phục vụ chiến đấu ở miền Ðông đầy "gian lao mà anh dũng".
Năm 1965, đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “Ðoàn kết nhất trí triệu người như một, quyết tâm đánh thắng Mỹ xâm lược”, Trung ương Ðoàn Thanh niên thành lập Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam để tập hợp sức mạnh thanh niên thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng cứu nước. Cùng với cả nước, Tỉnh đoàn Cà Mau thành lập Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I (là lực lượng TNXP đầu tiên của tỉnh) với nhiều đợt đưa quân về Tổng đội TNXP phục vụ chiến đấu. Với khẩu hiệu: “Chắc tay súng, thẳng tay thồ, vững tay lái, bền vai tải...", Ðại đội TNXP Nguyễn Việt Khái I đã cùng Tổng đội TNXP giải phóng miền Nam lập nhiều thành tích vẻ vang góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phục vụ chiến trường miền Ðông, đại đội có 2 đồng chí được phong, truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Phạm Hồng Vân