ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 8-1-25 22:17:32
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nhớ Thanh Trần

Báo Cà Mau ...Năm 1966, do yêu cầu của chiến trường, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam - R) phân công tôi và bốn đồng chí trong Đoàn Văn công giải phóng R về tăng cường cho Đoàn Văn công Quân khu Tây Nam Bộ.

...Năm 1966, do yêu cầu của chiến trường, Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (lúc ấy là Trưởng Tiểu ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam - R) phân công tôi và bốn đồng chí trong Đoàn Văn công giải phóng R về tăng cường cho Đoàn Văn công Quân khu Tây Nam Bộ.

Sau một thời gian ở Đoàn quân khu, tôi lại được điều về công tác ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn khu Tây Nam Bộ. Từ đây, tôi có dịp sống và làm việc với anh Ba Cao, tức Nhạc sĩ Thanh Trần.

Minh hoạ: Thanh Hùng

Khoảng giữa năm 1967, chúng tôi được phổ biến nghị quyết mới. Tình hình chiến trường đang sôi động, khí thế mới hừng hực làm nức lòng mọi người. Khu uỷ, Quân khu uỷ chỉ thị gấp rút thành lập, chấn chỉnh và xây dựng tiết mục mới cho các đoàn văn công để chuẩn bị cho các đợt biểu diễn sắp tới rất quan trọng. Với khí thế, với niềm tin mới và lòng hăng say công việc, ngày đêm hai anh em lao vào không biết mệt mỏi.

Anh Thanh Trần nói với tôi: Tao nôn dữ quá. Kỳ này nếu ăn ngon, tao dẫn mầy lên Sài Gòn cho biết nghen!

Trong đấu tranh chính trị trước đây, anh có hoạt động bí mật ở Sài Gòn khoảng từ tháng 10/1959 cho đến sau Đồng khởi cuối 1960. Trong đoạn hồi ký viết về Thanh Trần, người bạn cố tri đồng liêu của mình, Nhà văn Minh Thuỳ (Tư Mới), viết: “… Với tấm thẻ bầu Quốc hội giả (Quốc hội Sài Gòn) chèm nhèm, vào một đêm mưa gió gần cuối năm 1959, Ba Cao, Tư P (vợ Ba Cao) đã quá giang một chiếc ghe buồm con có cài mui dột nát “vù” ra Rạch Giá. Từ đây hai vợ chồng vọt lên Sài Gòn len lách tìm chốn nương thân, cuối cùng ngụ lại trong một ngõ hẻm tồi tàn. Thân nhân chẳng có, mà nghề nghiệp cũng không, trong khi cái nghề ruột chuyên môn nhạc sĩ của mình thì phải giấu đi, giấu thật kỹ, giấu cho tận cùng ký ức…”.

Sau này anh Thanh Trần thuật lại: “Tao bửa củi cho đến nỗi phồng rộp cả hai bàn tay, nó bể ra, chảy máu, rát thấy bà. Tao không nghỉ, cứ bửa tới, bửa tới…”.

Về sau, nhờ một người bạn đồng cảnh nghèo chỉ giúp cho, Ba Cao thuê một chiếc xe ba bánh làm nghề chở mướn. Đến một buổi kia, giữa lúc Tư P è ạch với cái bụng chửa, lui cui sửa soạn bữa cơm chiều thì anh em bạn nghèo cùng xóm khiêng về cho cô một “thương binh”.

Ba Cao thuật lại: “Trời ơi, tao tưởng gãy chân luôn, vợ tao nó ôm tao mà khóc như mưa”. Anh cả mô chất lên xe bốn trăm viên gạch chở mướn, dốc cầu lại hẳm, sợ trớn xe lao không kìm nổi, anh xuống đỡ xe đi thụt lùi, do thiếu kinh nghiệm nên đầu xe chúi xuống, cả đống gạch đổ xuống chụp lên người anh…

Thời gian cùng chung sống với anh, chúng tôi không sao quên một bức ảnh Ba Cao mang về lưu niệm những năm tháng gian truân sống trên đất Sài Gòn: Một anh chàng Ba Cao đẹp trai, mặc quần xà lỏn, áo cụt tay, đầu đội nón lá ngồi trên chiếc xe ba gác nở nụ cười yêu đời…

***

Tôi lên Cần Thơ với Đoàn cải lương R. Tháng 12/1967, tôi bị địch bắt tại Xà Phiên, Vĩnh Viễn, trong hai ngày địch càn liên tiếp. Tháng 1/1968, tôi vượt ngục tại Tiểu khu Chương Thiện (căn cứ Trung đoàn 32 thuộc Sư đoàn 21 nguỵ).

Hai chúng tôi lại gặp nhau ở Cái Nửa (thuộc Rạch Giá) phút giây bất ngờ, bồi hồi xúc động không ai cầm được những giọt nước mắt vui mừng…

Và chúng tôi lại tiếp tục với những tháng ngày gian khó, ác liệt. Chúng tôi lại lên đường với chiếc xuồng ba lá, chiếc ba lô, khẩu K54 và một tấm lòng trên khắp cùng sông rạch miền Tây. Tác phẩm cứ tiếp tục ra đời, tiết mục cứ trào dâng và sôi nổi.

Anh Thanh Trần nhận được tập bài hát số 1 của Tiểu ban văn nghệ R in bằng rô-nê-ô có hai bài Việt - Khmer SamakyVề đi boòng ơi! của anh, anh khoe cùng tôi với niềm vui sướng lớn lao của mình. Chúng tôi rất mừng, dù đường dây liên lạc trăm ngàn khó khăn mà tác phẩm của anh em văn nghệ miền Tây cũng gởi lên tới R và được sử dụng.

Sống với Đoàn ca múa Khmer, với anh Hai Thạch Voi (Trưởng đoàn) ở ngã năm Bình Minh, với cây đờn cò điêu luyện của mình, anh Thanh Trần đã dạy cho các diễn viên hát dân ca Khmer mà anh đã mày mò sưu tầm. Xứ Cái Đôi Vàm của anh ngày xưa hễ nói đến Ba Cao là ai cũng công nhận tài kéo đờn cò. Tiếng đờn cò của Ba Cao lúc xuân thời đã từng làm cho nhiều trái tim của các nàng mê mệt…

Tôi còn nhớ, những lúc hai anh em đi chiến trường về, khi chèo xuồng trên rọc Kỳ Đà (vùng Cà Mau) mênh mông rong rêu, nước lợ; lúc kéo xuồng hì hục trên kinh lục bình, vùng lung Ngọc Hoàng (Cần Thơ)… Hay những đêm trăng thanh, gió mát trên đầm Thị Tường, một đầm nước mênh mông, nên thơ giữa lòng Cà Mau. Đêm khuya yên ả, pháo địch lạc lõng nổ vu vơ xa xa, ánh trăng loang loáng mặt đầm… Tôi chèo mà mắt cứ híp lại, buồn ngủ quá. Anh nói: “Tao đờn cho mầy đỡ buồn ngủ nghen!”. Và tiếng đờn cò của anh lại réo rắc trong không gian tĩnh mịch, làn gió nhè nhẹ xào xạc đám lá dừa nước quanh đâu đây…

Khung cảnh thơ mộng, trữ tình giây phút bình yên, tôi nghe đâu đây có những con cá đớp mồi và như chúng cũng sung sướng đớp luôn giọt đờn từ trái tim người nghệ sĩ. Chúng tôi lại mơ ước đến một ngày hoà bình… Anh thường nói với tôi: “Nếu tụi mình còn sống được đến ngày giải phóng, được đi học, bồi dưỡng thêm nghề nghiệp, tao sẽ viết giao hưởng, sẽ hoàn toàn sử dụng chất liệu Khmer trong tác phẩm. Vì trong dân ca Khmer vùng Nam Bộ mình hay lắm, độc đáo lắm. Tao mê lắm!”.

Mơ ước lớn mà anh đã thực hiện trong những năm tháng đánh giặc là đi sưu tầm dân ca, dân nhạc Khmer vùng Nam Bộ. Với khẩu K54, cây đờn cò và chiếc xuồng ba lá, anh đi khắp vùng Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu… lau lách vào các vùng sâu như huyện Vĩnh Châu, vùng Trà Sếch (thuộc Sóc Trăng) sống với từng gia đình, từng bác nông dân Khmer, học tập những làn điệu, những câu hát cổ Khmer, nắn nót từng phím đờn cò của những bài mà chính mình đã sưu tầm được. Thời gian này anh đã ghi lại rất nhiều điệu Rôom vôong, Lăm thôn, Rôom kbach, điệu đệm cho trống xa daăm… Nhiều bản nhạc cổ truyền Khmer về đám cưới, đám ma, điệu hát đối đáp À dây, Dù kê, các tiết tấu về trống phách của nhạc Lkhool (như cải lương)…

Lúc chúng tôi công tác ở Đoàn Văn công Khmer Tây Nam Bộ (anh Hai Voi làm Trưởng đoàn) tôi nói tiếng Khmer, dàn dựng nhiều tiết mục dân ca, dân vũ Khmer. Anh rất ham mê công việc này. Trong hầu hết những tác phẩm ca khúc mà anh sáng tác, chất liệu Khmer và chất liệu dân ca Việt đã hoà vào một cách rất nhuần nhuyễn và tự nhiên. Nếu đem phân tích sẽ nhận thấy như bài Lá thư Đông Xuân và bài Khi thành phố chúng ta xuống đường là một điển hình. Cũng có nhiều ca khúc anh sử dụng hoàn toàn chất liệu Khmer như Tiếng hát trên chiến hào; Về đi boòng ơi!; Việt - Khmer Samaky… rất độc đáo và rất Khmer Nam Bộ.

Trong tập sưu tầm, ghi chép dân ca Khmer của anh, tôi được biết ít nhất cũng có khoảng ba, bốn mươi bài quý giá. Rất đau lòng vì tất cả những công lao đó nó cũng đã vĩnh viễn theo anh.

Là một người không bao giờ và không hề thoả mãn những công việc mình đã làm, anh còn nghiên cứu, tập hợp tư liệu bằng những khả năng hiểu biết của mình, anh đã biên soạn và hoàn thành tập “Nhạc lý cơ bản” gồm nhiều chương trình ở trình độ sơ giải và đã viết lời giới thiệu cho tài liệu này.

Khoảng thời gian 1968-1970, địch phản kích rất ác liệt. Căn cứ chúng tôi dời về kinh 24 rừng U Minh (nằm giữa sông Trẹm và sông Cái Tàu) tình hình rất căng thẳng, hạn chế nhiều đến việc tập dượt cho đoàn. Máy bay “đầm già” rà đi, rà lại suốt ngày và thế là chúng tôi bị phát hiện. Một buổi trưa, ba chiếc B57 đến dội bom, nhà cửa ngoài bộ phận hội hoạ và Tiểu ban Văn nghệ tan tành; chúng tiếp tục dội bom xuống căn cứ đoàn Khmer và đoàn ca múa, tình thế cấp bách và rất nguy hiểm. Lúc này anh Thanh Trần quên cả thân mình, anh đứng điều khiển cho đoàn phân tán, né tránh… Bom vẫn tiếp tục dội xuống căn cứ, khi anh nằm xuống thì dưới chân anh mọi người đã nằm chật hết rồi.

Một ngày nọ, đoàn chúng tôi phải chém vè trong khu rừng lá Tân Hưng Tây, chung quanh là sông rạch chằng chịt, nước mặn, đã hai ngày đêm không có nước ngọt nấu ăn, nấu uống. Có anh bị ghẻ ngứa sần mình và bị tiêu chảy. Một hớp nước ngọt đối với con người lúc này là vàng, là mạng sống; nó là yếu tố quan trọng cho sự tồn tại toàn đoàn. Chỉ còn một biện pháp duy nhất là “xung phong” ra xóm đồng bào tìm nước ngọt.

Đêm đến, anh Ba Cao và vài đứa chúng tôi “xung phong” ra ngoài xóm. Đồng bào đã chạy càn hết và chúng tôi cũng không nắm được tình hình là đêm đó giặc có đóng quân ngoài xóm không. Ba Cao cầm khẩu P38, chúng tôi có một khẩu bá đỏ và hai khẩu cacbin. Anh nói: “Tao đi trước, có gì tao “nổ” là tụi bây liệu mà xử lý nghen!”.

Đường trơn trợt, trời tối đen như mực, chúng tôi men theo biền lá, mò mẫm từng con rạch, lắng nghe động tĩnh, hồi hộp theo từng bước đi. May thay đêm ấy địch không chốt quân ngoài xóm, kết quả đã tìm được một ít nước mưa còn sót lại, mang về niềm vui và sinh lực cho toàn đoàn.

Đêm ấy, tôi và anh ngủ chung mùng. Anh trằn trọc không ngủ được, lục ba lô lấy ra một nửa chiếc khăn lông đã sờn cũ. Anh buồn bã, xúc động nói với tôi: “Nửa cái khăn này tao đã giữ nó mười mấy năm nay. Đêm cưới nhau, hai đứa ngủ trong cái chòi rách và đã đắp nó. Đêm nay tao chôn nó nơi đây, dưới gốc bần này coi như đã chôn một kỷ niệm, một kỷ niệm mà tao không bao giờ muốn nhìn lại!”. Tôi thông cảm sự việc đau lòng của anh.

Trong mấy năm qua anh ray rứt, khổ đau, hình ảnh người vợ yêu quý và những đứa con gái, kết quả của một mối tình êm đẹp, gian khổ mà nồng thắm chỉ còn là một dĩ vãng, một sự giày vò trong suốt những chặng đường hành quân.

***

Thời kỳ này vượt qua sông Ông Đốc để về rừng đước là rất nguy hiểm, giữa chết và sống như ngang nhau. Vợ chồng tôi và Thanh Trần cùng đi chung một xuồng. Chúng tôi chuẩn bị dầm, chèo và phương tiện vượt sông rất chu đáo. Bọn biệt kích thường xuyên nằm chực sẵn hai bờ sông và tàu giặc tuần tiễu, hàn kín sông để chặn đường ta.

Đêm chúng tôi nghỉ tạm nơi một xóm nhỏ, cách bờ sông vài cây số. Bất ngờ, vì sức khoẻ kém, hành quân đường xa vất vả, vợ tôi đêm đó bị hư thai. Vợ chồng tôi tạm nghỉ tại nhà má Sáu (má đồng chí Tư Huờn, lúc ấy là Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau). Tôi còn nhớ lời anh nói với tôi lúc ấy: “Thằng Thao, mầy phải ở lại lo cho vợ mầy cứng cáp đã, rồi đi sau. Nếu tụi nó càn thì cho vợ  mầy hợp pháp với má Sáu, chị Tư và bà con, còn mầy phải vọt cho lẹ nghen! Công việc để tao và anh chị em lo, mầy yên trí!”.

Tôi không bao giờ quên cái đêm hai anh em mang đứa con đầu lòng của tôi đi chôn. Chúng tôi lội bì bõm trong đêm đen mịt, trời lắc rắc mưa. Tôi cầm cái len, anh mang bọc ni-lông gói cháu bé. Chúng tôi tìm được một mô đất ngoài biền ruộng, khi tôi khoét xong một hố nhỏ, anh cẩn thận đặt cháu xuống và đặt tên cháu là Bé…

Đêm sau anh không qua sông được vì tàu giặc và biệt kích. Bỏ súng vào chiếc xuồng, tôi đi cùng anh, có thêm Duy Nãi và Bảy Quốc Lai (thường gọi là Bảy ắc-coọc, rất yêu văn nghệ, đặc biệt là rất mê cây đàn ắccoorđêon. Tuy rằng suốt cuộc đời, chưa bao giờ anh đàn xong một bản nhạc). Và chiều ngày hôm sau nữa, chúng tôi lại chia tay và có ngờ đâu là buổi chia tay vĩnh viễn, mãi mãi của chúng tôi.

Ba ngày sau đó, đồng bào đi chợ thị tứ Sông Đốc về kể lại, có một đoàn xuồng nào đó qua sông bị tàu địch phát hiện, vây bắn dữ dội. Nghe nói có nhiều người đã chết và có một chiếc xuồng ba lá còn hai cột chèo mới đã trôi ra vàm biển ở cửa Sông Đốc…

Chúng tôi ngậm ngùi đau xót, biết rằng anh Thanh Trần và Bảy Quốc Lai không bao giờ về với chúng tôi. Anh tên thật là Huỳnh Tứ Cao, sinh năm 1929, tại ấp Cây Sộp, Cái Đôi Vàm, xuất thân trong gia đình khá giả. Anh đã học xong tiểu học Pháp lúc bấy giờ. Sau đó anh theo học âm nhạc và là một chàng trai nổi tiếng vừa đẹp trai vừa có tài đàn hát cả tân và cổ nhạc.

Khoảng đầu những năm 49-50, anh là giáo viên dạy nhạc của Trường Tiểu học kháng chiến Phan Ngọc Hiển (trường này đóng ở sông Cái Ngay thuộc Bạc Liêu cũ). Nhạc sĩ Ca Lê Thuần kể: “Tôi nhớ, khoảng năm 1940-1950, tôi là học trò nhỏ nhất của Trường Tiểu học Phan Ngọc Hiển, tôi học nhạc thầy Cao. Thấy tôi nhỏ mà có năng khiếu âm nhạc, thầy Cao rất thương và tận tình dạy dỗ. Hai thầy trò thường ngủ chung mùng. Thầy Cao thường hay tâm tình, nói chuyện, kể chuyện đời xưa cho nghe”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Điệp kể: “Ngoài việc dạy nhạc cho trường, thầy Ba Cao còn đàn măng-đô-lin và hát hay. Ngoài sống chan hoà với mọi người, thầy Cao lại là thầy giáo đẹp trai, có tài văn nghệ".

Anh Bông Văn Dũng (con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Bông Văn Dĩa) nói: “Ba Cao lúc dạy trường Bạc Liêu, anh lớn tuổi hơn tôi. Thường mỗi buổi chiều, học tập, lao động xong là tụi con trai chúng tôi thường hay chia phe ra đánh trận giả. Những trận “xáp chiến ác liệt” bao giờ cũng có thầy Ba Cao tham gia và làm chỉ huy trưởng cho một phe. Lúc ấy không còn là một thầy Cao nhút nhát nữa, mà trở thành một chỉ huy trưởng xông xáo, lanh lẹ, dũng cảm như một chiến sĩ”.

Còn rất nhiều bạn bè của anh hiện đang công tác, xây dựng đất nước… nhắc đến anh là nhắc đến một con người tốt, một hình ảnh đẹp.

Anh lấy tên Thanh Trần đặt tên cho bút hiệu nhạc sĩ của mình chính là tên đứa con gái đầu lòng, kết quả của một tình yêu đẹp đẽ giữa anh và Tư P; để nhớ những tháng ngày hai vợ chồng gồng gánh lên đất Sài Gòn làm thuê, hoạt động cách mạng.

Nhạc sĩ Thanh Trần tuy không còn, nhưng tấm lòng và trái tim âm nhạc của anh, giai điệu tâm hồn anh lại vang lên hơn bao giờ hết trong khắp các đoàn văn công và Nhân dân Tây Nam Bộ với khí thế mùa xuân lịch sử 30/4/1975. Khi đoàn tàu chúng tôi rẽ sóng trên ngã Ba Đình về tiếp quản Cần Thơ, chúng tôi nao nức đón mừng ngày chiến thằng vĩ đại này. Chị Lê Giang, anh Lư Nhất Vũ, anh Võ Hồng Quang và đoàn chúng tôi, ai cũng ước ao: “Anh Ba Cao còn sống thì vui biết mấy, thật là tiếc quá!”.

Tôi nghe đâu đây như có tiếng đàn khoan nhặt, bay vút của Thanh Trần: những hợp âm mạnh mẽ, hùng tráng của Bảy Quốc Lai đêm đêm hoà vào tiếng sóng biển âm vang mũi đất Cà Mau, vang mãi, sâu lắng mãi… Đó chính là bản giao thưởng mà Thanh Trần đã từng mơ ước./.

Nhạc sĩ Phan Thao (Trích hồi ký “Những gì cần phải nhớ”)

Tám Nhanh làm giàu

(CMO) Thực ra gọi ông là Tám Nhanh là theo thứ bên vợ, bà Tám Nhã (Trần Thị Nhã). Ông Tám Nhanh sinh năm 1963, là con duy nhất của Liệt sĩ Võ Văn Năm. Cha ông hy sinh khi bà Nguyễn Thị Dẽ đang mang thai ông.

Nét chấm phá từ bức tranh giảm nghèo

(CMO) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,76%, vượt kế hoạch đề ra, tương đương với 687 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đời sống của người dân đang từng ngày khởi sắc, bức tranh kinh tế - xã hội huyện nhà có nhiều thay đổi. Năm nay, bà con huyện Ngọc Hiển đón cái Tết ấm no, sung túc hơn.

50 năm - vọng mãi bản anh hùng ca

(CMO) Tết này nữa là tròn 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong khí thế hừng hực của cách mạng miền nam, ngày ấy quân và dân Cà Mau đã thấy hoà bình, thống nhất đang đến thật gần.

Năm mới thắng lợi mới

(CMO) Năm 2017, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tỉnh nhà tiếp tục chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là nỗ lực lớn, là tiền đề quan trọng để Cà Mau thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ của năm bản lề 2018.

Vững tâm bước vào năm mới

(CMO) Là tỉnh cách xa trung tâm chính trị, kinh tế của vùng và cả nước, điều kiện đi lại hết sức khó khăn; là "đứa con út chót" ở nơi cuối cùng Tổ quốc giữ gìn biên cương lãnh thổ nên Cà Mau được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước.

Cho ngày xuân bình yên

(CMO) Không khí xuân đã tràn ngập trên các nẻo đường, người người, nhà nhà nô nức xuống phố hoà vào lễ hội của mùa xuân. Hoà trong dòng người ngược xuôi, tấp nập là hình ảnh các lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự. họ luôn căng mình, túc trực 24/24, giữ bình yên cho ngày xuân.

Trao nông dân cơ hội làm giàu

(CMO) Năm 2017, huyện Thới Bình mạnh dạn tổ chức và liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất mới, cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực, được nhiều nông dân quan tâm áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao.

Chó "độc nhãn"

(CMO) Quê tôi, mùng Ba Tết là ngày mặc định ai có con "gửi" thầy cúng đều mang nhang, đèn, gà thả vườn đến vái lạy, thay tom. Nhà tôi hơn mười năm trở lại đây cũng được cái vinh hạnh gần giống vậy. Người nhờ vả, người đồn đại theo hướng tôn vinh nhưng sau trước gì cũng vẹn tình, quà cáp hoặc phong thư... Có điều, họ không "thần tượng" tôi mà là con chó “độc nhãn”.

Trên dòng kinh Tám Khệnh

(CMO) Dòng kinh Tám Khệnh hôm nay trong tiết trời se se lạnh bỗng trở nên nhộn nhịp lạ thường. Những chiếc ghe chở cá tươi nối đuôi nhau cập bến. Không cần đợi lệnh phân công của ông chủ, lần lượt nhóm thanh niên khuân vác cá lên bờ, còn nhân công làm thuê thì bắt tay vào công việc thường nhật: phân loại cá, làm cá, phơi cá. Tiếng trò chuyện, tiếng nói cười huyên náo cả một khúc sông.

Động lực giảm nghèo

(CMO) Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo là việc làm không mới đối với huyện Phú Tân và trở thành một trong những tiêu chí đánh giá đảng viên, tổ chức Đảng hằng năm. Song, cái mới ở đây là sự phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ đó, tạo động lực, niềm tin để hộ nghèo phấn đấu tự vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.