(CMO) Hôm nay là ngày 23 tháng chạp năm Nhâm Dần, cũng là ngày đưa tiễn Ông Táo về trời. Ngay từ sáng sớm, người dân ở Tp. Cà Mau đã ra các điểm chợ để mua một số lễ vật cúng Ông Táo như hoa, bánh, thèo lèo, trái cây; cá chép… Không khí rất nhộn nhịp và tấp nập. Người bán, người mua sôi động, tạo sinh khí cho những ngày giáp Tết.
Từ lâu tục thờ Ông Táo được xem là nét đẹp tín ngưỡng truyền thống của người dân. Ngày xưa ở một không gian bếp nhà tranh, vách lá có từ 1 đến 2 lò đất nấu củi, đây là cách nấu thức ăn truyền thống. Theo quan niệm dân gian, Ông Táo có vai trò hết sức quan trọng trong việc cai quản chuyện bếp núc trong gian bếp và biết hết những chuyện tốt, xấu trong gia đình. Hình tượng 3 ông táo trong lò thể hiện cho sự vững vàng (3 chân); theo các ông bà xưa kể lại thì Ông Táo có 2 ông và 1 bà cai quản trong gian bếp.
Một góc Chợ phường 2 tấp nập người mua bán ngày 23 tháng chạp.
Cá chép được bán phổ biến ở các chợ ở Tp. Cà Mau.
Trở lại với không khí nhộn nhịp vào ngày 23 tháng chạp năm nay, các chợ trên địa bàn TP Cà Mau đều chật cứng người mua các lễ vật để cúng Ông Táo. Người dân ở tuyến huyện cũng lên để mua lễ vật tiễn Ông Táo, đồng thời cũng mua sắm Tết cho gia đình.
Ông Huỳnh Mổn (Người Hoa, bên trái), chủ tiệm bán đồ cúng, cho biết: “Ngày này giấy cúng Ông Táo, bộ đưa Ông Táo đều "cháy" hàng”.
Thèo lèo là lễ vật không thể thiếu trong ngày tiễn đưa Ông Táo.
Các loại chè, bánh cũng được nhiều người dân lựa chọn.
Ông Huỳnh Mổn (Người Hoa), chủ tiệm bán đồ cúng, phường 2, Tp. Cà Mau, cho biết: “Đây cũng là phong tục truyền thống của người Hoa, nhưng giờ đã trở thành tín ngưỡng chung của mọi người, vì thế sức mua những ngày này rất đông. Ở đây cung cấp giấy đưa Ông Táo, 1 bộ đưa Ông Táo (cò bay), mũ Ông Táo, hình ảnh con cá chép.... Tuỳ theo gia đình còn có thể bổ sung thêm chè, các loại bánh…”.
Liễng hình cá chép và đồ trang trí Tết được bán nhiều ở chợ Phường 2, TP Cà Mau.
Trong ngày tiễn Ông Táo về trời, bà Nguyễn Thị Thiềm, phường 8, Tp. Cà Mau cầu mong mọi thứ được suôn sẻ trong việc làm ăn và gia đình luôn bình an, dồi dào sức khoẻ trong năm mới.
Ông Lê Hữu Nghiệp, phường 7, TP Cà Mau, chia sẻ: “Tôi cũng là dân buôn bán trái cây ở chợ; từ sáng sớm các con đã mua đồ để cúng tiễn Ông Táo và cầu nguyện trong năm mới luôn mua may bán đắt. Cuộc sống bình an, gia đình luôn luôn sức khoẻ dồi dào, con cháu trưởng thành nên người”. Vào ngày 30 tháng chạp (âm lịch) thì sẽ làm mâm cúng rước ông bà và rước Ông Táo về với gia đình.
Xã hội ngày càng phát triển, từ thành thị cho đến vùng nông thôn, những gian bếp củi dần thưa thớt nhưng người dân vẫn tín ngưỡng đặt bày vị tại nhà bếp nhỏ của mình, cũng có gia đình cất 1 gian thờ nhỏ phía trên bếp để thắp hương cho Ông Táo hàng ngày. Theo quan niệm, những lễ vật chân thành của gia chủ sẽ là điều kiện để Ông Táo tâu lên thiên đình theo mong muốn của gia chủ là những điều chưa tốt đẹp trong năm cũ sẽ được bỏ qua; còn những điều tốt đẹp và may mắn sẽ được phát huy trong năm mới./.
Nhật Minh