ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 10-5-25 10:56:25
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những cuộc đời đã hoá núi sông...…

Báo Cà Mau Mới đó mà đã 3 năm ngày Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từ giã chúng ta về cõi vĩnh hằng. Mấy ngày qua, thời tiết cứ giăng mưa u ám, càng làm lòng bùi ngùi nhớ đến không khí của những ngày cả nước đại tang.

(Tưởng nhớ 3 năm ngày Ðại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời)

Mới đó mà đã 3 năm ngày Ðại tướng Võ Nguyên Giáp từ giã chúng ta về cõi vĩnh hằng. Mấy ngày qua, thời tiết cứ giăng mưa u ám, càng làm lòng bùi ngùi nhớ đến không khí của những ngày cả nước đại tang.

18 giờ 9 phút ngày 4/10/2013, trái tim lớn đã ngừng đập, người anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, vị tướng huyền thoại của Nhân dân đã từ giã cõi dương gian này. Dẫu biết rằng sinh - lão - bệnh - tử là quy luật của tạo hoá, dẫu biết ra đi ở cái tuổi 103 là đại thọ, nhưng sao khi nghe tin Ðại tướng từ trần, lòng vẫn nghẹn ngào một nỗi tiếc thương. Có cảm giác như vừa mất một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng, khiến lòng chông chênh, hụt hẫng…

Dọc hai bên đường từ Nhà Tang lễ tới Sân bay Nội Bài, hàng vạn người dân đưa tiễn Ðại tướng.         Ảnh tư liệu

Liên tục những ngày tang lễ, trên các phương tiện truyền thông dày đặc những tin, bài, hình ảnh về Người; với bao ngưỡng mộ về công lao, tài năng, đức độ và bày tỏ bao nỗi đau buồn, thương tiếc, xót xa. Và dưới những bài viết, trên các trang mạng xã hội, trên các diễn đàn cũng dày đặc những dòng chia sẻ, tâm sự. Xin ghi lại vài trong số hàng ngàn chia sẻ: 

“Mình khóc từ sáng đến giờ, buồn cứ như nhà có người ruột thịt mất. Cứ hễ vào mạng đọc tin là nước mắt lại rơi. Vĩnh biệt Bác, Người anh hùng dân tộc, Vị tướng tài ba và Người lãnh tụ tinh thần của quân và dân Việt Nam. Bác sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt khắp bốn phương trời, hôm nay, ngày mai và mãi mãi muôn đời sau” (Mai Linh - 21:31 5/10/2013).

“Suốt từ hôm qua đến giờ chả muốn ăn gì! Cảm giác như chính ông bà, cha mẹ, người thân ruột thịt của mình mất vậy” (Nguyen Huy - 21:09 5/10/2013).

“Hàng triệu người dân, trong đó có cháu, đã, đang và sẽ luôn nhớ về Người và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những con người vĩ đại làm nên một phần lịch sử dân tộc Việt Nam” (Quỳnh - 13:26 16/10/2013)…

Kể sao xiết những tình cảm của người con đất Việt dành cho Ðại tướng. Dường như tất cả cung bậc của sự ngưỡng vọng, tiếc thương đều hội tụ. Dường như tất cả trái tim đều đồng điệu một nỗi niềm... Và, dường như lâu lắm rồi Việt Nam mới có một sự kiện đau thương như thế.

Ðặc biệt, những ngày ấy, trên các báo in, báo hình, báo mạng... cập nhật xuyên suốt hình ảnh lễ tang. Nhìn cảnh người dân đủ thành phần, đủ lứa tuổi, đủ mọi miền đất nước đến kiên trì xếp hàng dài cả cây số chờ viếng Người với bao giọt nước mắt khóc thương mà không kìm nén nổi xúc động. Một điều mà dường như khó tin nhưng là sự thật, đó là cảnh bao người phải chờ suốt đêm, có cả nằm, ngồi, ngủ gật bên lề đường để mong tới lượt mình được vào thắp hương viếng Ðại tướng. Rồi cảnh những thanh niên tình nguyện tổ chức tiếp nước, bánh mì cho đoàn người chờ đợi... Dường như “triệu người như một”, cùng chung một nỗi niềm. Và đến 21 giờ 30 phút đêm 10/10, khi gia đình Ðại tướng và ban tổ chức thông báo đóng cửa để chuẩn bị cho Quốc tang tại Nhà Tang lễ thì những người chưa được viếng bật khóc như mưa... Thật là điều lần đầu tiên được chứng kiến.

Trong dòng người xếp hàng nghiêm trang chờ tới lượt được vào viếng Ðại tướng năm ấy, có Phó Giáo sư Văn Như Cương - nhà giáo dục nổi tiếng của Việt Nam (khi đó đã 76 tuổi), ông bùi ngùi: “Như hàng triệu người dân Việt Nam, tôi rất đau lòng khi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã về nơi vĩnh hằng. Ðại tướng qua đời là mất mát và nỗi đau quá lớn đối với Nhân dân và dân tộc Việt Nam. Có lẽ, sau Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có Ðại tướng nhận được sự tiếc thương nhiều đến thế”.

Ở Cà Mau, trong những ngày Quốc tang, mặc dù chỉ quy định các cơ quan, công sở treo cờ rủ, nhưng một điều hết sức xúc động là dọc các đường phố, rất nhiều nhà dân, các cơ sở kinh doanh tư nhân cũng tự động mang lá cờ Tổ quốc cột băng đen treo trước ngõ.

Cũng ở Cà Mau xa xôi, cựu chiến binh Nguyễn Minh Phúc đã khăn gói ra tận Hà Nội để được vào thắp nén nhang viếng hương hồn Ðại tướng. Tại quê nhà, các hội cựu chiến binh cũng cùng nhau lập những bàn thờ trang trọng để thắp hương tưởng niệm Ðại tướng.

Cứ mỗi lần xem lại hình ảnh lễ tang, đọc lại những bài viết, những chia sẻ về Ðại tướng trong thời khắc đau thương ấy là nỗi xúc động lại trào dâng. Chứng kiến cảnh xa, cảnh cận của biển người đứng dài dằng dặc ở các ngả đường chờ đoàn xe tang đi qua để tiễn đưa Người lần cuối, cảnh người dân quê Quảng Bình chờ đón và tiễn đưa Ðại tướng về yên nghỉ nơi lòng đất mẹ, mới thấy được tình cảm cả dân tộc Việt Nam dành cho Ðại tướng.

Có ai đó đã nói: Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn mọi người cười. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, bạn cười còn mọi người thì khóc. Ðại tướng chúng ta là một người như thế!

Không riêng gì Phó Giáo sư Văn Như Cương, những người sống qua nhiều biến cố lịch sử cũng đều có chung nhận xét, gần thế kỷ qua, sau đám tang Bác Hồ, đây là đám tang lớn thứ hai.

Giờ đây, ở rất nhiều nhà dân, nơi trang trọng nhất ngoài hình ảnh Bác Hồ, còn có thêm hình ảnh Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Và cũng chẳng có quy định nào, chẳng ai bảo ai, người dân gọi Ðại tướng bằng đại từ nhân xưng hết sức gần gũi, thân thương, mang khẩu khí gia đình đó là “Bác Giáp”, như từng gọi Bác Hồ. Báo chí thì gọi là “Ðại tướng của Nhân dân”, “vị tướng huyền thoại của lòng dân”… Dường như từ “dân” luôn gắn liền với Ðại tướng.

Cũng phải thôi, sinh thời Ðại tướng rất gần gũi, yêu thương, quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong mỗi trận đánh, ông tiếc từng chút xương máu của chiến sĩ, đồng bào. Việc thay đổi phương châm tác chiến từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc" trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (là một quyết định mà ông cho là “khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của tôi”) cũng vì lo gây nhiều tổn thất lớn cho chiến sĩ, đồng bào.

Thượng tướng Trần Văn Trà từng kể: Tướng Giáp "là một tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh".

Có lẽ đây là điểm ông khác với nhiều vị tướng trên thế giới: chiến thắng bằng mọi giá, chiến thắng vì uy danh, bất chấp máu xương.

Và sau mỗi chiến công, trong không khí mừng vui, người ta thấy vị đại tướng lừng danh ấy quay mặt vào trong để lau đi dòng nước mắt - những giọt nước mắt đau xót, tiếc thương cho chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống để làm nên chiến thắng. Ông nào có muốn chiến tranh, ông từng nói, “nếu không có chiến tranh, tôi là một thầy giáo dạy sử”. Việc binh nghiệp là việc bắt buộc với ông. Và khi người ta ca ngợi sự tài giỏi của ông, ông cũng hết sức khiêm tốn nói rằng: “Trước hết là nhờ Bác Hồ, không có Bác Hồ thì không có tôi. Tiếp theo là nhờ quân dân ta. Mình tôi thì làm được gì".

Ðất nước hoà bình, ông luôn đau đáu việc tìm hài cốt liệt sĩ. Ông thường nhắc nhở: “Chúng ta được sống như ngày nay là nhờ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống nên phải cố gắng đưa anh em về với gia đình”. Ðến các nghĩa trang liệt sĩ, khi thấy các ngôi mộ ghi “vô danh”, ông bảo "chưa tìm được tên", không có liệt sĩ nào là vô danh cả.

Cũng vì thấu hiểu tâm nguyện của cha mình mà sau khi Ðại tướng qua đời, người con trai đầu là ông Võ Ðiện Biên bày tỏ mong muốn được mang nắm đất Vị Xuyên (Hà Giang, nơi hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong cuộc các trận chiến đấu khốc liệt kéo dài suốt 10 năm (từ 1979-1989) chống lại bọn Trung Quốc xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, hiện còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt) về đặt bên bàn thờ Ðại tướng, cạnh nắm đất lấy từ Trường Sa, nơi máu xương nhiều chiến sĩ đổ xuống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Gần đây, có hai sự kiện làm xao động trái tim những con dân đất Việt, đó là sự kiện Bác Giáp qua đời và việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở biển Ðông (ngày 1/5/2014), trên vùng lãnh hải Việt Nam. Hai sự kiện nhìn hình thức không liên quan gì, nhưng sâu xa đều chạm đến điều thiêng liêng nhất trong trái tim mỗi con người, đó là tình yêu Tổ quốc. Tại sao sự kiện giàn khoan lại dậy lên làn sóng căm phẫn? Bởi Tổ quốc thiêng liêng bị xâm hại. Vì đâu người dân “muôn lòng như một” khóc thương khi Bác Giáp qua đời? Bởi Bác là vị anh hùng của dân tộc. Một vị tướng tài ba đã cầm quân đánh đuổi giặc thù giành lại Tổ quốc non sông, mang lại cuộc sống yên bình cho Nhân dân.

Bởi vậy mà khi cùng xếp hàng đợi vào thắp hương viếng Ðại tướng, Nhà sử học Dương Trung Quốc phải thốt lên: "Không có thước đo nào bằng thước đo lòng dân. Dòng người bất chấp mọi khó khăn, khoảng cách, đến đây xếp hàng cả cây số đã nói lên tất cả".

Và các nhà nghiên cứu thì nhận định, Ðại tướng không chỉ chiến thắng hai kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà khi mất đi, ông còn làm nên chiến thắng cuối cùng, đó là quy tựu, kết nối sức mạnh trái tim của toàn dân tộc.

Theo các phương tiện truyền thông, hiện nay, mỗi ngày đều có Nhân dân, các đoàn khách đến viếng, thắp hương nơi mộ Ðại tướng. Những ngày lễ, ngày sinh, ngày mất của ông mỗi ngày có đến 3, 4 ngàn lượt người đến viếng.

Với Nhân dân Quảng Bình, Nhân dân miền Trung, Nhân dân cả nước, ông không chỉ là vị anh hùng mà là bậc Thánh. Người dân bảo rằng, Ðại tướng yên nghỉ nơi Vũng Chùa - Ðảo Yến là muốn nằm đó, hướng mắt ra biển Ðông để tiếp tục canh giữ biển trời. Khi đất nước có biến động, nhất là sự kiện biển Ðông, hay có bão dông người dân lại đến thắp hương cầu khấn Người phù hộ.

Còn nhớ, đầu tháng 11/2013, sau đám tang Bác Giáp 1 tháng, xuất hiện cơn bão Haiyan - là cơn bão đổ bộ vào đất liền được đánh giá mạnh nhất trong lịch sử. Ban đầu, theo dự báo, bão đổ trực tiếp vào khu vực miền Trung nước ta, nhưng sau đó bão lại đi trớt ra biển. Khi ấy, người dân lại tâm linh rằng, chính Bác Giáp đã phù hộ, đã xua bão đi. Với người dân, Ðại tướng luôn linh hiển.

Ðúng, lòng dân là thước đo chính xác. Họ không cần biết người ấy dung mạo thế nào, xuất thân ra sao, điều cốt yếu là người đó đã làm được gì cho dân, cho nước. Vì vậy mà những cái tên: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Ðạo, Lê Lợi, Quang Trung… và sau này là Hồ Chí Minh, Võ Nguyễn Giáp luôn sống mãi trong lòng Nhân dân, đất nước. Nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm từng viết:

“Ôi Ðất Nước bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...”.

(Trích Ðất Nước)

Bác Hồ, Bác Giáp và những anh hùng dân tộc mất đi chỉ là "thể phách" còn cuộc đời đã hoá núi, hoá sông, phần hồn đã hoà vào hồn thiêng non nước để bảo vệ, chở che cho Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn./.

Trang Anh

70 năm hành trình giữ biển

70 năm trước, nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan bảo vệ trọn vẹn chủ quyền biển, đảo miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể - tiền thân của Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng ngày nay.

Anh hùng của những anh hùng

Gọi Ðại tá Nguyễn Văn Tàu (Trần Văn Quang, Tư Cang), Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (AHLLVTND), huyền thoại của tình báo Việt Nam, là "anh hùng của những anh hùng" cũng rất đúng và không hề tô hồng, ngợi ca. Bản thân ông Tư Cang cũng căn dặn chúng tôi rằng: “Hãy nói, hãy viết bằng sự thật lịch sử. Bởi chỉ cần nói thật, nói đúng về lịch sử của dân tộc ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thôi, thì đó đã là một câu chuyện phi thường”.

50 năm - Nhớ giờ phút này!

Thời điểm chuẩn bị giải phóng miền Nam, theo tinh thần nghị quyết của Quân khu 9 và Tỉnh uỷ Cà Mau: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”, đến nửa tháng 4/1975, toàn bộ cứ điểm, đồn bót của địch trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã bị tiêu diệt hoặc rút chạy, chi khu Rạch Ráng trơ trọi như một ốc đảo, sự chi viện từ tiểu khu An Xuyên bằng đường sông đã bị khống chế, đường bộ không có, duy nhất chỉ có trực thăng tiếp tế nhỏ giọt từ thức ăn đến nước uống. Hơn 400 tề nguỵ ở chi khu Rạch Ráng đang khốn đốn, hoang mang tột độ.

Tròn 50 năm tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng Cà Mau

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy để giải phóng miền Nam, bắt đầu từ Chiến dịch Tây Nguyên đầu tháng 3/1975. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975 theo tinh thần “Tấn công thần tốc như Nguyễn Huệ” mà đồng chí Lê Duẩn nói trong Hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Ðảng.

50 năm nhớ ngày lịch sử vẻ vang

50 năm tôi được sống trong độc lập tự do, hưởng hạnh phúc cùng toàn dân tộc, tôi luôn biết ơn và trân trọng những gì mà người chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận đã cống hiến, hy sinh để giành lại hoà bình, ấm no như ngày hôm nay.

Kỷ niệm về anh

Sau ngày đất nước toàn thắng và thống nhất, tôi từ miền Trung được chuyển về quê công tác. Mấy ngày ngồi trên xe đò từ Cố đô Huế trở về, trong đầu tôi hình dung biết bao hình ảnh về sự đổi thay của thị xã Cà Mau mà ngày tôi ra đi hơn 20 năm trước còn là một thị trấn khiêm tốn nằm ở tận cùng phương Nam Tổ quốc.

Món quà ký ức

Trong căn nhà đơn sơ trên đường Lý Văn Lâm (Phường 1, TP Cà Mau), cựu chiến binh (CCB) Lâm Anh Lữ cầm trên tay cuốn “Kỷ yếu Ban Liên lạc Thị đội Cà Mau và Huyện đội Châu Thành” vừa in xong, mắt ánh lên niềm vui và xúc động: “Cuối cùng thì cũng hoàn thành. Mừng lắm!”. Gương mặt rạng ngời, tay ông run run lật từng trang sách còn thơm nồng mùi giấy mới...

Nhớ ngày tiếp quản Cà Mau

Ngày 30/4, ngày lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam khỏi ách thống trị của bọn xâm lược và bè lũ tay sai, ngày mà triệu triệu người Việt Nam vỡ oà hạnh phúc.

50 năm - Bản hùng ca bất diệt

“Đại thắng mùa xuân năm 1975 là bản anh hùng ca bất diệt, là chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chiến thắng đó đã chấm dứt hơn 100 năm đô hộ, xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải - Bí thư Tỉnh Uỷ nêu tại buổi Họp mặt Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 26/4.

Học sinh miền Nam đặc biệt

Trong ký ức của các thế hệ học sinh miền Nam (HSMN) tập kết ra Bắc, luôn có hình ảnh hai gương mặt rất đặc biệt, đó là hai chị em người da đen Irene và Monique. Trong suốt những năm tháng học tập, bạn bè chỉ biết họ được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nuôi dưỡng, còn gốc gác cụ thể thì ít người rõ.