Kể từ khi chia tách tỉnh năm 1997, Cà Mau tiếp tục bước vào giai đoạn hoạch định và tăng tốc phát triển. Xuất phát điểm của địa phương vẫn là nền kinh tế mà nông - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt là giao thông bị chia cắt, thông thương hạn chế. Nhân dân trong tỉnh lệ thuộc hệ thống giao thông đường thuỷ.
Kể từ khi chia tách tỉnh năm 1997, Cà Mau tiếp tục bước vào giai đoạn hoạch định và tăng tốc phát triển. Xuất phát điểm của địa phương vẫn là nền kinh tế mà nông - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao và đặc biệt là giao thông bị chia cắt, thông thương hạn chế. Nhân dân trong tỉnh lệ thuộc hệ thống giao thông đường thuỷ.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Cà Mau Lê Thành Huấn cho biết: “Giao thông đường bộ của tỉnh ta chỉ thực sự phát triển từ năm 2000 với những địa phương tiên phong như Thới Bình, Cái Nước. Còn hệ thống giao thông nông thôn khi mới chia tách tỉnh hầu như chưa có gì. Nhưng đến nay, hầu hết các vùng quê, xe 2 bánh đã đi được. Đây là bước tiến rất dài, sự nỗ lực vô cùng lớn của toàn hệ thống chính trị, trong đó một phần quan trọng là sự đóng góp và ủng hộ của người dân”.
Huy động nguồn lực phát triển giao thông
Ông Lê Thành Huấn phân tích: “Địa bàn tỉnh ta vô cùng phức tạp, bị chia cắt, nền địa chất yếu, suất đầu tư thường gấp nhiều lần nơi khác. Theo đề án gắn nhiệm vụ phát triển lộ giao thông với xây dựng nông thôn mới 2010-2015, toàn tỉnh phải hoàn thành 2.000 km”. Cùng thời điểm này, theo chủ trương chung, việc đầu tư công, trong đó có đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gần như bị ngưng trệ. Tính đến hết quý I/2015, Cà Mau đã hoàn thành 1.600 km/2.000 km.
Làng quê thời xây dựng nông thôn mới. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Trong dự nguồn vốn phân bổ cho công tác phát triển giao thông, ông Huấn cung cấp một thông tin khả quan: “Nguồn vốn kết dư của Xổ số kiến thiết sẽ được phân bổ để các địa phương xây dựng tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hoá, những tiêu chí khó đạt vì đầu tư tốn kém. Đồng thời, những địa phương hoàn thành giải ngân trong tháng 5 sẽ được xem xét giải quyết ứng vốn năm 2016”. Đây được xem là những giải pháp để thúc đẩy hoàn thiện các tiêu chí khó đạt, giúp các địa phương về đích bộ tiêu chí nông thôn mới.
Nếu so sánh thời điểm chia tách tỉnh, từ con số “0”, hiện tại chúng ta đã có gần 4.800 km lộ giao thông nông thôn. Ngay cả những vùng cách trở nhất như Ngọc Hiển cũng đã có gần 150 km lộ. Giai đoạn 2015-2020 được xem là quyết định đến diện mạo ổn định của hệ thống giao thông Cà Mau. Mục tiêu của toàn tỉnh là tất cả các địa phương đều đáp ứng được tiêu chí về giao thông. Điều đó có ý nghĩa vô cùng lớn: Tất cả các vùng nông thôn Cà Mau sẽ được nối liền, thành thị sẽ không còn chia tách với nông thôn, Nhân dân sẽ có cơ hội phát triển toàn diện. Đó là một mục tiêu lớn cần sự quyết tâm, nỗ lực và những biện pháp thực hiện khoa học, kết hợp được “ý Đảng” với “lòng dân”.
Theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải, nếu quyết tâm, khoảng năm 2018, hệ thống giao thông nông thôn của toàn tỉnh sẽ tương đối hoàn thiện. Các tuyến chính như lộ về trung tâm huyện, xã cơ bản đã đưa vào sử dụng.
Nhân lên cơ hội phát triển
Trong lễ khánh thành cầu Năm Căn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh với Đảng bộ, quân và dân Cà Mau: “Nơi nào đường lớn thì kinh tế sẽ phát triển nhanh, mạnh và ngược lại”. Cho thấy mức độ vô cùng quan trọng của giao thông đối với nền kinh tế thị trường năng động.
Hạ tầng giao thông tạo sức bật đến mọi mặt kinh tế - xã hội của địa phương được minh chứng thuyết phục nhất tại huyện Phú Tân, địa phương có sự đột phá mạnh mẽ trong kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn. Năm 2004, huyện Phú Tân được tách ra với hành trang gần như “tay trắng” về giao thông nông thôn. Đến nay, toàn huyện đã đầu tư được 202 tuyến với chiều dài gần 500 km. Huyện đang nỗ lực để về đích theo quy hoạch xây dựng với trên 900 km.
Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phú Tân Phạm Văn Khởi cho biết: “8/8 tuyến ô-tô về trung tâm xã hoàn thành (riêng Phú Mỹ đầu tư riêng trên cung đường về Khu căn cứ Tỉnh uỷ Xẻo Đước), hệ thống giao thông nông thôn về cơ bản đáp ứng trên 50% nhu cầu đi lại, thông thương của Nhân dân. 75 khóm, ấp của huyện xe 2 bánh đều có thể chạy đến”. Tổng vốn xây dựng luỹ kế đến nay khoảng 220 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng.
Ngày trước, muốn đến trung tâm xã Việt Thắng, huyện Phú Tân chẳng cách nào khác là đi đường thuỷ. Năm 2013, tuyến lộ cấp 6 dài 9 km nối Vàm Đình với Việt Thắng đưa vào sử dụng mang lại hiệu ứng tích cực.
Chủ tịch UBND xã Việt Thắng Huỳnh Phương Nhanh bộc bạch: “Xã có trên 60 km lộ so với vài cây số lúc mới chia tách. Lộ cấp 6 về xã giúp bà con phấn khởi làm ăn, có những hộ mạnh dạn thành lập doanh nghiệp. Học sinh đến trường thuận tiện hơn, đời sống vật chất và tinh thần của bà con không ngừng được nâng lên”.
Việt Thắng đang dồn lực để đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thiện tiêu chí giao thông với 30% khối lượng công việc còn lại. Ông Huỳnh Phương Nhanh khẳng định: “Toàn Đảng bộ, Nhân dân sẽ quyết tâm đạt tiêu chí này, xem đây là nền tảng để phát triển trong tương lai”.
Ông Quách Văn Mướt, ấp Hiệp Thành, xã Việt Thắng, nhìn con lộ xe chạy bon bon, tâm sự: “Giờ làng xóm khác xưa nhiều lắm, hồi đó ở đây có mơ cũng không nghĩ có con đường xe tải chạy được như thế này. Có con lộ, có giao thông tôi thấy đời sống bà con ai cũng khấm khá hẳn lên”.
Lời tâm sự của lão nông cũng là lời của bà con ở nhiều vùng quê hẻo lánh của Cà Mau. Có ai nghĩ rằng, giữa rừng đước bao la hay rừng tràm thâm u, những con đường lại có thể thành dáng, thành hình. Diện mạo mới của quê hương đang ngày một rạng ngời…
Quốc Rin