(CMO) Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Kinh tế tăng trưởng trong điều kiện khó khăn, thách thức
So với nhiệm kỳ trước, kinh tế nhiệm kỳ này chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công giảm, nợ xấu được kiểm soát. Mặc dù năm cuối nhiệm kỳ, đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung đã tác động nặng nề tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 6%/năm (riêng năm 2020 tăng trưởng GDP vẫn đạt 2,91% là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới).
Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD/người). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,9%/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, nhất là đại dịch COVID-19, lũ lụt thiên tai ở miền Trung và Tây Nguyên, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn thách thức. Nhưng với chỉ dẫn từ Cương lĩnh của Đảng ta, Việt Nam kiên định con đường đi lên CNXH nên những thành tựu mà chúng ta đạt được càng khẳng định tính ưu việt của CNXH, qua đó củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và của nhân dân vào con đường đi lên CNXH của Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới có nhiều khủng hoảng, đặc biệt năm 2020 nhiều quốc gia tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn tăng trưởng dương. Việt Nam được đánh giá là 1 trong số 10 nước trên thế giới có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất; 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong năm 2020.
Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được tập trung thực hiện và bước đầu đạt những kết quả quan trọng. Cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tỉ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm, tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng lên. Công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển nhanh; công nghiệp hỗ trợ có bước phát triển, góp phần nâng cao tỉ lệ nội địa hoá và giá trị gia tăng của sản phẩm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tiếp tục tăng; du lịch phát triển nhanh. Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân. Phát triển kinh tế số bước đầu được chú trọng.
Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước.
Công tác xây dựng Đảng có nhiều dấu ấn nổi bật
Nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Trong đó, đề cao trách nhiệm của cấp uỷ, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu các cấp; phát huy dân chủ; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, góp phần nâng cao vị thế cầm quyền, khẳng định vai trò lãnh đạo, đường lối đúng đắn của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, 1 quy định và Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, gắn với việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của hệ thống chính trị được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở và đạt nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã giảm 4 đầu mối trực thuộc Trung ương; 7 tổng cục và tương đương; 83 cục, vụ và tương đương; 119 sở, ngành và tương đương; 5.889 phòng và tương đương; 5.145 đơn vị sự nghiệp công lập. Các địa phương bước đầu đã giảm được 6 đơn vị hành chính cấp huyện, 545 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 15.300 thôn, tổ dân phố và hơn 200.000 người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, tổ dân phố.
Cùng với đó, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện là người ngoài địa phương được đẩy mạnh; tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng và những biểu hiện tiêu cực khác trong công tác cán bộ từng bước được kiềm chế, đẩy lùi có hiệu quả.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", với quyết tâm “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, có tác dụng răn đe mạnh mẽ, phòng ngừa sai phạm. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, có 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, thậm chí một số cán bộ bị xử lý hình sự...
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững và tăng cường
Tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quốc phòng, an ninh và lực lượng vũ trang. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Tư duy về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới và ngày càng hoàn thiện. Sự kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Chủ động phát hiện, có các phương án, đối sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa và kiểm soát tốt các nhân tố có thể gây bất lợi đột biến. Tiềm lực quốc phòng và an ninh được tăng cường; thế trận lòng dân được chú trọng; thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, được củng cố vững chắc. Bước đầu hình thành hệ thống pháp luật và cơ sở vật chất cho việc bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin quốc gia, không gian mạng quốc gia. Ban hành và thực hiện Chiến lược an ninh mạng quốc gia.
Hội nghị Trung ương 4 khoá XII với những chủ trương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng được triển khai mạnh mẽ trong cả nhiệm kỳ. |
Vị thế, uy tín trên trường quốc tế ngày càng khẳng định
Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững với các đối tác. Chủ động tham gia xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực trong các thể chế đa phương khu vực và toàn cầu; xử lý đúng đắn, hiệu quả quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác khác. Đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân được triển khai đồng bộ và toàn diện. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại; tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn hoàn thành tốt với vai trò là Chủ tịch ASEAN; hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực... Điều này cho thấy vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao.
Trong nhiều lần phát biểu tại các Hội nghị nửa cuối năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
Còn tại Hội nghị lần thứ 15 (hội nghị cuối) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đến giờ phút này, chúng ta có thể vui mừng và tự hào khẳng định: Suốt nhiệm kỳ khóa XII vừa qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước với biết bao nhiêu biến động khó lường; bao nhiêu khó khăn, thử thách, nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đoàn kết một lòng, với quyết tâm và nỗ lực rất cao, đã hoàn thành toàn bộ chương trình công tác toàn khóa đã đề ra, đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta giành được những kết quả rất quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật, tạo ra niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới để sắp tới chúng ta tiếp tục vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, thuận lợi đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới!”.
Theo dangcongsan.vn