Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc “chiến tranh phá hoại” bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc “chiến tranh phá hoại” bằng không quân, hải quân đối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa hòng ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Năm đó, tôi học lớp hai trường làng. Tám tuổi đầu nào có biết gì; cứ thấy các cô, các chú dân quân cùng người dân đào hào giao thông, đào hầm trú ẩn là mừng lắm; cứ chạy theo reo hò ầm ĩ! Vì sao? Vì chúng tôi được dịp chạy trong hào giao thông hun hút, ngoằn ngoèo; luồn qua vườn mít, vườn chuối của mọi nhà trong xóm mà ngày thường không dễ gì “đột nhập” bởi hàng rào tre gai đan kín.
Minh hoạ: Minh Tấn |
Mục tiêu đánh bom, bắn phá của máy bay Mỹ là sân bay, bến cảng, kho tàng, quốc lộ, cầu cống, bến bãi… Những nơi nào nghi ngờ có doanh trại quân đội, có kho tàng đều bị bom đạn chà đi xát lại không biết bao nhiêu lần. Lèn Voi quê tôi (núi đá có hình như con voi, thuộc xã Phúc Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) có “Xưởng rèn 3/2”; thung Gáo tại Ðồng Trương (xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An) có Nhà máy điện Vinh (còn gọi là Nhà máy 247), nhà máy xi-măng 12/9 nằm trong hang đá, sân bay Dừa nằm trong hang lèn Ong cũng không thoát khỏi bom đạn ngày ngày dội xuống.
Vấn đề đặt ra là làm sao để có được những kỹ năng sống, phù hợp với tình hình thời chiến để vừa đảm bảo việc học hành, vừa đảm bảo an toàn trong cảnh bom rơi đạn nổ.
Trước hết là những kỹ năng về phòng gian bảo mật mà bất cứ học sinh nào, từ cấp 1 (lớp 1, 2, 3, 4), cấp 2 (lớp 5, 6, 7) đến cấp 3 (lớp 8, 9, 10) đều phải tuân thủ. Chúng tôi được thầy, cô chủ nhiệm căn dặn: nếu có người lạ hỏi bất cứ điều gì đều phải thực hiện “ba không” (không nghe, không thấy, không biết). Thí dụ: Người lạ hỏi: “Cháu có thấy bộ đội đóng quân ở gần đây không?” thì trả lời “Cháu không thấy, cháu không biết !”.
Bởi những tháng năm chiến tranh, kẻ địch thường tung thám báo, gián điệp do thám khắp nơi; sau đó bí mật chỉ điểm cho máy bay bắn phá. Gặp người lạ vô làng hoặc dọc đường là phải nhanh trí; một vài bạn tìm cách lân la hỏi chuyện, giữ chân “khách”; còn một vài bạn bí mật chạy đi báo cho công an, dân quân gần nhất biết để xử lý. Rất nhiều trường hợp, nhờ sự nhanh nhạy, mưu trí của học sinh mà ta đã bắt được nhiều kẻ gian đang tìm cách moi bí mật quân sự qua trẻ nhỏ mà chúng nghĩ rằng lứa tuổi ngây thơ, thật thà này dễ dụ dỗ, khai thác…
Bên cạnh đó là kỹ năng phòng tránh bom đạn, vì máy bay Mỹ đánh phá trong khu vực bất cứ lúc nào. Nếu ở giữa đồng trống, không có hầm hào; khi nằm xuống thì phải nằm ngửa. Vì sao? Một là dễ quan sát hướng bay của máy bay để phán đoán nó đánh bom khu vực nào. Hai là quan sát bom rơi. Nếu trái bom có hình thon dài bên trái hoặc bên phải thì nó rơi khá xa. Nhưng nếu thấy trái bom hình tròn, lúc đầu như trái cam, từ từ to lên là bom sẽ rơi rất gần. Lúc này, không chạy nữa vì rất dễ trúng mảnh bom. Bom nổ gần và hơi bom mạnh có thể hất tung người lên và dập xuống. Nhờ nằm ngửa mà chúng ta không bị chấn thương tim phổi, nên xác suất an toàn cao. Khi ngồi hầm, 2 tay đan vào nhau, ép 2 tay để trên đầu. Trường hợp bom vùi, hầm sập; khi dân quân đào hầm để cứu thì lúc này họ sẽ thấy đôi tay trước để xử lý khâu tiếp theo.
Song song đó, kỹ năng xuống hầm tránh bom luôn được chú trọng để đảm bảo an toàn tuyệt đối. Nếu đang ngồi học, có báo động máy bay, nhất thiết phải theo sự chỉ dẫn của thầy, cô giáo. Thông thường các bạn nữ chạy xuống trước, các bạn nam chạy xuống sau. Thầy, cô sẽ hướng dẫn lớp trưởng, lớp phó đi sau cùng nhớ đậy cửa hầm lại.
Nếu đang đi trên đường, có báo động thì cần phải quan sát nhanh trước khi nhảy xuống hầm. Nhanh chóng nhìn xuống, nếu có rắn, chuột thì phải tìm cách bắt lên vì ban đêm đi tìm mồi, những “vị khách không mời” này thường bị lọt xuống. Có những trường hợp do thiếu quan sát, khi có bom nổ gần, có người hấp tấp nhảy xuống hầm giẫm phải rắn độc và bị rắn cắn chết.
Cách đan lá nguỵ trang cũng cần phải học, phải biết tự làm. Làm 3 vòng tròn bằng nan tre xếp thứ tự nhỏ bên trong, lớn bên ngoài. Ở giữa là 2 cây bắt chéo, tạo khe hở để mình giắt lá vào. Có tết dây đeo vào vai bằng dây chuối ngự (rất bền) hoặc dây đay. Lá nguỵ trang sử dụng là các loại lá dừa, lá đủng đỉnh vì có màu xanh, bền hơn các loại lá khác. Vì thế, khi có người cha công tác từ phía Bắc trở về Khu 4 - nơi đạn bom khốc liệt ngày đêm - đã ngỡ ngàng trước những “kỹ năng” của đứa con gái thân yêu vừa lên tám, lên mười:
“Cha về rồi đây con
Cha nhìn con bỡ ngỡ
Con đan lá nguỵ trang
Con che đèn đánh lửa
Con đưa em xuống hầm
Biết xoay lưng chắn cửa
Ai dạy con bao giờ
Mà quá chừng ý tứ
Ôi con tôi, con tôi”
(Về hoả tuyến thăm con - Bằng Việt).
Hồi đó, có một quy định rất nghiêm là không được tò mò, đùa nghịch với các loại vật liệu nổ, đặc biệt là những trái bom bi chưa nổ. Trái bom bi mẹ lớn bằng chiếc xuồng ba lá (rộng khoảng 8 tấc, dài khoảng 2 thước) chứa từ 300 đến 500 trái bom bi con. Trong mỗi trái bom bi con chứa từ 300 đến 500 viên bi thép nên tính sát thương rất cao.
Trái bom bi mẹ khi máy bay ném xuống sẽ tự nổ cách mặt đất khoảng 500, 600 thước và bung ra hàng trăm quả bom con trên diện tích rộng. Khi rơi xuống đất, đủ vòng xoay thì bom nổ, bắn ra những viên bi thép, gây sát thương. Nhưng cũng có những quả chưa xoay đủ vòng nên chưa nổ (chứ không phải không nổ) và nếu gặp thấy, cần phải báo dân quân, xã đội tìm cách phá huỷ, không được tự ý cầm ném nghịch nhau, rất nguy hiểm.
Thời đó, hầu hết học sinh ở trọ vì xa nhà khoảng 10 cây số. Hơn nữa, dọc đường số 7 thường có nhiều cầu cống, bến phà, trận địa pháo, nhà máy… đều là những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Vài tuần đi bộ về 1 lần lấy gạo độn bắp, khoai lang, khoai mì… làm thức ăn.
Chúng tôi phải tự chăm sóc bản thân, tự đặt thời gian biểu tự học, tự biết nhuộm áo thành màu xanh theo quy định. Muốn có áo màu xanh, vào rừng chặt vỏ cây bá chỉ (là 1 cây thuốc nam) về nấu lên và cho áo vào. Ðem ra giũ phơi khô và tiếp tục làm như vậy 3 lần là sẽ có chiếc áo màu xanh thơm mùi thuốc nam khá bền màu.
Mặt khác, 3 năm học trường cấp 3 Anh Sơn (Nghệ An) thì chúng tôi dời trường cả 3 lần. Năm học 1971-1972, trường đóng trên địa bàn xã Long Sơn; năm học 1972-1973, dời về xã Thạch Sơn và năm học 1973-1974, trở lại xã Long Sơn nhưng điểm Cồn Phường, nằm sát đường số 7.
Chúng tôi phải đào hào giao thông, dựng hầm Triều Tiên (hầm như căn nhà nhỏ nửa chìm nửa nổi, vách hầm dày khoảng nửa mét, chứa được từ 10 đến 12 người trú ẩn). Hầu như buổi chiều nào cũng có lao động đào hào, đào hầm. Các tổ phân nhau trực nhật, đi học sớm để làm vệ sinh hầm hào; quét dọn sạch sẽ và bắt lũ chuột, rắn, ếch nhái rớt xuống…
Những tháng ngày đi học thuở ấy, dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng vẫn luôn vang lên tiếng hát, tiếng cười vui vẻ. Cuộc sống thời chiến rèn luyện cho chúng tôi tính khẩn trương, nhanh nhẹn; sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy. Cuộc sống thời chiến rèn luyện cho chúng tôi biết lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Có thể nói hồi ấy chúng tôi nhờ cuộc sống thời chiến khốc liệt nên khôn trước tuổi mà trưởng thành trước tuổi.
Ngày nhập ngũ cũng là ngày vừa buông cây bút, cầm khẩu súng lên đường. Vào bộ đội, môi trường sống chiến đấu, chúng tôi cứng cáp hơn lên. Chuyện đào hầm, hào với chúng tôi không thành vấn đề vì đã quen rồi. Gian khổ, thiếu thốn, vất vả, thử thách đều có tinh thần chịu đựng cao và vượt qua tất cả.
Viết lại vài dòng về những kỹ năng thời chiến để các bạn trẻ hiểu thêm về những năm tháng hào hùng của đất nước. Việc rèn luyện kỹ năng sống là hết sức cấp bách và hết sức cần thiết cho các bạn trẻ khi đứng trước cửa ngõ cuộc đời. Những kỹ năng sống thời chiến đã giúp thế hệ chúng tôi biết sống, biết vượt lên nghịch cảnh để học tốt, rèn luyện tốt, trở thành người có ích cho cộng đồng, cho xã hội./.
Lê Ðức Ðồng