ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 15:44:18
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Những người mẹ đặc biệt

Báo Cà Mau (CMO) Dẫu không mang nặng đẻ đau, không bà con ruột thịt, nhưng qua năm tháng chăm sóc, nuôi dưỡng, từng ngày nhìn các con khôn lớn, trưởng thành, các mẹ tại Làng trẻ em SOS Cà Mau đã gắn kết những mảnh đời không may mắn lại với nhau trong tình thương mẫu tử.

Cũng giống như các con, những người mẹ, người dì ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt. Không chồng, không con, không vướng bận chuyện gia đình, họ tự nguyện xin vào làm mẹ ở Làng trẻ em SOS để được chăm sóc, nuôi dưỡng những đứa trẻ không may. Bằng niềm tin, sự đồng cảm và tình yêu thương con trẻ, các mẹ bù đắp được phần nào những thiệt thòi mà các con đang phải gánh chịu.

Dành cả cuộc đời cho con

Ở Làng trẻ em SOS Cà Mau, chị Nguyễn Thị Ðản (54 tuổi) là mẹ có nhiều năm gắn bó nhất tại đây. Khi làng được thành lập hơn 5 năm, chị đã xin vào làm. Với những người mẹ đơn thân thì chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, nay một lúc nhận nuôi nhiều trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, quả thật không đơn giản. Chị đã phải cố gắng làm sao để các con có cảm giác như đang sống trong ngôi nhà của chính mình, có hơi ấm tình thương của mẹ và các anh chị em. Ðó là cả một quá trình, nếu không có sự kiên nhẫn và tình yêu dành cho trẻ thì rất khó làm được. Chị Ðản bộc bạch: “Ngày đầu vào làng, bỡ ngỡ lắm. Cái gì cũng phải học, từ cách cho con ăn đến thay tã, tắm rửa, mọi thứ rối bù lên. Nhưng rồi tôi và các mẹ ở đây cũng quen việc. Cái cốt yếu là phải xem tụi nhỏ như con đẻ của mình thì mọi thứ đều làm được hết”.

Bữa cơm gia đình của chị Nguyễn Thị Ðản cùng các con.

Cứ thế, bằng tình yêu thương dành cho con, chị trở thành một người mẹ đúng nghĩa. Buổi sáng đi chợ, mua thức ăn về cho cả nhà, rồi chuẩn bị bữa cơm, có khi các con cùng phụ giúp. Ðến buổi, chị nhắc các con học bài, đi ngủ đúng giờ… “Công việc đơn giản vậy, nhưng rất áp lực. Khó khăn nhất là dạy các con nên người. Sáu người con của chị là sáu tính cách khác nhau, vì thế phải có cách dạy dỗ khác nhau. Công việc nhẹ nhàng, nhưng nếu ai không có tình thương thì sẽ chẳng làm được đâu”, chị Ðản chia sẻ.

“Hơn 22 năm thanh xuân của tôi gắn bó với Làng trẻ em SOS Cà Mau, với mái ấm ngôi nhà và những đứa con thơ. Tôi hạnh phúc khi các con trêu nhau tranh giành đây là mẹ của mình, thứ hạnh phúc làm trái tim tôi tan chảy, mọi mệt mỏi, áp lực tan biến hết. Làm mẹ là một thiên chức cao cả. Mặc dù trước đó tôi đã có thời gian dài băn khoăn, xao động và hoài nghi việc mình làm mẹ. Tôi sẽ có những đứa con gọi tôi là “mẹ”, cảm giác đó bản thân tôi chưa bao giờ tưởng tượng ra. Các con khi được đón về với tôi còn rất nhỏ, có đứa còn là trẻ sơ sinh mới 5 ngày tuổi. Chính vì thế, việc cố gắng hoà nhập và cùng tiếng nói chẳng hề đơn giản. Thế nhưng, ngày tháng trôi qua, tôi làm quen, chăm sóc, quan sát những thói quen và sở thích của các con, rồi rèn luyện cho các con theo nếp sống mới, hoà đồng với các anh chị em. Mỗi đứa một tính cách, khiến tôi cảm thấy áp lực và có đôi chút thất vọng khi chúng cãi vã, bắt nạt nhau, rồi những tranh chấp rất giản đơn, hay những lúc các con bị bệnh cũng làm tôi mệt mỏi. Nhưng biết được số phận của mình, các con hoà nhập rất nhanh, chúng thương yêu, đùm bọc nhau như anh chị em ruột thịt và tôi đã có một gia đình đúng nghĩa từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ðứa trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi hôm nào được tôi nuôi dưỡng giờ trở thành cô nữ sinh lớp 12 duyên dáng, xinh xắn”, chị Ðản tâm sự trong vui mừng.

Chị Ðản cho hay, quê chị ở một xã nghèo của tỉnh Thái Bình xa xôi. Cũng như nhiều mẹ, dì khác ở Làng trẻ em SOS, chị chưa một lần lập gia đình. Không chồng, không con, một mình phải bươn chải mưu sinh. “Thấy bạn bè cùng trang lứa thành gia lập thất, con bế con bồng, ngẫm lại mình tủi thân lắm. Nhưng bây giờ nó không còn có ý nghĩa gì với tôi nữa, vì đây mới chính là gia đình của tôi”, chị Ðản tâm sự.

Giờ đây, các con được mẹ Ðản nuôi dưỡng, có đứa đã trưởng thành, lập gia đình riêng, có nghề nghiệp ổn định, vẫn có đứa còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng tất cả đều có điểm chung là được lớn lên trong vòng tay ấm áp, yêu thương của mẹ. Mái nhà chung này lại rộn rã tiếng cười giòn tan mỗi khi các con xúm xít về bên mẹ. Chúng sẽ chẳng bao giờ quên công ơn dưỡng dục như trời biển của mẹ.

Niềm hạnh phúc của mẹ

Cũng giống như chị Ðản, mặc dù không sinh các con nhưng việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con khôn lớn chính là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với chị Nguyễn Thị Út (44 tuổi).

Trong 9 năm qua, chị Nguyễn Thị Út cảm thấy hoàn toàn đúng đắn khi chọn công việc nhân văn này. Cũng giống như biết bao bà mẹ đặc biệt khác đang làm việc tại làng, lựa chọn của chị Út thật giản dị mà cũng thật cao cả, đó là mang đến cho những trẻ em thiệt thòi một mái ấm gia đình thực sự, không để các con sống mồ côi thêm lần nữa.

Chị Nguyễn Thị Út  và bé Nguyễn Thị Yến Nhi.

Chị nhớ lại: “Lần đầu tiên làm mẹ không hề dễ dàng, tôi cố gắng học hỏi cách chăm sóc, tìm hiểu tâm lý của các con, nhưng đôi lúc cảm thấy áp lực và muốn buông xuôi tất cả trong những tháng ngày đầu tiên làm mẹ…”. Thế nhưng, mẹ Út kiên trì và dành hết tình yêu thương, sự chân thành của mình để chăm sóc trẻ, dần dần các con của mẹ cũng đã mở lòng, mẹ con gần gũi, yêu thương nhau, các anh chị em trong gia đình gắn bó, chan hoà và đùm bọc nhau vượt qua gian khó cuộc đời. Trong ngôi nhà của mẹ Út luôn đầy ắp tiếng trẻ đọc bài, tiếng cười đùa. Các con đều ngoan ngoãn, khoẻ mạnh, hoà đồng và chăm học.

Khi được hỏi trong nhà này con thương ai nhất, bé Nguyễn Thị Yến Nhi, 10 tuổi, trả lời ngay: “Con thương mẹ Út nhất, mà con cũng thương các anh, các chị nữa, cái gì ngon mẹ và anh chị luôn để dành cho con”. Tình thương yêu của chị đã trở thành nguồn động lực giúp các con vơi đi mặc cảm, tự tin vươn lên hoà nhập cộng đồng.

Ðể rèn luyện cho các con mình đức tính cần cù, siêng năng, yêu lao động, sau giờ học căng thẳng, mẹ Út thường cho các con trong gia đình cùng nhau chăm sóc vườn cây, bồn hoa, trồng rau xanh góp phần xây dựng cảnh quan môi trường của làng ngày một xanh - sạch - đẹp. Với mong muốn sau này các con sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, chị luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục để các con phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ. Chị thường xuyên tâm sự với các con đang ở tuổi dậy thì về tâm sinh lý và định hướng học tập cũng như định hướng nghề nghiệp cho các con... Các con trong gia đình đều được ăn no mặc ấm, phát triển bình thường về thể chất, đảm bảo sức khoẻ học tập, vui chơi và sinh hoạt.

Các con dần lớn khôn, mái tóc đen ngày nào của chị giờ đây cũng đã điểm thêm nhiều sợi bạc. Thời gian cứ thế trôi qua, sau những năm công tác tại làng, chị Út đã có được câu trả lời cho chính mình, đó là chị hoàn toàn đúng khi chọn công việc này.

Hy sinh tuổi xuân, dành trọn vẹn tình yêu vô bờ bến cho con trẻ, mẹ Ðản, mẹ Út cũng như 10 mẹ trong Làng trẻ em SOS đang ươm mầm, nuôi dưỡng ước mơ tương lai cho những đứa trẻ kém may mắn, giúp con trẻ sống tràn đầy niềm vui, có hoài bão, lý tưởng, vững bước vào đời bằng chính sức lực của mình để trở thành những người biết yêu thương và sống có ích cho xã hội.

Ông Phạm Văn Ðấu, Trợ lý Giám đốc Làng trẻ em SOS Cà Mau, cho biết, hiện làng đang nuôi dưỡng 65 trẻ, phần lớn là mồ côi. Làng có tất cả 12 mẹ, mỗi mẹ có khoảng 5-6 đứa con cùng sống với nhau trong một ngôi nhà. Ngoài ra còn có 4 dì sẵn sàng làm thay các mẹ mỗi lúc cần. Các mẹ ở đây khi được tuyển đều phải đạt các tiêu chí: không vướng bận gia đình riêng; phải dành toàn thời gian tại làng và toàn tâm toàn ý chăm sóc, nuôi dạy trẻ; phải có tình yêu thương, bản năng của người mẹ và được đào tạo, tập huấn bởi Làng trẻ em SOS để có đầy đủ kỹ năng trở thành người mẹ thực sự, chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần tốt nhất, lâu dài nhất cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa.

“Bằng tất cả trái tim, tình thương của mình, các mẹ ở Làng trẻ em SOS Cà Mau từng ngày hiến dâng hạnh phúc riêng, dành trọn yêu thương cho các con, mang đến cho các con mái ấm yêu thương đúng nghĩa. Họ đã làm mẹ mà chính bản thân họ chưa bao giờ hình dung được. Chỉ đơn giản là yêu thương, quan tâm, sẻ chia hết mực; giúp các con bước vào đời, trở thành những công dân có trách nhiệm, biết yêu thương và sống có ích cho xã hội”, ông Phạm Văn Ðấu khẳng định./.

 

Quỳnh Anh

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).