(CMO) Trong thời chiến, những nữ thanh niên xung phong luôn dũng cảm vì độc lập, tự do, sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Cuộc chiến đã qua, mặc dù ngoài 60 tuổi nhưng các cô vẫn hăng say tham gia công tác hội, lao động và gương mẫu trong nhiều phong trào tại địa phương.
Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Tân hiện có 12 cựu thanh niên xung phong, trong đó có 9 nữ. Những nữ thanh niên xung phong thời ấy giờ đã lên chức bà, tuổi gần 70 nhưng trí nhớ vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, đặc biệt là các cô luôn hăng say cùng con cháu lao động phát triển kinh tế.
Nhiệt huyết công tác hội
Nhắc về thời chiến, cô Nguyễn Thị Manh (Tư Manh) năm nay 69 tuổi, ở ấp Rạch Láng, xã Phú Thuận vẫn không thể nào quên những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội. Cô Tư Manh kể: “Quê gốc tôi ở ấp Cái Nước Biển, xã Phú Mỹ, nay là ấp Tân Phú, xã Phú Tân, lúc ấy loạn lạc nên chạy giặc về ấp Mỹ Thành, xã Tư Kiên, nay là xã Phú Thuận. Nhớ năm đó tôi tròn 16 tuổi, vừa học xong lớp 4 là đi theo cách mạng, tham gia thanh niên xung phong thuộc đơn vị quân khu Nguyễn Việt Khái 2. Tuổi còn nhỏ nhưng không hiểu sao gan dạ, không sợ chết, lúc đó chỉ muốn đánh giặc giữ quê hương thôi”.
Gian nan nhưng cô Tư Manh không nề hà, cùng đồng đội tải đạn đánh giặc. Thời ấy, chỉ có quê hương là tình yêu to lớn, cao quý nhất nên mỗi đoàn viên như cô khi được giao nhiệm vụ là phải thực hiện tốt. Cô Tư Manh nói: “Thời ấy làm gì gặp được Bác Hồ, chỉ có ảnh và lá cờ thôi, chúng tôi trân trọng lắm. Dù là nữ nhưng chúng tôi không ngại hiểm nguy, cùng đồng đội, Nhân dân quyết tâm chống giặc”.
Cô Lựu và cô Manh cùng nhau ôn lại những bài hát thời kháng chiến. |
Cô Tư Manh hiện là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Phú Thuận. Dù tuổi cao nhưng cô vẫn nhiệt huyết với công việc mà mình đảm nhận. Tham gia phong trào xây dựng quê hương, cùng đồng đội chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày là điều mà cô thấy rất vui.
Với lòng nhiệt huyết, tận tâm trong công việc nên nhiều năm liền cô đều nhận được bằng khen, giấy khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô Tư Manh bộc bạch: “Tuổi đã lớn nhưng hễ làm gì được thì mình cứ làm, mỗi việc làm dù nhỏ thôi nhưng tôi cảm thấy vui. Năm 2017 tôi được đi thăm Lăng Bác, niềm vui, cảm xúc lẫn lộn khi cùng đồng đội ôn lại lịch sử tại các khu di tích. Chuyến đi làm tôi càng yêu quý, trân trọng hơn những hy sinh của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng”.
Xung phong ngay cả thời bình
Cô Trương Thị Lựu, 68 tuổi, ở ấp Đất Sét, xã Phú Thuận, dù tuổi cao vẫn phải lao động, cùng gia đình phát triển kinh tế. Cô Lựu bộc bạch: “Khó khăn thời chiến tranh đã trải qua nên khi hoà bình mình càng phải cố gắng lao động. Trồng trọt, chăn nuôi cũng là cách để rèn sức khoẻ, vừa có nguồn thu nhập cho gia đình”.
Với 1,8 ha đất, ngoài nuôi tôm, cô cùng gia đình lập vườn trồng cây ăn trái, hoa màu, nuôi cá. Mảnh vườn chỉ hơn 2.000 m2 nhưng cô trồng nào nhãn, xoài, cam, bưởi… và hoa màu các loại. Cô Lựu chia sẻ: “Đất ít thì mình tận dụng trồng thêm để khi con cháu về có cái ăn. Tuổi già, niềm vui chỉ đơn giản vậy, còn sức thì còn làm. Thời trước khó khăn trăm bề, chiến tranh loạn lạc, cuộc sống khổ cực mình còn vượt qua nổi, huống hồ gì thời này sung túc, mọi thứ đều phát triển”.
Quan niệm tuy giản đơn nhưng đó là niềm vui to lớn khi cô Lựu được cùng với gia đình mình phát triển kinh tế, góp sức xây dựng địa phương. Thời chiến, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dũng cảm, kiên cường cùng đồng đội, Nhân dân một lòng theo sự nghiệp cách mạng. Khi cuộc chiến đi qua, trở về thời bình, cô là người vợ, người mẹ, người bà hết lòng vì gia đình, mẫu mực với cháu con.
Những nữ thanh niên xung phong luôn toát lên vẻ bình dị nhưng lại kiên cường. Dù mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng các cô vẫn cố gắng vươn lên, vượt qua gian khó để cùng gia đình phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Các cô sống gương mẫu, giáo dục con cháu truyền thống cách mạng, nhắc nhở các thế hệ sau về đạo lý uống nước nhớ nguồn, trân trọng thành quả của thế hệ đi trước đã ngã xuống vì độc lập dân tộc./.
"Tổng số cựu thanh niên xung phong của huyện Phú Tân là 84, còn sống 54 người. Trải qua nhiều biến cố từ thời chiến đến thời bình nhưng các cô chú vẫn giữ được "lửa" của một thời thanh niên xung phong. Thời chiến thì gan dạ, dũng cảm chiến đấu, còn thời bình thì lao động hăng say, góp sức cho công cuộc xây dựng quê hương. Giờ ai nấy đều 60, 70 tuổi, người còn, người mất nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phấn đấu góp một phần cho quê hương đất nước từ những việc làm nhỏ nhất, giáo dục con cháu noi gương thế hệ cha ông đi trước, phát huy tinh thần yêu nước, xây dựng quê hương giàu đẹp", Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Phú Tân Phan Văn Tần chia sẻ. |
Hằng My