ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 21-9-24 16:32:43
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Niềm tin từ biển cả

Báo Cà Mau (CMO) Những ngày giáp Tết, làng biển Khánh Hội (xã Khánh Hội, huyện U Minh) càng trở nên sôi động. Đoàn tàu hăm hở nối tiếp nhau vươn khơi chuyến biển cuối năm, mang theo hy vọng hải sản đầy ghe, được mùa Tết ấm; chợ biển mua bán nhộn nhịp; dịch vụ hậu cần tất bật… Sau 25 năm cơn bão Linda đi qua, Khánh Hội chuyển mình, mạnh mẽ vươn lên từ niềm tin và tình yêu với biển cả quê hương.

Bám biển vươn lên

Như thường lệ, những ngày cuối tháng 10/1997, ngư dân Khánh Hội lại giong tàu ra khơi đón luồng tôm cá. Họ không hề biết thảm hoạ chực chờ trên đại dương xa. Cơn bão số 5 (Linda) bất ngờ ập đến, đã để lại bao đau thương, mất mát cho nơi đây.

Hàng trăm phụ nữ vùng biển Khánh Hội trở thành goá phụ. Bà Trần Thị Lăng, ở Ấp 4, là một trong biết bao phụ nữ từng thất thần ngày đêm nơi cửa biển chờ tin chồng, con. Nhà bà Lăng có 2 ghe biển đánh bắt xa bờ, do chồng và con trai lớn làm tài công. Sau bão, chồng bà Lăng cùng 8 người, gồm em và cháu của chồng ra đi mãi mãi, ghe cũng mất, con trai bà Lăng, anh Trần Văn Húng trôi dạt nhiều ngày trên biển, may mắn được cứu sống. Bà Trần Thị Lăng kể lại: “Gia đình trở nên trắng tay, tôi và các con phải đi gặt lúa mướn mưu sinh qua ngày. Bị cú sốc nặng nên mỗi lần cán bộ đến kêu tôi làm thủ tục hỗ trợ đóng lại ghe hay có bạn tàu rủ con tôi đi biển, tôi đều từ chối”.

Người dân Khánh Hội thường kể cho nhau nghe về những mất mát đã qua trong cơn bão số 5 năm 1997, làm động lực vươn lên ở hiện tại và tương lai.

Thời gian dần trôi, nỗi đau nguôi ngoai, vào năm 2002, anh Trần Văn Húng xin phép mẹ trở lại với biển, để tiếp nối nghề của nội, của cha, của chú. Vươn khơi được mùa, anh Húng thay cha lo cho gia đình thoát cảnh cơ cực và dìu dắt 3 người em trai trở thành những tài công giỏi, cưới vợ ra riêng, có nhà cửa ổn định. Bình quân mỗi chuyến biển, anh em anh Húng mỗi người mang về gia đình từ 30-40 triệu đồng.

Trong căn nhà cấp bốn gần cửa biển Khánh Hội, anh Trần Văn Cò thờ 3 người, là anh, em ruột của mình đều mất trong bão số 5. Lúc ấy anh Cò là thuyền trưởng của một ghe cào, khi ghe anh vào gần tới cửa thì bão nổi, anh may mắn thoát nạn, nhưng những anh em của anh mãi nằm lại với biển khơi. Dừng tay vá lưới, anh Trần Văn Cò bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã theo cha đi biển, lớn lên trên tàu và những con sóng, mùi biển như thấm vào máu. Biển đã mang đến cho gia đình tôi cuộc sống ấm no, ở đó còn có những người thân của tôi nằm lại, nên tôi quyết bám biển, không phụ lòng mong mỏi của người đã khuất”.

Sau cơn bão số 5, anh Húng, anh Cò và những ngư dân nơi này đều ý thức hơn trong việc phòng, chống thiên tai. Tất cả các tàu đều thực hiện đúng quy định đảm bảo an toàn kỹ thuật và cơ sở hạ tầng phục vụ nghề biển, đặc biệt là hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo an toàn khi đánh bắt xa bờ. Ngư dân được tiếp nhận thông tin từ Trung ương, địa phương, mà ngay gia đình họ cũng nắm bắt được tàu thuyền của người thân đang ở đâu. Các địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng, hải đội… liên lạc thường xuyên với tàu thuyền ra khơi; xây dựng, hướng dẫn địa điểm cho các tàu thuyền trú ẩn an toàn mỗi khi có bão. Vì thế, những năm gần đây gần như không có thiệt hại về người do bão trên biển.

Khánh Hội từng gánh chịu tổn thất lớn về cơ sở vật chất, nhân lực của nghề biển tưởng chừng không thể khôi phục. Song, nghề biển nơi đây vẫn được ngư dân kiên trì bám trụ, góp phần vào sự ổn định, phát triển kinh tế của địa phương và giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

Khánh Hội mạnh mẽ vươn lên từ niềm tin và tình yêu với biển cả quê hương.

Nông thôn mới trên quê biển

Những địa danh tang thương ngày trước như “làng goá phụ”, “xóm không chồng”, kênh Xáng Mới, kênh Chệt Tửng… giờ diện mạo khởi sắc từng ngày, lộ bê tông thênh thang đã nối liền các ấp, ra tận đê biển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Năm 2021, xã Khánh Hội đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 10/2022.

Cửa biển Khánh Hội được thiên nhiên ưu đãi thuận lợi cho phát triển khai thác thuỷ hải sản. Ðến nay, toàn xã có 542 phương tiện khai thác, trong đó hơn 160 phương tiện đánh bắt xa bờ, đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tổng sản lượng khai thác thuỷ sản năm sau cao hơn năm trước, bình quân hàng năm trên 23.000 tấn. Bên cạnh đó, trong năm 2022, địa phương triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả như sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất lúa thông minh, sản xuất lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh… Từ đó, nâng mức thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, hộ nghèo còn 4,2% (năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo 11,6%).

Khánh Hội hiện lên sôi động với chợ xã nằm ngay cửa biển, có hơn 250 cơ sở kinh doanh các dịch vụ hậu cần nghề biển như hãng nước đá, cây xăng dầu, cơ sở thu mua, sơ chế thuỷ sản, cơ sở sửa chữa máy móc, sửa chữa tàu thuyền, cơ sở mua bán hậu cần nghề biển. Nơi làng biển hình thành ngày càng nhiều ngôi nhà khang trang, những cơ sở kinh doanh, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động, tăng thu nhập bền vững cho người dân. Xã đang lập hồ sơ đề nghị công nhận đô thị Khánh Hội đạt tiêu chí đô thị loại V.

Ông Châu Minh Ðảm, Chủ tịch UBND xã, cho biết, dự án xây dựng khu neo đậu trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá cửa biển Khánh Hội được đầu tư với tổng số vốn trên 134 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng các trụ neo đậu, còn cảng cá đang được khẩn trương thi công. Sắp tới, xã xây dựng làng nghề cá khô biển Khánh Hội, phát triển mạnh dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và thực hiện đề án phát triển chuỗi liên kết các cơ sở thu mua, gian hàng quảng bá hải sản chủ lực ở địa phương, nhằm vực dậy nền kinh tế biển, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của huyện U Minh.

Quê biển Khánh Hội bắt đầu xây dựng nông thôn mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí, sau 11 năm phấn đấu, tập trung quyết liệt của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, Khánh Hội đã về đích xã nông thôn mới. Tổng kinh phí thực hiện chương trình hơn 350,9 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp trên 19% (tương đương 102 tỷ đồng). Con số trên minh chứng cho sự chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ và Nhân dân Khánh Hội đã qua và trên hành trình chinh phục nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Bia tưởng niệm đồng bào tử nạn trong cơn bão số 5 trầm mặc nơi cửa biển, nhắc nhớ ngư dân mỗi khi vươn khơi phải đảm bảo an toàn. Ðó còn là biểu tượng của sự kiên cường bám biển của cư dân Khánh Hội, vẫy vùng trùng khơi, mang no ấm trở về xây dựng cuộc sống và quê hương./.

 

Mộng Thường

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).