(CMO) Theo chương trình giáo dục hiện hành, ở cấp tiểu học, Tin học là môn học tự chọn dành cho học sinh các khối lớp 3, 4 và 5. Do điều kiện thực tế về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên, việc tổ chức dạy và học môn Tin học cho cấp tiểu học tại một số địa phương chỉ dừng lại ở mức độ “chữa cháy”. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đến năm học 2022-2023, Tin học trở thành môn bắt buộc từ khối lớp 3, khuyến khích ở các khối lớp 1 và 2. Ðiều này đang đặt ra cho những người làm công tác giáo dục tỉnh nhà nhiều nỗi lo.
Nơi thiếu phòng máy tính
Toàn huyện U Minh hiện có 21 trường tiểu học và 4 trường 2 cấp THCS, tiểu học. Năm học 2020-2021 vừa qua, huyện U Minh chỉ có 10/25 trường tổ chức giảng dạy Tin học. Vào tháng 3/2021, Sở GD&ÐT đầu tư cho huyện U Minh 190 bộ máy tính. Số máy này được bố trí cho các trường có dạy Tin học, thay các máy đã hư hỏng, còn lại cấp cho những trường mới. Như vậy, đến thời điểm này, toàn huyện U Minh có 15 trường được trang bị phòng máy tính, còn 10 trường chưa có phòng máy tính và thiếu 13 giáo viên dạy Tin học.
Tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, Trường Tiểu học Võ Trường Toản có 1 điểm chính và 1 điểm lẻ. Phòng học thiếu, trang thiết bị không có nên những năm qua nhà trường không tổ chức giảng dạy môn Tin học. Ông Trần Văn Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cho biết: “Trước đây, cơ sở vật chất còn khó khăn, nhất là việc thiếu phòng học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì không có phòng máy tính, giáo viên dạy cũng không có nên nhà trường không tổ chức giảng dạy môn Tin học”.
Hiện tại, Trường Tiểu học Võ Trường Toản đang xây dựng lộ trình đến năm 2022 đạt chuẩn quốc gia. “Năm học mới này, trường cơ bản đáp ứng được cơ sở vật chất để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới. Riêng môn Tin học nhà trường vẫn còn thiếu giáo viên. Chúng tôi rất mong sớm tuyển dụng giáo viên để học sinh được tiếp cận với môn Tin học”, ông Trần Văn Dũng cho biết thêm.
Ông Huỳnh Việt Bắc, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện U Minh, cho hay: “Trong 15/25 trường tiểu học đã trang bị máy tính chỉ có 12 giáo viên dạy Tin học, còn 3 trường đã có phòng máy nhưng chưa có giáo viên, 10 trường vừa thiếu phòng máy tính, vừa thiếu giáo viên. Với tình hình thực tế này, nếu chỉ trông chờ vào tuyển dụng thì sẽ rất khó khả thi. Những giáo viên có kỹ năng về máy tính sẽ được đưa đi đào tạo theo hình thức tín chỉ, hoặc dạy liên trường đối với những trường có quy mô nhỏ, trường hợp không tuyển dụng đủ giáo viên”.
Nơi đóng cửa phòng máy
Tại huyện Ðầm Dơi, tình trạng phòng máy tính đóng cửa vì không có giáo viên dạy Tin học đang đặt ra nhiều nỗi lo cho những người làm công tác quản lý.
Trường Tiểu học Tân Trung (huyện Ðầm Dơi) đạt chuẩn quốc gia từ năm 2016. Ðến tháng 10/2020, Trường Tiểu học Thành Vọng (huyện Ðầm Dơi) ghép vào Trường Tiểu học Tân Trung. Hiện nay, cơ sở vật chất của trường cơ bản đáp ứng việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Song, việc triển khai dạy môn Tin học gặp nhiều khó khăn do không có giáo viên.
Ông Lê Phước Hậu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Trung, cho biết: “Khi tiếp nhận cơ sở vật chất từ Trường Tiểu học Thành Vọng, trường cũng có 1 phòng máy tính nhưng chưa bao giờ sử dụng giảng dạy vì không có giáo viên. Riêng Trường Tiểu học Tân Trung tổ chức dạy môn Tin học được 3 năm, từ năm 2015-2018, sau đó giáo viên xin nghỉ vì chế độ chi trả tiền lương. Vậy là từ năm 2018 đến nay đã 3 năm, phòng máy của nhà trường đành đóng cửa bỏ không vì không tuyển dụng được giáo viên Tin học nào nữa”.
Tại Trường Tiểu học Tân Trung (huyện Ðầm Dơi), phòng máy tính đóng cửa bỏ không vì không có giáo viên phụ trách. |
Ðể xây dựng được một phòng máy, số tiền bỏ ra không hề nhỏ, từ chi phí mua máy móc, bàn ghế… Mặc dù được đầu tư nhiều như vậy, nhưng không có giáo viên, phòng máy tính đành đóng cửa bỏ không, máy tính không sử dụng thường xuyên dễ hư hỏng, gây lãng phí là điều mà những người làm công tác quản lý tại các trường học lo lắng từng ngày. “Hiện nay, toàn trường có 2 phòng máy với tổng số 29 máy tính. Một số máy tính được bố trí lên bàn để phục vụ việc học trước đây, tuy nhiên, một số máy vẫn còn nguyên trong thùng vì chưa cần sử dụng đến. Những máy đã ngưng sử dụng 3 năm nay, chúng tôi lo là khi vận hành lại sẽ hư hỏng nhiều”, ông Lê Phước Hậu cho biết thêm.
Thực tế cho thấy, phòng máy đóng cửa bỏ không vừa gây lãng phí lớn, vừa gây tiếc nuối vì môn học không thể đến sớm hơn với học sinh. Mặc dù chương trình hiện hành không bắt buộc, song theo lộ trình chương trình giáo dục phổ thông mới, đến năm 2022-2023, Tin học sẽ là môn học bắt buộc từ khối lớp 3.
Ông Võ Lợi, Trưởng phòng GD&ÐT huyện Ðầm Dơi, trăn trở: “Toàn huyện hiện có 30 trường tiểu học, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia và được đầu tư phòng máy tính. Tuy nhiên, chỉ có 2 trường tổ chức dạy Tin học cho học sinh, nguyên nhân do không có giáo viên. Mặc dù có kế hoạch tuyển dụng, nhưng vẫn không tuyển được giáo viên”.
Nơi dạy “chữa cháy”
Huyện Ngọc Hiển là địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh Cà Mau đang thiếu trầm trọng giáo viên dạy Tin học. Theo báo cáo của Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, toàn huyện có 16 trường tiểu học, trong đó có 15 trường đạt chuẩn quốc gia, được đầu tư phòng máy tính. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại toàn huyện chỉ có 1 giáo viên dạy Tin học, thiếu đến 15 giáo viên.
Không có giáo viên dạy Tin học, để tránh đóng cửa phòng máy gây lãng phí trong đầu tư, nhà trường vẫn quyết định dạy môn học tự chọn này bằng cách phân công những cán bộ quản lý, giáo viên có kỹ năng về Tin học để dạy cho học sinh.
Trường Tiểu học 3 Tân Ân Tây đạt chuẩn quốc gia năm 2014. Năm 2020-2021, trường được đầu tư 15 máy tính. Do không có giáo viên dạy Tin học nên năm học vừa qua nhà trường đã chọn giáo viên có kỹ năng về Tin học để dạy cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Thơm, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học 3 Tân Ân Tây, cho biết: “Theo phân phối chương trình, mỗi tuần học sinh sẽ được học 2 tiết Tin học. Nhà trường sắp xếp 2 tiết liên tục/tuần. Giáo viên được chọn dạy Tin học không phải là giáo viên có bằng cấp chuyên môn về Tin học, mà chỉ có kỹ năng về Tin học tốt. Ðây chỉ là giải pháp “chữa cháy”. Vì vậy, cần phải có giải pháp lâu dài hơn”.
Trường Tiểu học 3 Tân Ân Tây (huyện Ngọc Hiển) bắt đầu dạy Tin học từ năm học 2020-2021. Hiện trường cũng đang thiếu giáo viên dạy môn này. |
Ðể giải quyết khó khăn, hàng năm, Phòng GD&ÐT tham mưu UBND huyện Ngọc Hiển tuyển dụng. Tuy nhiên, số lượng giáo viên tuyển dụng vẫn không đủ do không có nguồn tuyển dụng.
Ông Lê Xuân Hùng, Phó trưởng phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, cho biết: "Ðể tháo gỡ khó khăn do thiếu giáo viên, Phòng GD&ÐT chỉ đạo các trường chọn giáo viên có kỹ năng Tin học tốt để dạy cho học sinh tiếp cận với môn học này. Hiện nay, huyện đã có kế hoạch tuyển dụng 15 giáo viên dạy Tin học trong năm học tới. Song, chúng tôi rất băn khoăn nếu không tuyển dụng đủ số lượng giáo viên dạy môn Tin học thì năm học tới rất khó thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”.
“Một yếu tố khách quan nữa là, do đội ngũ giáo viên Tin học hiện nay thiếu đều trên toàn tỉnh. Ðể thu hút giáo viên về huyện Ngọc Hiển khó hơn những địa phương khác do địa bàn quá xa xôi. Giải pháp để giải quyết vấn đề mang tính chất lâu dài mà chúng tôi đặt ra là tuyên truyền, vận động người địa phương đăng ký đi học. Có những chế độ, chính sách đặc thù hỗ trợ đối tượng này để thu hút họ về”, ông Lê Xuân Hùng trăn trở.
Như vậy, chỉ còn đúng 1 năm học nữa, Tin học sẽ là môn học bắt buộc ở bậc tiểu học, từ khối lớp 3. Với những khó khăn về cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực như hiện tại, thiết nghĩ, ngành chức năng cần có giải pháp và kế hoạch để tạo nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông mới./.
An Kỳ