Trong suốt những năm tháng chiến đấu xa quê hương, xa Tổ quốc, những người con của quê hương Minh Hải ngày nào vừa mới đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chưa được hưởng trọn niềm vui khi đất nước hoà bình, thống nhất, nhiều đồng chí chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình và tạo lập cuộc sống riêng tư, thậm chí chưa có dịp về thăm lại quê hương xứ sở, thăm lại bạn bè.
Trong suốt những năm tháng chiến đấu xa quê hương, xa Tổ quốc, những người con của quê hương Minh Hải ngày nào vừa mới đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chưa được hưởng trọn niềm vui khi đất nước hoà bình, thống nhất, nhiều đồng chí chưa dám nghĩ đến việc lập gia đình và tạo lập cuộc sống riêng tư, thậm chí chưa có dịp về thăm lại quê hương xứ sở, thăm lại bạn bè. Một lần nữa, người lính phải gác lại chuyện riêng tư tiếp tục cầm súng lên đường tham gia chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thân yêu nơi biên cương của Tổ quốc ở chiến trường Hà Tiên - Kiên Giang.
Ðến tháng Giêng năm 1979, đáp lời kêu gọi thiết tha của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia anh em, họ lại cùng đoàn quân tình nguyện Việt Nam tiến sang giải phóng đất nước và giúp Nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng của tập đoàn phản động Pôn Pốt; rồi cũng từ đó, suốt gần 10 năm họ làm nhiệm vụ quốc tế, vừa chiến đấu, vừa giúp bạn trên chiến trường tỉnh Kô Kông.
Minh hoạ: Hoàng Vũ |
Suốt những năm tháng xa quê hương ấy, với tinh thần quốc tế cao cả và đứng trên quan điểm “Giúp bạn là tự giúp mình”, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ của lực lượng vũ trang Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu), sẵn sàng chấp nhận những nỗi gian lao, vất vả thiếu thốn mọi điều, cả đến hy sinh tính mạng và mất mát một phần thân thể vì sự bình yên của đất nước Việt Nam, sự hồi sinh của dân tộc Campuchia anh em. Có những đơn vị hành quân truy quét tàn quân địch hay đứng chặn chốt giữa sâu trong các vùng rừng núi đại ngàn, lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn, đặc biệt là có lúc thiếu muối ăn trầm trọng. Nhiều đơn vị cử bộ đội về phía sau tải gạo, tải thương, nhiều đồng chí vấp phải mìn và bị địch phục kích hy sinh; bệnh sốt rét rừng cũng từng quật ngã nhiều anh em đang tràn đầy sức trẻ.
Những nỗi gian lao vất vả của người lính ở chiến trường đất bạn trong suốt những năm 80 của thế kỷ XX thì không làm sao nói hết được, nhưng người lính cũng vượt qua tất cả. Duy chỉ có một điều tôi cũng muốn nói ra để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu và cùng chia sẻ, cảm thông cho những nỗi lòng của người lính chiến đấu xa quê hương, xa Tổ quốc, đó chính là sự thiếu thốn về tình cảm.
Vào những năm 80 ấy, mặc dù chiến đấu xa Tổ quốc, nhưng người lính hiểu rằng đất nước ta vừa trải qua 2 cuộc kháng chiến, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, lại bị bao vây cấm vận, đất nước ta lại trong thời kỳ bao cấp, nền kinh tế vô cùng khó khăn, lương thực, thực phẩm thiếu thốn trầm trọng, có lúc cán bộ, công chức và bộ đội phải ăn độn bột mì và cao lương. Trong điều kiện ấy, nhiều đồng chí, anh em chúng tôi có dịp nghỉ phép về thăm gia đình, nhìn thấy cảnh sống khó khăn của cha mẹ, anh em và vợ con thì lòng thật xót xa.
Một vấn đề khác cũng thật tế nhị, rất khó nói ra, đó là nỗi lòng luôn phải chịu sự thiếu thốn tình cảm của hậu phương. Trong những năm chống giặc Mỹ xâm lược, dẫu sao bên cạnh đó cũng có tình cảm của hậu phương, gia đình nhưng sang chiến đấu bên chiến trường Campuchia, đối với anh em cán bộ thì thỉnh thoảng 1-2 năm còn được nghỉ phép về thăm gia đình. Ðặc biệt là số chiến sĩ trẻ thực hiện nghĩa vụ quân sự 3 năm thì không có chế độ nghỉ phép. Nhiều đơn vị đứng chốt giữ giữa rừng sâu không có bóng dáng người dân Campuchia.
Có lần vào cuối năm 1980, khi đơn vị của chúng tôi lên chốt giữ ở vùng Bến Ðá, đồi Không Tên, điểm cao K172, một hôm, Ðoàn Văn công Quân khu 9 sang phục vụ tại Ban Chỉ huy Trung đoàn 20. Ðêm ấy, chỉ có 50% quân số được xem văn công biểu diễn, số còn lại phải làm nhiệm vụ trên các điểm chốt dọc biên giới Campuchia - Thái Lan, không được xem. Sáng hôm sau, được biết đoàn còn lưu lại ở trung đoàn, nhiều anh em ở các chốt điện về đề nghị các chị Thanh Thoảng, Như Nguyệt hát vài câu vọng cổ qua máy bộ đàm vì anh em thèm được nghe giọng ca của con gái nước mình. Trước khẩn cầu tha thiết đó, đơn vị phải mất vài chục lố pin để anh em được nghe giọng ca của ca sĩ từ Việt Nam sang.
Một lần khác, vào dịp cuối năm 1985, đoàn cán bộ phụ nữ tỉnh nhà do cô Út Bình sang thăm và chúc Tết bộ đội. Ðoàn đến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3 đứng chân tại Chikholơ. Ðơn vị đang cử 1 đại đội truy quét địch trong rừng, sáng hôm đó khi nghe tin đoàn Minh Hải đến thăm, Ban Chỉ huy đại đội cho bộ đội băng rừng vượt qua trên 15 km để kịp về đón đoàn đến thăm. Trên đường hành quân về, các chiến sĩ ta hái những cành hoa rừng rất đẹp, khi vừa về đến đơn vị thì đoàn đã đến trước đó khoảng nửa giờ, cô Út Bình đang nói chuyện với anh em trong hội trường, số cán bộ, chiến sĩ vừa mới về đến chạy ào vào hội trường tặng những đoá hoa tươi thắm và ôm hôn thắm thiết cô Út và các cô gái trong đoàn - một cử chỉ thật tình cảm để thoả lòng khát khao vì quá lâu họ mới được gặp người con gái Việt Nam.
Có lẽ các chị, các em cũng hiểu và cảm thông cho người lính sống xa quê nhà. Cũng tại buổi gặp gỡ này, tôi còn nhớ có em gái tên là Ngọc Huệ hát phục vụ cho anh em nghe bài “Nhớ”. Cuối bài hát có câu “Ai nhớ cứ nhớ, ai đi cứ đi, chiến trường súng nổ, thắng giặc lại về...”. Ôi! Giọng hát, lời ca của em sao mà tha thiết quá, làm cho nhiều anh chàng lính trẻ cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Sau đó, cơ quan tuyên huấn của Ðoàn 9907 nhờ Ngọc Huệ hát lại bài ca ấy để thu vào băng rồi sang ra mấy chục cuốn để gửi xuống các đơn vị cho anh em nghe...
Ðó là vài câu chuyện về nỗi niềm khát khao cháy bỏng của những người con chiến đấu ở xa quê hương, Tổ quốc. Có lẽ những ai là người trong cuộc mới thấu hiểu và cảm thông cho nỗi niềm ấy. Có thể nói, đó là sự chấp nhận hy sinh không hề nhỏ. Ðến hôm nay, sau hơn 25 năm về lại với quê nhà, sống trong điều kiện đất nước hoà bình, kinh tế đủ đầy, những người lính chúng tôi đã từng trải qua những năm tháng, ở chiến trường đất bạn, vẫn không thể nào quên những kỷ niệm ấy./.
Võ Hà Ðô