ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 4-2-25 02:52:15
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nơi lưu giữ văn hóa làng quê

Báo Cà Mau (CMO) Dù đã có nhiều đổi thay, từ diện mạo đến chất lượng cuộc sống, nhưng những nét đẹp văn hoá truyền thống từ kiến trúc cổ, tình làng nghĩa xóm, nếp nhà xưa… vẫn còn được lưu giữ nên nông thôn vùng đất cực Nam hiện lên thân thương và bình dị.

Người dân quê chung sức tạo nên những tuyến đường xanh, sạch, đẹp; những khu dân cư kiểu mẫu; xóm, ấp văn hoá tiêu biểu… (Ảnh chụp tại xã Tân Phú, huyện Thới Bình).

Chứng nhân của thời gian

Bao đời nay khi nói đến văn hoá làng, mọi người đều liên tưởng ngay tới những hình ảnh mang tính biểu tượng, đó là “cây đa, bến nước, sân đình”. Ðình làng không chỉ là nơi thờ cúng, sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là “chứng nhân” của lịch sử, cùng quê hương trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của thời gian. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có khoảng 23 ngôi đình, qua thời gian đều được trùng tu, tôn tạo, song, vẫn bảo tồn được những nét kiến trúc truyền thống của đình làng Nam Bộ xưa, với những giá trị văn hoá trong thờ cúng. Nhiều ngôi đình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Cách trung tâm TP Cà Mau không xa là Ðình thần Tân Nghĩa (Ấp 6, xã An Xuyên, TP Cà Mau). Ðình trên 170 năm tuổi, nằm cạnh chợ Cầu số 3, nét xưa hiện hữu qua mái ngói, cột đình. Giữa khoảng sân rộng lớn, một người phụ nữ trạc 60 tuổi đang loay hoay làm cỏ, rồi đi vòng quanh lau bàn thờ Thần Nông, miếu thờ ông Hổ và miếu Bà sạch sẽ. Bà tên Hồ Thị Út Lớn, nhà ở ngang đình, hễ rảnh là chạy sang đình quét dọn, sắp xếp ngăn nắp, sạch sẽ. Trước sân có 2 hàng ghế đá, bóng cổ thụ che mát rượi, thỉnh thoảng các tiểu thương, người bán vé số vào ngả lưng tránh nắng, trú mưa, nghỉ chân.

Bà Út cũng như bao người dân xứ này luôn tỏ lòng thành kính, biết ơn các vị thần, các bậc tiền nhân đã có công khai hoang lập xóm. Bà Út nhớ lại, hồi mẹ bà còn khoẻ hay kể chuyện về ngôi đình này cho anh em bà nghe. Rằng thời kỳ kháng chiến, đây là nơi ẩn nấp hoạt động cách mạng của cán bộ, du kích địa phương nên đình bị địch bắn phá dữ dội, trở nên hoang phế. Kết thúc chiến tranh, chính quyền địa phương huy động sức dân xây cất lại ngôi đình khang trang.

Ðình Tân Nghĩa được vua Tự Ðức đời thứ 5 ban sắc phong thần vào ngày 29/11/1852 và được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2020. Ông Trương Minh Ðương, người trông coi đình, cho biết, thường ngày bà con vẫn tới thắp nhang, cúng vái. Ðến lễ Kỳ yên (ngày 10-11/5 âm lịch) người dân tề tựu đông vui, có nhà vẫn còn nấu xôi, nấu chè, làm gà vịt mang đến cúng vái, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Rồi mọi người xúm xít nấu nướng, ăn cơm cùng nhau, ai nấy đều khoe chuyện vui của nhà mình, xóm mình.

Cùng với không gian cổ kính, thâm nghiêm của đình, ở Cà Mau còn lưu giữ ngôi nhà xưa hơn 100 năm tuổi. Ngôi nhà của địa chủ Lâm Canh nằm trên tuyến dân cư Ấp 2, xã Tắc Vân, hiện được người cháu nội của ông coi sóc. Hoa văn trạm trổ, đồ đạc trong nhà đã nhuốm màu, song lại nổi bật bởi giá trị thời gian, điểm thêm nét bình yên ở xã nông thôn mới Tắc Vân.

Bà Lữ Kim Thoa (67 tuổi), ở cách ngôi nhà xưa này chừng vài chục mét, kể lại: Hồi còn nhỏ, bà và đám bạn thường tụ tập qua nhà địa chủ đùa giỡn, vì nhà có mấy sân lúa rất rộng. Nhà địa chủ giàu sang, món đồ nào cũng đẹp, những bức tranh, đá cẩm thạch ốp tường, tủ, giường đều cẩn xà cừ, làm đám trẻ con như bà rất mê mẩn.

Giờ đây, những mảng tường đã bong tróc, khung gỗ bạc màu. Theo bà Thoa, căn nhà này vẫn được giữ nguyên như xưa, không gì thay đổi. Là địa chủ, nhưng ông Lâm Canh rất quý tình làng nghĩa xóm, thường cho bánh kẹo trẻ con và giúp đỡ người nghèo. Bà Thoa đã hơn 10 năm là phó trưởng ấp, ngôi nhà xưa hiện diện ở địa phương, bà Thoa cho rằng đó là sự quý giá, giúp thế hệ trẻ biết được quá khứ và trân trọng hiện tại, phấn đấu ở tương lai.

Kiến trúc cổ xưa của những ngôi đình gắn với những giá trị văn hoá - tín ngưỡng tốt đẹp, tô điểm nét bình yên ở các vùng quê.

Giữ gìn nét văn hoá đẹp

Tiết lạnh mùa chướng thôi thúc chúng tôi đến những vùng nông thôn, để cảm nhận tình người ấm áp và cảnh sắc yên bình. Bên đường, hàng rào cây xanh, bông trang, hoa kiểng rực rỡ nối tiếp. Nhà nông thăm đồng, đặt lú, chăm vườn rau, ao cá… Thi thoảng lại thấy cụ ông, cụ bà đi ra từ những căn nhà 3 gian, tường mái cũ kỹ, quét dọn sân nhà, phơi cá khô, làm mứt, đám con nít vui đùa ríu rít sau lưng…

Giữa vòng xoáy của cuộc sống hiện đại, người quê vẫn coi trọng lối sống nghĩa tình “bà con xa không bằng láng giềng gần”, tối lửa tắt đèn có nhau, làm ấm áp xóm làng.

Bà Nguyễn Hồng Hạnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chà Là, xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, kể rằng: Ở xóm bà có bà Trần Tuyết Hoa, gần 50 tuổi, bị tai biến, có 2 người con nhưng đều ở xa, mẹ chồng già yếu. Thấy vậy, chị em trong xóm thay phiên nhau chăm sóc bà Hoa. Chị Tăng Thị Tiếm biết nghiệp vụ y tá nên hàng ngày qua rửa vết thương, trò chuyện để bà Hoa được thoải mái tinh thần.

Bà Hạnh cho biết thêm, nơi bà ở mỗi khi nhà ai có công có việc như đám tiệc hay sửa nhà, cất nhà thì cả xóm cùng làm tiếp, giúp giảm chi phí thuê bên ngoài mà tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt. Trong tình hình dịch Covid-19, quê bà Hạnh có nhiều trường hợp phải cách ly tại nhà, hàng xóm sẵn sàng cho mượn chỗ nơi để F1 cách ly, rồi chắt chiu từng cọng rau, con cá mang đến giúp người cách ly ấm lòng, giảm bớt lo lắng.

Việc giúp qua giúp lại mà người quê hay gọi là vần công đã trở thành một hương ước bất thành văn thấm đượm nghĩa tình, đến nay vẫn còn nguyên giá trị ở nông thôn. Có lần tôi đến tham quan mô hình lúa, cá, màu của gia đình anh Mạc Văn Khánh, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, ngay lúc anh đang gấp rút thu hoạch số lượng lớn các loại cải để kịp bán cho thương lái. Lúc này ở xóm anh có 6, 7 người đến phụ giúp nhổ cải, lặt rửa, bó lọn, vào bọc… Công việc bắt đầu từ 4 giờ sáng đến trưa mới xong, vậy mà ai nấy đều vui vẻ.

Nói đến việc vần công, cha anh Khánh, ông Mạc Thanh Dân (70 tuổi) nhớ lại, hồi còn làm lúa mùa, cứ gần Tết là lúa chín, bà con phải gặt cho kịp mang về nhà, đập lúa bỏ vào bồ rồi mới thong dong ăn Tết. Thế là gặt, đập vần công, hết nhà này sang nhà khác. Ngoài gặt lúa, bà con còn vần công lợp nhà, tát đìa, làm bánh… nên không khí vùng quê lúc nào cũng ấm áp, nhộn nhịp.

Nét đẹp nghĩa tình và đoàn kết cộng đồng được người dân Cà Mau phát huy giá trị trong xây dựng nông thôn mới, khi ngày càng xuất hiện nhiều mô hình tiết kiệm, hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong các cấp phụ nữ; giúp vốn sản xuất, góp quỹ xây nhà của hội nông dân; hay các cựu chiến binh đồng lòng hỗ trợ cất nhà Ðồng đội; thanh niên góp sức trẻ vì cộng đồng… Ðã có biết bao gia đình hiến đất, góp ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp đường nông thôn, trường học, trụ sở sinh hoạt văn hoá... Người dân quê còn chung sức làm nên những tuyến đường xanh, sạch, đẹp; những khu dân cư kiểu mẫu; xóm, ấp văn hoá tiêu biểu…

 Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự bình yên trong tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái. Những giá trị “hồn cốt” của làng quê sẽ là chất keo kết chặt tình người, tình quê hương xứ sở, nhân lên điều tử tế trong cuộc sống, loại bỏ dần những mâu thuẫn, xích mích thường tình./.

 

Mộng Thường

 

Liên kết hữu ích

Bừng sáng đô thị Năm Căn

Qua rà soát, đến cuối tháng 10/2024, thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đã đạt 9/9 tiêu chí đô thị văn minh (ÐTVM), với 52/52 nội dung theo Quyết định số 04/2022/QÐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ðịa phương đã hoàn thiện việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM, với 99,91% tổng số hộ dân đồng thuận. Ðây là kết quả đáng tự hào sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, là cơ sở để UBND huyện Năm Căn công nhận thị trấn Năm Căn đạt chuẩn ÐTVM trong năm 2024.

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Gắn kết, nhân sức mạnh cộng đồng người xa quê

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cuộc gặp gỡ nhân buổi họp mặt đồng hương Cà Mau - Bạc Liêu tại TP Cần Thơ diễn ra ý nghĩa và đầy xúc động. Đây không chỉ là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm, mà còn là cơ hội để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người con xa quê lâu nay. Chắc chắn rằng, mỗi cuộc hội ngộ như vầy đều mang theo những ký ức, niềm vui và cả những nỗi nhớ không thể nào quên…

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.