ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 2-2-25 20:41:30
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nỗi niềm gửi đến người thân

Báo Cà Mau (CMO) Một tuổi nữa sắp đến, năm mới sắp qua, chất chứa nhiều tâm sự, mong mỏi trở lại cộng đồng, tái hợp cùng gia đình, các học viên đang trị liệu tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau chưa bao giờ cảm thấy nhớ nhà như lúc này. Vì tò mò, phút giây lầm lỡ mà họ lạc lối; Tết cận kề, cùng với nhiều cán bộ, nhân viên tại cơ sở, học viên cũng hoà chung niềm vui để vui xuân, đón Tết.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh, chia sẻ: “Hoạt động vui xuân năm nay có nhiều điểm mới, tạo dấu ấn như tổ chức cho học viên thi đấu bóng đá, bóng chuyền, nhảy bao bố; phát động viết thư tay về cho gia đình và người thân; chương trình văn nghệ, tiểu phẩm mừng xuân cổ truyền và giao lưu văn nghệ giữa các khu ở học viên. Ðặc biệt, chế độ ăn cho học viên, ngoài thực hiện đúng theo quy định thì những ngày Tết còn tăng gấp ba lần ngày thường… Mục đích là tạo được không khí đầm ấm, tạo động lực để học viên thi đua, học tập, sớm cai nghiện tốt, trở về tái hoà nhập cộng đồng”.

Tại cơ sở hiện có 250 học viên tập trung cai nghiện, cải tạo theo diện bắt buộc và tự nguyện. Thời gian để các học viên hoàn thành cai nghiện từ 12-24 tháng, tuỳ ý chí và thể trạng của mỗi người. Mặc dù sống và lao động cùng nhau, nhưng khoảng thời gian đến cơ sở của mỗi người không ai giống ai, có người vừa vào hai tháng, cảm giác chưa quen lắm với môi trường xa lạ, có người đã sáu tháng hoặc hơn một năm, nhưng trên tất cả, năm này là năm đầu tiên họ đón Tết ở nơi xa.

Tất bật quét dọn hành lang khuôn viên để sửa sang ăn Tết, đây là lần đầu cũng hy vọng là trải nghiệm không gặp lại khi em T.N.H phải trải qua một mùa xuân không có gia đình bên cạnh. Ở tuổi 17, mặt mũi H rất sáng nhưng ẩn sau đôi mắt là vô vàn sầu muộn. Khi được hỏi về chuyện gia đình, H chia sẻ câu chuyện của mình, nghỉ học từ năm lớp 7, buồn chuyện gia đình, phần vì tò mò và bạn bè rủ rê, H vướng phải thứ bột trắng nguy hiểm mà chỉ cần thử một lần đã nghiện. H tâm sự: “Ban đầu em chưa biết nó ra sao, bạn bè khích, rồi thêm tò mò nên thử, cảm giác mang lại lâng lâng khó tả, từ từ nghiện luôn. Kể từ khi vướng vào cho đến lúc bị phát hiện đưa vào đây là khoảng hai năm, gia đình ban đầu cũng biết nhưng không nói gì. Giờ em hối hận lắm, chỉ mong cải tạo tốt, sớm trở về nhà”.

Những lời hối hận chưa hẳn đã muộn màng vì H và nhiều học viên khác tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí chưa trải sự đời, vì không chịu được cám dỗ, hơn hết là thiếu sự quan tâm từ gia đình mà các em rơi vào cảnh đã rồi. Tuy nhiên, cánh cửa này khép lại sẽ mở cánh cửa khác, tuỳ tâm người chọn cách bước đi.

Ðược duy trì thực hiện suốt ba năm qua, “Viết thư cho người thân” là một trong những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc để học viên bày tỏ tâm tư tình cảm, nỗi niềm của bản thân gửi đến gia đình mình, đồng thời hứa hẹn, quyết tâm để đường trở về không còn xa nữa.

Bức thư tay nắn nót gần hai mặt giấy đến từ học viên T (20 tuổi) với nhiều lời yêu thương, hối hận gửi đến gia đình.

Bức thư tay gần hai mặt giấy được N.A.T (20 tuổi, huyện Ðầm Dơi) kỳ công chuẩn bị, phải mất một ngày T mới có thể hoàn thành được nội dung vì quá nhiều điều em muốn bày tỏ. Trong thư có đoạn: “Kính gửi cha mẹ của con. Cha mẹ ơi, lúc này gia đình mình có khoẻ không? Mới đó mà con đã vào cơ sở được hai tháng rồi. Năm nay là năm đầu tiên gia đình mình không được ăn Tết với nhau, vì con đã lầm lỡ, sa ngã vào con đường ma tuý, mặc cho cha mẹ có la rầy nhưng con không nghe lời, để bây giờ con có hối hận thì cũng đã muộn rồi… Cha ơi, dạo này sức khoẻ của cha như thế nào? Bệnh của cha đã đỡ hẳn chưa? Con biết là cha giận con lắm vì con không nghe lời. Dù con có xin lỗi ngàn lần cũng không thể tha thứ, nếu có cơ hội đứng trước mặt cha, thì đứa con bất hiếu này vẫn muốn nói lời xin lỗi cha rất nhiều… Năm mới Tết đến, cha mẹ của con lại già thêm một tuổi rồi, những dịp Tết như vậy đáng lẽ con nên có mặt ở nhà. Nhà có mấy chị em mà bé út hư quá…”.

Nghẹn ngào, tình cảm, đây là lần đầu tiên T viết thư tay và trong hoàn cảnh thật đặc biệt. 20 tuổi, T có những vụng dại đầu đời để lại nhiều nỗi buồn cho gia đình. T bộc bạch: “Mẹ rất thương tôi, mỗi tuần đều đến thăm vì sợ tôi buồn, nhưng cha còn giận, nhiều lần tôi muốn nói với mẹ là hãy nhắn cha cùng đi, nhưng tôi không dám. Có vào đây tôi mới nhận ra cha mẹ thương tôi rất nhiều, tôi quá cố chấp. Ðiều tôi mong mỏi nhất sau khi trở về là nấu bữa cơm cho cha mẹ, cả nhà cùng ăn, quây quần bên nhau. Những chuyện tưởng như đơn giản vậy mà trước giờ tôi chưa làm được…”.

Còn với tâm thư của B.T, những dòng chữ tròn trịa nắn nót: “Mẹ ơi, Tết này con không được ăn Tết cùng gia đình mình. Xa mẹ rồi con mới cảm nhận được, chỉ có mẹ là thương con vô điều kiện, con có hư đến đâu mẹ cũng không bao giờ từ bỏ con. Bây giờ con sống quanh người lạ, cuộc sống đều phải tự mình gánh vác, con cảm thấy nhớ mẹ lắm, muốn ở cạnh mẹ, chăm sóc mẹ cũng không được… Mẹ ơi mẹ đừng buồn con! Con không giống những đứa con gái khác, không biết nói chuyện ngọt ngào với mẹ, cũng chưa bao giờ nói được câu con yêu mẹ trước mặt mẹ… Con mong Tết sau sẽ được ở bên mẹ, hứa với mẹ sẽ không làm mẹ thất vọng về đứa con gái này nữa. Con chúc mẹ đón cái Tết thật vui vẻ và hạnh phúc".

Có thể nói, cuộc thi viết thư gửi người thân luôn được các học viên hưởng ứng, thậm chí chuẩn bị rất chu đáo, bởi qua đó có thể giãi bày những nỗi niềm sâu kín.

Việc tạo ra những sân chơi bổ ích trước mùa xuân, mùa của hy vọng đã rót vào lòng những học viên vốn lạnh và buông lơi trở nên ấm áp, nhen nhóm hy vọng mãnh liệt trở thành người có ích cho xã hội. Trải qua những vấp ngã, họ tự đứng lên và nhìn lại quá khứ bằng cái nhìn cảm ơn và trân trọng hơn./.

 

Nhi Ngô

 

Ðất lạ hoá quê hương

Có nhiều lý do đưa họ đến với Cà Mau - mảnh đất cực Nam của Tổ quốc. Song, điều khiến họ gắn bó là do đất lành mang đến cuộc sống ấm no và tình người ấm áp. Trên quê hương thứ hai, họ góp sức khai phá, dựng xây, biến vùng đất hoang sơ thuở nào trở thành vùng đất trù phú, đa dạng về cách phát triển kinh tế.

Tiềm năng tín chỉ carbon

“Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cũng như các hướng dẫn về tín chỉ carbon vẫn chưa đầy đủ, các địa phương cũng chỉ dừng lại ở việc tập huấn, nâng cao nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, mời gọi các tổ chức để khảo sát, nghiên cứu và thực hiện các bước chuẩn bị. Mặc dù vậy, các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đang rất quan tâm vấn đề này, qua đó tiếp tục tăng cường công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, để đến khi hoàn thiện thể chế, có thể sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ carbon”, ông Phan Hoàng Vũ thông tin.

Những 'điểm sáng' an sinh năm 2024

Lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đem lại những hiệu quả lớn.

Hội thi “Bánh chưng xanh” người lính biển

Trong 2 ngày 26-27/1 (nhằm 27-28 tháng Chạp năm Giáp Thìn), tại TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức Hội thi “bánh chưng xanh” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Xuân về phum sóc

Mùa xuân mới đang điểm tô rực rỡ từ thành thị đến từng làng quê, phum sóc, nhà nhà háo hức đón chào năm mới. Bộ mặt nông thôn đang được thay áo mới, những tuyến đường hoa, hàng rào cây xanh chạy dài theo các tuyến lộ bê tông. Những cánh hoa tươi thắm khoe sắc như điểm tô cho mùa xuân no ấm, sum vầy.

Tròn đầy yêu thương

Dù không phải là nhà, nhưng ngày Tết ở những nơi đặc biệt như Trung tâm Bảo trợ xã hội, Làng trẻ em SOS, không khí vẫn rộn ràng, ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

Mùa vui ở vùng đồng bào dân tộc

Những ngày này, về vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Trần Văn Thời, U Minh, sẽ thấy cảnh đồng bào Khmer nơi đây đang tất bật thu hoạch lúa, hoa màu và sản xuất các mặt hàng truyền thống bán dịp Tết.

Hương tết quê nhà

Chiều 26/1/2025 (nhằm 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức Chương trình “Hương tết quê nhà” trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết. Đây là sự kiện đặc biệt, không chỉ mang lại cho mọi người những trải nghiệm thú vị về tết cổ truyền, mà còn là dịp để mọi người cùng nhau ôn lại những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những phong tục, tập quán ngày tết tại vùng đất Cà Mau.

600 phần quà tết ấm lòng người khiếm thị và người khó khăn

Ngày 26/1/2025 ( nhằm ngày 27 tháng Chạp năm Giáp Thìn), Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Thiền viện Trúc Lâm Cà Mau tổ chức trao 600 phần quà cho người khiếm thị, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao 200 suất quà cho hội viên nông dân nghèo

Sáng 26/1, tại huyện Thới Bình, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam do đồng chí Phan Như Nguyện, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao 200 suất quà cho hội viên nông dân tỉnh Cà Mau.