(CMO) Con đường đến lớp mang đầy những ước mơ về một tương lai tươi sáng luôn được các em học sinh khó khăn vùng nông thôn ấp ủ. Điều kiện học tập còn nhiều trắc trở, con đường đến lớp còn lắm nhọc nhằn, nhưng mỗi em đều có động lực và ý chí phấn đấu đáng khâm phục.
"Tụi nhỏ học được tới đâu, mình lo tới đó"
Con đường nhỏ dẫn vào xóm ngã tư Kênh Đào thuộc Ấp 6, xã Khánh Hội, huyện U Minh hôm nay ít sình lầy vì trời nắng được 2 hôm. Đang loay hoay dẹp dọn mấy thùng dầu, thấy có khách ghé, anh Tô Thanh Dương ra trước nhà tiếp chuyện. Anh Dương trần tình: “Mấy hôm trước mưa gió lớn quá nên nằm ở nhà chớ không dám ra biển. Thấy trời ngưng bão mới mua mấy chục lít dầu để mai đi nữa chứ ở nhà hoài đói à. Với lại, lo kiếm thêm để sắm sửa cho 2 đứa nhỏ nhập học”.
Tô Khánh Băng (bên trái) luôn cố gắng học tập để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ. |
Nói là xóm chứ thật ra chỉ có 7 nóc nhà thôi, đường sá còn khó khăn nên xóm này dần bị tách biệt. Không đất sản xuất, sinh kế của các hộ dân nơi đây nhờ vào nghề biển. Thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn, nhưng nhà nào cũng quyết tâm cho con cái tiếp tục đến trường vì họ nghĩ chỉ có đi học mới mong đổi đời.
“Đời mình thất học nên giờ cực khổ. Có 2 đứa con nên tôi cố gắng cho ăn học đàng hoàng. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 3. Tụi nhỏ học được tới đâu mình lo tới đó, miễn chịu học là tôi mừng. Học gì cũng được, miễn sao đừng theo cái nghề của tôi, nguy hiểm lắm”, anh Dương tâm tình.
Ý thức được chuyện học hành là quan trọng với tương lai con trẻ nên dù kinh tế khó khăn nhưng không nhà nào để con bỏ học. Không chỉ phụ huynh quyết tâm cho con đến trường mà ngay cả các em cũng cố gắng nuôi dưỡng ước mơ con đường học vấn.
Tuy mới 9 tuổi nhưng Tô Khánh Băng làm cho người lớn chạnh lòng suy nghĩ. Khánh Băng nói: “Con thích được đi học để sau này lớn lên con sẽ trở thành bác sĩ. Và con muốn được chữa bệnh cho người nghèo”. Khi được hỏi vì sao Khánh Băng chỉ chữa bệnh cho người nghèo, Khánh Băng dúi mặt vào cha mà ngượng ngùng đáp: “Vì cha mẹ con nghèo nên con thấy vậy đó”.
Những ngày hè thú vị của các em nhỏ chỉ quanh quẩn mấy trò chơi đơn giản. Từ thùng giấy đựng mì, kéo, mấy món đồ chơi lượm được ngoài sông hay cuộn băng keo của cha… mà các em có những sáng tạo khá thú vị. Được xem là “kiến trúc sư” của xóm này, em Trần Hoàng Vẹn, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, bộc bạch: “Con thấy người ta làm cái này trên ti vi nên con học theo làm. Mỗi đứa trong xóm làm một công đoạn, cuối cùng ráp lại thành ngôi nhà lớn. Đứa nào trong xóm con cũng khoái chơi trò này”.
Một ngôi nhà giấy có đầy đủ tiện nghi sẽ là động lực để học sinh nghèo nơi xóm nhỏ viết tiếp ước mơ đến trường để sau này có điều kiện tạo dựng ngôi nhà thật sự cho mình và gia đình.
Từng ngày nuôi dưỡng
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Danh Mộng Nghi, người dân tộc Khmer, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, xã Khánh Hội luôn nỗ lực từng ngày, cố gắng phấn đấu vì tương lai. Nghi kể, gia đình em ở Ấp 7, xã Khánh Hội, khi em còn nhỏ thì cha qua đời, hơn 6 năm trước mẹ em cũng bước thêm bước nữa. Ngày mẹ theo chồng cũng là lúc Nghi phải về sống với dì em.
Nhà có 3 anh em, Nghi là nhỏ nhất. Hai anh lớn đủ tuổi lao động, đều tự bươn chải bằng nghề đi ghe mướn cho người ta, chỉ có em là phải sống với dì. Hoàn cảnh nhà dì của Nghi cũng không khấm khá gì, thiếu trước hụt sau nên Nghi phải đi làm thêm để phụ giúp.
Để có tiền trang trải việc học, Nghi đi lột mực mướn từ năm trước. Một tuần chỉ lột được ngày Chủ nhật, những ngày còn lại em dành cho việc học tập. Mộng Nghi tâm sự: “Lúc đầu, em cũng không biết lột, nhưng thấy người ta làm em học theo. Bữa nào làm chăm chỉ thì em kiếm hơn 100 ngàn đồng. Hè em làm suốt luôn, làm được bao nhiêu em gửi hết cho dì”.
6 năm qua, Nghi sống nương tựa vào dì, 2 anh của em lâu lắm mới ghé thăm em một lần. Hoàn cảnh khó khăn, Nghi luôn tự nhủ phải cố gắng học thật tốt, chăm chỉ đi làm để tiếp tục học tập. “Em thích làm cô giáo nên em phấn đấu học tập. Em chỉ sợ con đường đến trường không biết tới đâu”, Mộng Nghi lo lắng.
Thầy Lê Trí Thức, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Khánh Hội, chia sẻ: “Từ lúc Nghi học tiểu học, nhà trường rất quan tâm giúp đỡ vì hoàn cảnh của em gặp nhiều khó khăn. Khi em học lớp 3, nhà trường đã xin cho em một suất học bổng Lá Xanh để giúp em tiếp tục con đường đến lớp. Từ động lực đó, Nghi luôn đạt thành tích học tập tốt, 2 lần đạt Huy chương Bạc môn bơi lội và nhiều lần thi đấu tại tỉnh. Hy vọng Nghi sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ trên con đường học tập”./.
Hằng My