Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội... càng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, khi các thế lực thù địch ra sức chống phá với những thủ đoạn ngày càng tinh vi trên mạng xã hội như: Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, TikTok...
- Phụ nữ khẳng định tầm quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- Sách lý luận chính trị bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
- 40 tác phẩm xuất sắc đạt giải Cuộc thi chính luận Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
- Phát huy hệ thống chính trị cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
Mạng xã hội được ví như “con dao hai lưỡi”, vì những thông tin tích cực và xấu độc luôn đan xen, tràn lan, khó kiểm soát. Chính từ ưu thế nhanh, tiện lợi, kết nối toàn cầu... nên bọn phản động, các thế lực thù địch đã sử dụng mạng xã hội như một phương tiện phổ biến, hiệu quả để ra sức chống phá Ðảng và chế độ ta. Từ đó, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải thích nghi và sử dụng chính mạng xã hội để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Ban Chỉ đạo 35 TP Cà Mau trao thưởng các cá nhân đạt giải Cuộc thi viết Chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng năm 2024.
Xu hướng tất yếu
Thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đầu năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng Internet, chiếm 79,1% dân số. Ngoài ra, số lượng người dùng mạng xã hội cũng đạt con số 72,7 triệu người, tương đương 73,3% tổng dân số. Các ứng dụng điển hình như Facebook có 72,7 triệu người, YouTube có 63 triệu người, Instagram có 10,90 triệu người, TikTok có 67,72 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên tại Việt Nam.
Từ dữ liệu này cho thấy, Việt Nam có tổng số người sử dụng mạng xã hội tăng đều qua các năm, đã tạo nên một cộng đồng trên không gian mạng hết sức đông đảo, đa dạng, khác biệt về trình độ, tôn giáo, dân tộc, năng lực tiếp cận thông tin. Nắm bắt thời cơ này, bọn phản động, các thế lực thù địch thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm xuyên tạc, chống phá hệ tư tưởng của đất nước ta bằng các thủ đoạn rất tinh vi. Chúng dùng các bài viết, đoạn clip, hình ảnh... sai sự thật, dàn dựng theo kịch bản xấu xa, cắt ghép nội dung nhằm đánh tráo khái niệm, gây ngộ nhận, hiểu nhầm về chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước ta. Thâm độc hơn, chúng còn sử dụng lợi thế của công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động theo dõi, giám sát mạng, lấy cắp thông tin... để thực hiện âm mưu chống phá.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của không gian mạng, những năm qua Ðảng, Nhà nước ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương về bảo vệ Ðảng, Tổ quốc trên không gian mạng, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Ðảng ta trong tình hình mới. Theo đó, Ðảng ta cho rằng bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng rất rộng lớn, bao gồm cả xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, rộng khắp và phòng ngừa, ngăn chặn, làm thất bại mọi sự vi phạm, chống phá. Ðó là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Ðảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội, lợi ích quốc gia - dân tộc, nền văn hoá; giữ vững ổn định chính trị và môi trường không gian mạng, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ðồng thời, xác định lực lượng bảo vệ Ðảng, Tổ quốc trên không gian mạng là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Trong đó, Ðảng lãnh đạo; Nhà nước quản lý, điều hành; lực lượng vũ trang làm nòng cốt; lực lượng tác chiến trên không gian mạng, an ninh mạng và đấu tranh tư tưởng văn hoá là chuyên trách.
Cần chủ động, quyết liệt hơn nữa
Ðại hội XIII của Ðảng nhận định: “Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời, chưa đáp ứng được sự mong đợi của Nhân dân. Công tác đấu tranh, ngăn chặn các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời”. Vì vậy, để chủ động thích nghi, làm chủ mạng xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiệu quả hơn nữa, cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Thứ nhất, tuân thủ sự lãnh đạo của Ðảng về công tác tư tưởng, công tác thông tin, tuyên truyền là điều kiện tiên quyết về chính trị để đảm bảo an ninh tư tưởng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên không gian mạng xã hội, Ðảng cần tăng cường định hướng, hướng dẫn những người tham gia mạng xã hội từ công tác tổ chức, tuyên truyền và thực hành, để hệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội chiếm vị trí chủ đạo. Các phương tiện truyền thông chính thống của Ðảng phải đóng vai trò quan trọng trong định hướng tư tưởng trên mạng xã hội, góp phần lan toả những thông tin tích cực, đồng thời phản bác kịp thời những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Kiên quyết kiểm soát các thông tin xuyên tạc lịch sử Ðảng, đất nước, quân đội và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Thứ hai, tuyên truyền, phổ biến hệ tư tưởng chủ đạo trên mạng xã hội bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, tiến hành giải thích sâu sắc, dễ hiểu, có mục tiêu, định hướng. Tuyên truyền phải kịp thời, đúng sự thật, có tâm, có lý có tình, có sức thuyết phục, dễ đi vào lòng người. Công tác thông tin, tuyên truyền cần đặc biệt quan tâm đối tượng thanh - thiếu niên, vì đối tượng này luôn chiếm số lượng đông đảo và hoạt động rất tích cực trên không gian mạng. Vì vậy, cần nắm bắt tâm lý, sở thích của thanh - thiếu niên để đưa ra cách thức tuyên truyền phù hợp, hiệu quả, giúp họ đủ nền tảng kiến thức để nhận diện rõ các thông tin xấu độc, có đủ “sức đề kháng” để không bị xúi giục, lôi kéo đi theo hệ tư tưởng lệch lạc, xa lạ với truyền thống văn hoá của dân tộc.
Thứ ba, theo dõi, giám sát chặt chẽ những thay đổi trong hệ tư tưởng trên không gian mạng xã hội để kịp thời định hướng dư luận. Giữ vững sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, lấy mục tiêu phấn đấu vì sự phát triển của đất nước; giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân... làm phương châm tuyên truyền. Ðồng thời, tăng cường hoạt động đối thoại, nhất là hình thức đối thoại trực tuyến trên không gian mạng để làm sáng tỏ và phản bác những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu, “dắt mũi” dư luận của các thế lực thù địch, phản động.
Thứ tư, nâng cao vai trò, năng lực, trách nhiệm của lực lượng tuyên truyền trên mạng xã hội, nhất là nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật. Ðặc biệt, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân đưa thông tin sai sự thật, xấu, độc, vi phạm Luật An ninh mạng...
Thứ năm, đối với công chúng tham gia mạng xã hội hãy là công chúng thông minh. Vì không gian mạng được ví như môi trường sống thứ hai của con người trong xã hội hiện đại, đặt ra yêu cầu người tham gia phải có ý thức, trách nhiệm cao, ứng xử chuẩn mực không chỉ trong việc bày tỏ ý kiến, bình luận mà còn phải có thái độ đúng đắn trong đấu tranh, chống lại mưu đồ xấu của các thế lực thù địch, phản động. Trước những thông tin trái chiều thì cần bình tĩnh kiểm chứng qua những kênh thông tin chính thống; không vội vàng chia sẻ hay bình luận thiếu căn cứ hoặc tin theo một cách mù quáng./.
Ðỗ Chí Công