Ðấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động để bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và Nhân dân là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người con đất Việt, đó cũng chính là bảo vệ sự ổn định và phát triển của đất nước và dân tộc ta. Tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của dân tộc ta tạo thành khối đại đoàn kết mà hạt nhân lãnh đạo là Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động sẽ chiến thắng mọi kẻ thù, các thế lực phản động.
Tranh: Minh Tấn
Nhận diện luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Các thế lực phản động, thù địch, phần tử cơ hội thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, TikTok đăng tải các video, clip, các sự kiện, các vụ việc có thật về những khuyết điểm của một bộ phận nhỏ lực lượng cán bộ, đảng viên trong thực thi công vụ. Trên cơ sở đó, chúng kết luận, quy chụp, xuyên tạc cho đó là những việc làm của Ðảng, chính quyền. Thậm chí chúng lấy các bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên..., sau đó cắt ghép, lồng tiếng... tạo ra bản chất khác hoàn toàn với phiên bản gốc, gây cho người xem dễ nhầm lẫn, hiểu sai vấn đề, nhằm mục đích xuyên tạc, phản động, vu khống...
Trên nền tảng mạng xã hội, nhất là mạng Facebook, TikTok, YouTube... chúng lập ta các kênh truyền hình, truyền thông với các tên và biểu tượng, logo giống Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, hoặc các đài địa phương có lượng khán giả theo dõi đông, cho phát tán các video, clip, các phóng sự, phỏng vấn mà người trả lời phỏng vấn, người biên tập, kịch bản... đều do chúng tạo ra với nội dung phản động, xuyên tạc, kêu gọi, kích động người xem chống đối, gây rối, phá hoại chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Một bộ phận thanh thiếu niên, người dân thiếu hiểu biết, rất dễ ngộ nhận cho rằng đó là các kênh truyền thông chính thống, nên đăng ký theo dõi kênh. Với thủ đoạn đó, chúng có thể từng bước lôi kéo, nhồi nhét những tư tưởng phản động, cực đoan cho người xem.
Ðặc biệt, chúng sử dụng các vụ việc “nóng” đang diễn ra trong nước để lôi kéo một bộ phận người dân theo dõi các kênh do chúng lập ra, nhờ đó chúng dễ dàng lồng ghép các luận điệu xuyên tạc, phản động làm cho người xem ngộ nhận, dẫn đến nhận thức sai lệch, thiếu khách quan; nguy hiểm hơn là trở thành các đối tượng tuyên truyền, quảng bá các kênh phản động của chúng.
Luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội còn thể hiện ở chỗ lấy một số vụ việc, một số cá nhân vi phạm kỷ luật, vi phạm đạo đức công vụ, tha hoá, biến chất, tham nhũng... (đã bị các cơ quan Nhà nước xử lý), để chứng minh cho các nhận định phản động, xuyên tạc của chúng. Trên cơ sở đó, chúng quy kết, nói xấu chế độ, nói xấu cán bộ, đảng viên. Ðiều này, đối với những người thiếu hiểu biết, rất dễ nhận thức sai lệch...
Tích cực đấu tranh, phản bác các luận ðiệu xuyên tạc, phản động
Xuất phát từ nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phản động và cách thức thực hiện của các thế lực phản động trên không gian mạng, chúng ta cần nghiên cứu đề ra các giải pháp nhằm đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, phản động, bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chính nghĩa một cách kịp thời, đúng đắn.
Thứ nhất, chúng ta cần có lực lượng, đội ngũ cán bộ tuyên truyền giỏi về lý luận, thực tiễn, hiểu biết về các trang mạng xã hội để kịp thời theo dõi, phát hiện các trang thông tin, kênh truyền hình, trang Facebook, kênh YouTube, TikTok... do các thế lực phản động lập ra để cảnh báo, khuyến cáo mọi người dùng mạng xã hội đề cao cảnh giác, không tham gia đăng ký, theo dõi các trang này.
Thứ hai, cần có những cá nhân, người dùng mạng xã hội có hiểu biết nhất định về các đối tượng phản động để có thể lật tẩy những chiêu bài, luận điệu xuyên tạc, phản động thông qua phân tích, đánh giá về chính lý lịch, trình độ học vấn, tác phong... từ đó có thể tuyên truyền, chỉ ra các điểm bất hợp lý trong những thông tin, nhận định, đánh giá mà chúng cung cấp. Nếu làm được như vậy, người dân sẽ hiểu rõ về bản chất của những phần tử phản động và những luận điệu xuyên tạc mà chúng tuyên truyền.
Thứ ba, trong thời đại công nghệ 4.0, mạng xã hội phát triển nhanh, nhiều người thường xuyên xem thông tin qua các trang mạng xã hội, việc xem đài, báo, tivi, các trang thông tin truyền thông ít được chú ý nên công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước cũng bị hạn chế. Do đó, cán bộ, đảng viên, viên chức, giáo viên, đoàn viên thanh niên phải là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước trên không gian mạng.
Thứ tư, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh niên... cùng chung sức, chung lòng kiên quyết đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch thông qua việc vận động người thân, bạn bè trước tiên là không theo dõi, chia sẻ các trang werb, block đăng thông tin, sự việc tiêu cực, hành vi phản cảm, các clip cực đoan ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, thái độ; ảnh hưởng đến nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ảnh hưởng tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, lòng tin vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta.
Thứ năm, mọi người thường xuyên theo dõi nắm bắt thông tin chính trị, tình hình an ninh trật tự của quê hương đất nước, ủng hộ lan toả, chia sẻ các thông tin bổ ích, các câu chuyện tử tế, cảm động, những hành động đẹp, những cá nhân biết cống hiến cho quê hương, đất nước để lan toả những thông điệp tích cực.
Bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước và Nhân dân trước các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên không gian mạng xã hội là một quá trình lâu dài, thường xuyên, phải kịp thời và có các biện pháp phù hợp. Ðối với giáo dục, thầy cô giáo phải là lực lượng nòng cốt, vừa làm vai trò tuyên truyền, giáo dục, vừa làm công tác dân vận thật khéo léo, có bài bản, không giáo điều, sách vở, lý luận suông mà phải gần gũi, nắm bắt thông tin, định hướng đúng đắn giúp các em học sinh biết phân biệt thật, giả, phân biệt các trang mạng, các kênh truyền thông phản động nước ngoài, các luồng thông tin xuyên tạc, vu khống để các em học sinh hình thành ý thức, trách nhiệm, văn hoá dùng mạng xã hội, tránh xa các thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc, phản động. Ðồng thời, bản thân các em sẽ trở thành lực lượng hiệu quả trong công tác đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, phản động của kẻ thù. Thông qua các em, có thể tuyên truyền, vận động gia đình cùng đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, góp phần bảo vệ Ðảng, bảo vệ chế độ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Lê Trọng Minh