(CMO) Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được Ðảng ta nhất quán xác định ngay từ khi ra đời (ngày 3/2/1930) và kiên định thực hiện bằng xương máu, trí tuệ, tình cảm của bao thế hệ người Việt Nam. Ðó là sự lựa chọn đúng đắn của Ðảng, Bác Hồ và Nhân dân ta.
Nhờ đó, cách mạng Việt Nam làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa cả nước vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Vậy nhưng, vẫn có những luận điệu xuyên tạc, phê phán con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, mưu toan gieo rắc tâm lý hoài nghi, gây bất ổn xã hội. Những luận điệu đó cần nhận diện, đấu tranh, phản bác...
Tranh: Minh Tấn |
Nhận diện luận điệu xuyên tạc
Một trong những luận điệu quen thuộc của các thế lực thù địch là đòi Ðảng ta, Nhân dân ta từ bỏ mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng “đó là con đường sai lầm, dẫn dân tộc đến đường cùng, ngõ cụt”. Rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung, Ðảng Cộng sản đã hết vai trò lịch sử, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội khác nào đi vào vết xe đổ của Liên Xô và Ðông Âu.
Vào các kỳ đại hội Ðảng, họ viết “thư ngỏ” với hàng chục, thậm chí hàng trăm chữ ký nhân danh nhà cách mạng, nhà yêu nước, nhà dân chủ để yêu cầu Ðảng và Nhà nước ta “thức tỉnh” dẫn dắt dân tộc đi theo con đường khác. Họ khuyên ta nên theo mô hình “xã hội dân chủ”, thực hiện “đa nguyên chính trị”, xoá bỏ Ðiều 4 của Hiến pháp, thay đổi Cương lĩnh và từ bỏ chủ nghĩa xã hội. Họ cảnh báo Ðảng ta bao nhiêu năm theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đẩy đất nước rơi vào “tình thế hiểm nghèo”, “khủng hoảng toàn diện”, nếu không bỏ con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thì đất nước, dân tộc sẽ mãi chìm đắm trong nghèo nàn, lạc hậu...
Ðây thực sự là những luận điệu phi lịch sử, phản động, có mục đích, ý đồ rõ ràng, làm cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoài nghi, mơ hồ, dao động, suy giảm niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, là tác nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, tạo thời cơ để các thế lực thù địch tác động, chuyển hoá thể chế chính trị, gây bất ổn xã hội, cuối cùng là lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Sự thật không thể bóp méo
Sự thật rằng, C.Mác, Ph.Ăngghen, Lênin là những nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Những tiên lượng của chủ nghĩa Mác về xã hội tương lai có giá trị khoa học, cách mạng, phù hợp với xu thế vận động và phát triển của thời đại.
Trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, Việt Nam không sao chép mô hình của Liên Xô và Ðông Âu, chúng ta chỉ học tập kinh nghiệm và vận dụng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Mặt khác, khi thực hiện công cuộc đổi mới, Ðảng ta xác định rõ các nguyên tắc để đảm bảo đúng định hướng, trong đó trọng tâm là đổi mới về tư duy kinh tế và nhất quán quan điểm đổi mới chứ không đổi màu. Quan điểm đánh đồng đổi mới của Việt Nam với cải tổ và cải cách ở Liên Xô và Ðông Âu là thiếu khách quan, là sai lầm có dụng ý.
Nhìn lại hơn 35 năm đổi mới, có thể thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã sáng rõ hơn. Ðất nước giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử: chính trị - xã hội ổn định; kinh tế phát triển; quốc phòng an ninh được giữ vững; đối ngoại mở rộng; vị thế và vai trò của Việt Nam được khẳng định và nâng cao, tạo thế và lực để nước ta tiếp tục hướng đến mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
Ðó là minh chứng khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và quy luật phát triển khách quan của xã hội loài người. Ðồng thời là minh chứng rõ ràng nhất để bác bỏ quan điểm cho rằng, đất nước ta đang rơi vào “tình thế hiểm nghèo”, “khủng hoảng toàn diện” như những lời rêu rao của các thế lực thù địch, phản động.
Chúng ta không phủ nhận, trong quá trình phát triển, đất nước còn những hạn chế, yếu kém cả về kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức hay sự lãnh đạo, quản lý nhất định nhưng đó là khuyết điểm, hạn chế trong quá trình phát triển. Cả hệ thống chính trị luôn trăn trở, tìm giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó. Cũng phải nói thêm rằng, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Giai đoạn này như C.Mác, Ph.Ăngghen dự báo không tránh khỏi những “cơn đau... kéo dài”, cần trí tuệ, bản lĩnh, sức mạnh để vượt qua.
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nhất quán mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; thường xuyên xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ Nhân dân; tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở từng cấp, từng ngành là câu trả lời rõ ràng cho con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta./.
Nguyễn Văn Kiều