ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 23:51:26
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phân luồng học sinh để ôn tập hiệu quả

Báo Cà Mau (CMO) Kỳ thi THPT năm nay có nhiều thay đổi so với mọi năm. Trước tình hình đó, các trường THPT trên địa bàn tỉnh chủ động lên kế hoạch song hành hoàn thành chương trình chính khoá, cùng đó là luyện thi ôn tập cho học sinh, từng bước phân luồng học sinh để đạt kết quả thi cao nhất.

Phân luồng theo học lực người học

Tại Trường THPT Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, để đảm bảo lượng kiến thức cho học sinh, nhà trường lên lịch học chính khoá vào buổi sáng và tổ chức ôn tập, luyện thi vào buổi chiều đối với khối 12.
Ngay sau bộ đề thi minh hoạ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, giáo viên bám sát vào bộ đề, đồng thời giảm số tiết ôn tập trên mỗi môn và mỗi tuần để học sinh có thể tự ôn tập tại nhà.

Thầy Duyên Văn Hiền, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Thời, thông tin: “Để tạo điều kiện cho học sinh đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới, nhà trường tiến hành phân luồng học sinh theo sức học và nguyện vọng. Buổi sáng các em sẽ học theo lớp cũ bình thường, buổi chiều phân chia lại các lớp theo học lực để tiến hành ôn tập theo năng lực của từng lớp. Nhìn chung, phần lớn học sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường đã công bố sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, chỉ số ít học sinh có nguyện vọng vào các trường có tổ chức thi riêng, khoảng 20/389 học sinh”.

Hiện tại, một số trường khu vực ĐBSCL như Đại học Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Bình Dương, Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau... đã khởi động công tác tư vấn tuyển sinh. Theo đó, nhà trường tạo điều kiện dành 15 phút đầu giờ để thông báo đến các em nắm thêm thông tin tuyển sinh chọn ngành học cho phù hợp.

“Mỗi tuần, lịch học chính khoá sẽ dành 1 tiết để hướng nghiệp cho học sinh, giáo viên sẽ tập trung định hướng cho các em lựa chọn những trường phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng... để thi vào, chẳng hạn như đại học, cao đẳng, học nghề. Đến thời điểm này, đa phần học sinh đều đã định hướng được nghề nghiệp, nhưng băn khoăn ở chỗ là chọn trường nào cho phù hợp nhất để theo học”, thầy Hiền chia sẻ.

Sắp tới, nhà trường tiến hành 2 cuộc thi thử để đánh giá năng lực học sinh, lần 1 tổ chức vào đầu tháng 6, sau đó lấy kết quả đối chiếu, xem xét học sinh thiếu, chưa vững kiến thức phần nào để tiếp tục tăng cường ôn tập. Trong tháng 7 sẽ áp dụng bộ đề của Sở Giáo dục và Đào tạo để tiến hành thi thử lần 2 trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Song hành hoàn thành chương trình chính khoá, các trường trên địa bàn tỉnh vạch ra chiến lược ôn tập, luyện thi phù hợp cho học sinh khối 12.

Tâm lý khá thoải mái cho kỳ thi quan trọng sắp tới, em Trần Thị Cẩm Linh, lớp 12C4, Trường THPT Trần Văn Thời, cho biết: “Mục tiêu của em là thi vào Trường Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh, chính vì thế các môn em đặt nặng sẽ là Toán, Lý, Hoá. Song hành cùng việc học trên lớp, ôn tập tại trường, em vẫn duy trì tự học ở nhà thông qua các phần mềm hỗ trợ, luyện các bộ đề thi để đạt kết quả mong muốn”.

Dồn sức cho giai đoạn nước rút

Tại thời điểm này, đa phần các trường đang trong giai đoạn nước rút hoàn thành chương trình học kỳ 2. Điểm thuận lợi cho các trường đều thực hiện đồng bộ các biện pháp tinh giảm kiến thức chương trình học chính khoá, đáp ứng yêu cầu  cơ bản của kỳ thi năm nay.

Đối với Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, Phường 5, TP Cà Mau, lượng học sinh khối 12 chiếm khá ít, 85/289 học sinh nên việc phân luồng, hoạch định thời khoá biểu, ôn tập khá thuận lợi. Đối với kỳ thi năm nay, không chỉ tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp, nhà trường kỳ vọng học sinh trúng tuyển vào các trường đại học điểm sẽ nhiều hơn mọi năm.

Ông Nguyễn Đình Bộ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, cho biết: “Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ kết thúc chương trình học trước ngày 15/7, thời gian này, nhà trường cùng giáo viên bộ môn sắp xếp lịch học, thời gian học, không phân biệt môn chính, môn phụ vẫn học đầy đủ căn cứ vào nội dung của từng môn để giảm tải hợp lý”.

Thầy Trần Văn Lành, Tổ trưởng Tổ Toán Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, cho biết: “Hiện kế hoạch ôn tập vẫn bám sát vào bộ đề thi thử được đưa ra, từ đây đến giai đoạn thi còn khá nhiều thời gian nên cả thầy và trò không quá áp lực. Phương án tốt nhất vẫn là phân loại học lực kết hợp với tư vấn tuyển sinh theo năng lực để các em tự nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra ban đầu”.

Vạch ra mục tiêu cho bản thân vào Trường Đại học An ninh Nhân dân từ những năm đầu cấp, em Đoàn Trọng Nguyễn, lớp 12A, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner luôn theo dõi, cập nhật thông tin tuyển sinh của trường. “Bản thân em luôn chú trọng việc tự học và tự ôn tập, tự định hướng cho mình thời gian biểu phù hợp với lịch học ở trường. Thời điểm này, dịch bệnh đã có phần lắng xuống, em có thể thoải mái tự lập các nhóm để gặp gỡ và trao đổi kiến thức. Em tự tin với nền kiến thức sẵn có”.

Nộp hồ sơ vào Trường Đại học Kinh tế Luật TP Hồ Chí Minh, khối D, em Dương Thị Thuý Vy, lớp 12A, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner, chia sẻ: “Em vẫn tiếp tục ôn tập và theo dõi công bố mới nhất thông tin của trường mà em đã chọn để sẵn sàng cho phương án lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển hay tổ chức thi riêng”./.

Ngô Nhi

Liên kết hữu ích

Khơi gợi niềm tự hào, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Giáo dục truyền thống trong học đường được các trường xác định là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục. Theo đó, hằng năm, các trường đều xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động giáo dục thực tiễn như: văn hoá, văn nghệ ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước; hành trình về nguồn, kết nạp Ðảng, Ðoàn, Hội, Ðội tại các khu di tích lịch sử cách mạng; tri ân, đền ơn đáp nghĩa hướng về cội nguồn dân tộc, thu hút đông đảo giáo viên và học sinh tham gia; đồng thời lồng ghép nội dung này vào chương trình giảng dạy.

Tiếng lòng từ thầy của những... người thầy

Công việc giảng dạy của những người thầy được ví như đưa đò tri thức. Cứ mỗi chuyến đò cập bến là đong đầy niềm vui lẫn trăn trở khôn nguôi. Thầm lặng chèo đò, chở những mảnh ghép tri thức vun đắp cuộc đời, đến khi nghỉ hưu, rời xa tiếng trống trường, những nhà giáo ấy vẫn cứ dõi theo công việc giảng dạy của thế hệ sau, về những bước phát triển của ngành giáo dục tỉnh nhà, lẫn niềm xúc động bồi hồi mỗi khi đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cậu học trò đam mê Tin học

Ðam mê Tin học, cộng với đức tính cần cù, chăm chỉ trong rèn luyện và học tập, cậu học trò Cao Nguyên Khang, Lớp 12A, Trường THPT U Minh, thị trấn U Minh, không chỉ duy trì thành tích học sinh khá giỏi mà còn sở hữu nhiều thành tích ấn tượng tại các cuộc thi Tin học.

Phạm Ðức Thuận và giải thưởng Ðại sứ Văn hoá đọc

Chọn đề tài viết tiếp tác phẩm "Bến quê" của Nhà văn Nguyễn Minh Châu và đề xuất nhiều sáng kiến, kinh nghiệm phát triển văn hoá đọc cho học sinh vùng sâu, vùng xa, Phạm Ðức Thuận, Lớp 10A1, Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi) đoạt giải Khuyến khích toàn quốc cuộc thi Ðại sứ Văn hoá đọc năm 2024.

Trao 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh

Ngày 16/11, tại trường THCS Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi), Đoàn khối Dân chính đảng phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau trao tặng 11 suất học bổng, 50 suất quà cho học sinh trong chương trình Nâng bước đến trường.

Gặp gỡ hai thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm

Thầy Phạm Việt Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Ðầm Dơi (huyện Ðầm Dơi), cho biết, nhà trường vừa đón nhận niềm vui có hai em học sinh của trường là thủ khoa đầu vào ngành Sư phạm. Cụ thể, em Nguyễn Hải Ðăng, thủ khoa ngành Sư phạm Toán học tại Trường Ðại học Cần Thơ và em Bùi Hải An, thủ khoa ngành Sư phạm Lịch sử - Ðịa lý tại Trường Ðại học Sài Gòn.

Nâng chất giáo dục mầm non

Huyện Ngọc Hiển có 8 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, với tổng số hơn 1.600 trẻ theo học. Những năm qua, huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học, sân chơi cho trẻ theo hướng ngày càng chuẩn hoá, đáp ứng điều kiện chăm sóc, giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động trẻ đến trường.

Gương sáng cô giáo Trần Hồng Măng

Những năm qua, Chi uỷ Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên, thị trấn U Minh, huyện U Minh luôn quan tâm chỉ đạo đảng viên trong trường nghiêm túc thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xem đây là một trong những phong trào thi đua thiết thực từng năm học. Quá trình thực hiện, trong Chi bộ đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến, cô giáo Trần Hồng Măng là một trong số đó.

Học để thoát nghèo

Cái nghèo đeo bám gia cảnh khiến giấc mơ nối dài con đường học tập của những bạn trẻ này không hề dễ dàng. Biến khó khăn thành động lực phấn đấu, hành trang bước vào đời là sự cố gắng không ngừng, cùng những vòng tay nhân ái luôn che chở - tất cả đã tạo nên sức mạnh để các bạn bước tiếp trên hành trình chinh phục tri thức.

Giáo dục sức khoẻ giới tính trong học đường

Nhằm thực hiện công tác giáo dục sức khoẻ giới tính trong lứa tuổi vị thành niên, thời gian qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ) đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp, cung cấp kiến thức về vấn đề giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.