Thay đổi phương pháp dạy - học theo quan điểm lấy người học làm trung tâm đang được ngành giáo dục đẩy mạnh nhằm phát huy tính độc lập, tích cực của học sinh, sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Quá trình này cần sự quan tâm, nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của cả người dạy và người học mới có thể tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động dạy học, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người trong xã hội.
Thay đổi phương pháp dạy - học theo quan điểm lấy người học làm trung tâm đang được ngành giáo dục đẩy mạnh nhằm phát huy tính độc lập, tích cực của học sinh, sinh viên trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Quá trình này cần sự quan tâm, nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ của cả người dạy và người học mới có thể tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động dạy học, đáp ứng yêu cầu đào tạo con người trong xã hội.
Tính tích cực của người học trong quá trình học là yếu tố quan trọng để hình thành nên kỹ năng, phương thức làm việc của con người trong tương lai. Khi người học chủ động tìm kiếm kiến thức, rèn luyện kỹ năng cũng như biết được những phần kiến thức nào mình còn thiếu thì sẽ học tập có hiệu quả hơn, tìm cách lấp đầy những khoảng trống tri thức trong quá trình học tập. Ngoài ra, tính tích cực, chủ động sẽ thúc đẩy người học tự giác học tập suốt đời. Từ đó, người học sẽ thích nghi được với mọi môi trường làm việc.
Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế trong giờ thực hành trên mô hình. Ảnh: TRẦM NGHĨ |
Theo truyền thống giáo dục từ xưa để lại, người học có xu hướng phát triển kỹ năng nghe, đọc, viết, riêng kỹ năng nói thì ít được quan tâm. Cho đến ngày nay, mặc dù đã có nhiều thay đổi về phương pháp, nhưng do thời gian trên lớp hạn chế cộng với khối lượng chương trình nhiều, để chạy kịp chương trình, giáo viên chỉ truyền đạt kiến thức là chính, thỉnh thoảng mới đặt câu hỏi cho học sinh.
Bên cạnh đó, lớp học đông là một trở ngại lớn để giáo viên có thể áp dụng phương pháp dạy học tích cực, phát huy khả năng làm việc độc lập của người học. “Sinh viên có xu hướng ngại phát biểu vì sợ nói sai sẽ bị bạn cười. Nhưng trong quá trình dạy học, tôi thường xuyên hỏi lại những kiến thức trước đó và khuyến khích sinh viên phát biểu, lúc đầu còn e ngại, nhưng sau một thời gian, các em mạnh dạn hơn, siêng năng phát biểu cũng như trao đổi bài với giáo viên và bạn học”, giáo viên Trần Hồng Kiểm chia sẻ.
Ðể phát huy tính tích cực của người học, người dạy giữ một vai trò rất quan trọng, vừa là người truyền đạt kiến thức nhưng cũng là người huấn luyện, giám sát, giúp đỡ những khi cần thiết. Trong quá trình tổ chức dạy học, giáo viên phải thường xuyên khuyến khích, tạo điều kiện để sinh viên bày tỏ quan điểm của mình, đặc biệt là những sinh viên yếu, vẫn còn nhút nhát, e dè. Một cách để giúp người học tự tin là giáo viên không vội đưa ra quan điểm đúng hay sai mà cứ để sinh viên tự do bày tỏ quan điểm của mỗi người, sau đó, giáo viên sẽ bổ sung những kiến thức nào mà sinh viên còn thiếu. Dần dần, người học sẽ hình thành được thói quen, mạnh dạn phát biểu đóng góp ý kiến cho bài học.
Và, để sinh viên phát biểu đóng góp bài có hiệu quả, giáo viên cần hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu tham khảo trước khi đến lớp. Từ đó, hình thành được ở người học thói quen tự đọc tài liệu, tự tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Ngoài việc khuyến khích sinh viên phát biểu đóng góp xây dựng bài, giáo viên cần tạo môi trường để sinh viên rèn luyện và phát huy thông qua những bài tập, các buổi thảo luận chuyên đề… nhằm rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, sắp xếp, phân công công việc… Với những kinh nghiệm tích luỹ được, người học sẽ vững vàng, tự tin hơn khi bắt tay vào công việc cụ thể.
Trong chương trình đào tạo học sinh, sinh viên ngành y, dược tại Trường Cao đẳng Y tế Cà Mau, ngoài thời gian học tập trên giảng đường, đi thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, thực tế ở trạm y tế và bệnh viện tuyến huyện, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên có thể phát triển toàn diện. Trong đó, những buổi bình bệnh án, quy trình được tổ chức định kỳ để sinh viên tham gia trao đổi kiến thức và kỹ năng trong chẩn đoán, chăm sóc người bệnh, giao tiếp với bệnh nhân. Những buổi học này hoàn toàn được sinh viên chủ động báo cáo và thảo luận dưới sự giám sát và hỗ trợ của giáo viên. Ðể chuẩn bị báo cáo và thảo luận, sinh viên phải tự nghiên cứu kỹ các tài liệu nhằm bổ sung nguồn kiến thức cho bản thân, thiết kế bài báo cáo hợp lý, hấp dẫn.
Trước khi đi thực tập ở các bệnh viện, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng thao tác trên bệnh nhân giả ở các phòng thực hành của trường. Trong quá trình thực hành, sinh viên sẽ nhận ra được những kiến thức nào còn thiếu để bổ sung, những thao tác nào chưa thuần thục thì tiếp tục tập luyện để có thể tự tin khi thao tác trên bệnh nhân thật. Những vấn đề nào chưa rõ, sinh viên có thể thảo luận với nhau hoặc hỏi ý kiến giáo viên để được hướng dẫn thêm. Mặc dù chương trình học khối ngành y, dược rất nặng nề, nhưng phần lớn giáo viên đều ý thức được tầm quan trọng của việc phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên, quan tâm và tạo môi trường để cho sinh viên phát triển, cũng như thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp theo hướng phát triển tính độc lập, tự giác của sinh viên./
Nhật Huỳnh