(CMO) Ngày nay, lực lượng đảng viên trong các cơ sở giáo dục ngày càng lớn mạnh, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Những thách thức mới
Một trong những đối tượng các thế lực thù địch nhắm đến là học sinh. Hiện nay, đa số học sinh được phụ huynh trang bị máy vi tính, điện thoại thông minh để thuận lợi trong việc học tập. Tuy vậy, ngoài những tiện ích, việc sử dụng các phương tiện trên cũng đặt ra nhiều thách thức khi ở độ tuổi này, các em chưa đủ nhận thức để nhận diện được những thông tin xấu, độc. Ðó là chưa kể, học sinh có nguy cơ nghiện game, nghiện Online, dẫn đến việc giảm đi sự tiếp xúc với xã hội và những thói quen tốt. Những hành vi tưởng chừng như bình thường, vô hại như động tác chạm tay like, share hay comment sẽ trở nên không bình thường, gây hại, đôi khi vi phạm pháp luật nếu các em chưa suy nghĩ một cách chín chắn.
Mặt khác, các thế lực thù địch tạo ra các diễn đàn trên mạng để các em truy cập và định hướng bình luận theo hướng tiêu cực, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất niềm tin, phương hướng. Chúng phát tán các ấn phẩm đồi truỵ, bạo lực, cổ suý cho lối sống thực dụng làm tha hoá con người, khơi dậy ham muốn bản năng, chạy theo hưởng lạc, không chịu học tập, làm việc và cống hiến. Ðây thật sự là âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch, chúng rắp tâm "tẩm độc" cho những mầm non tương lai của đất nước ta.
Giáo viên không chỉ giáo dục, giảng dạy kiến thức chuyên môn của chương trình học mà còn giúp học sinh cập nhật, nhận diện được quan điểm sai trái, thù địch chống phá Ðảng, Nhà nước, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, hướng các em tới việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ảnh: BĂNG THANH |
Giáo dục từ môi trường học đường
Ðể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, người giáo viên cần:
Thứ nhất, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, không hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Nhận diện được và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
Thứ hai, có sự hiểu biết khoa học, thấu đáo về lý luận và lịch sử chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Muốn vậy, phải nghiên cứu công phu, có hệ thống, trên quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm phát triển, kết hợp các phương pháp khoa học chuyên ngành và liên ngành để nắm được bản chất, đặc điểm và các giá trị bền vững trong di sản kinh điển mác-xít. Riêng với tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh phải nghiên cứu các tác phẩm lý luận và hoạt động thực tiễn vô cùng phong phú của Người trong hơn 6 thập kỷ hoạt động cách mạng.
Thứ ba, với những kiến thức chuyên môn của bản thân, với nhận thức về lý luận cách mạng, chính trị, niềm tin vào lý tưởng cách mạng thì người giáo viên không chỉ giáo dục, giảng dạy kiến thức chuyên môn của chương trình học mà còn giúp học sinh cập nhật, nhận diện được quan điểm sai trái, thù địch chống phá Ðảng, Nhà nước, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, hướng các em tới việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Trong chương trình giáo dục hiện nay có rất nhiều nội dung bài học của các môn học khác nhau được tích hợp thêm vào nội dung giáo dục nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các em, như: Môn Ðịa lý trong chương trình Ðịa lý lớp 12 - từ nội dung các bài học, giáo viên có thể mở rộng giáo dục thêm, phân tích cho học sinh thấy rõ nền tảng tư tưởng của Ðảng ta, tuy có sai lầm trong giai đoạn mới cải cách kinh tế nhưng Ðảng ta đã kịp thời điều chỉnh và phát triển như ngày hôm nay. Trong chương trình Ðịa lý lớp 11 - từ nội dung các bài học, giáo viên có thể phân tích và khẳng cho học sinh thấy tại sao Liên bang Xô Viết sụp đổ, Ðảng cộng sản trên thế giới suy yếu nhưng đối với Việt Nam thì chủ nghĩa Mác - Lênin cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là nền tảng của Ðảng.
Môn hoạt động ngoài giờ lên lớp trong chương trình lớp 10, 11, 12 phần lớn nội dung bài học đều được tích hợp thêm các mẩu chuyện đời thường về Bác Hồ. Qua các mẩu chuyện về Bác, giáo viên có thể phân tích cho học sinh thấy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong lãnh đạo Ðảng, đất nước tiến lên xã hội chủ nghĩa. Từ đó, hướng học sinh trước hết học theo Bác về phong cách làm việc, học tập..., sau đó làm theo Người từ những việc nhỏ nhất.
Ðặc biệt, đối với môn Lịch sử, từ nội dung các bài học, giáo viên không chỉ cho học sinh thấy được sự thắng lợi của quân và dân ta trong các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước, mà giáo viên phân tích cho học sinh hiểu tại sao ngày xưa quân và dân ta thà hy sinh tất cả để giành độc lập? Và đặc biệt giải thích rõ cho học sinh thấy được Việt Nam vận dụng thành công chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Thứ tư, ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy các bộ môn khác nhau, giáo viên còn một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là chủ nhiệm lớp. Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi các em nhiều nhất khi ở trường, được các em tin tưởng, tương tác với các em nhiều nhất. Giáo viên chủ nhiệm hướng các em đến những nhận thức đúng; nhận định cái nào sai, cái nào đúng khi các em tiếp nhận thông tin từ các nguồn khác nhau, nhất là trên không gian mạng (nơi mà các thế lực thù địch đang hoạt động mạnh); khuyến khích các em mạnh dạn đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và tự trang bị vốn kiến thức, hiểu biết để “tự miễn dịch” với những thông tin xấu, độc./.
Võ Diễm Hậu