Năm học 2014-2015, các trường tiểu học trong tỉnh bắt đầu triển khai giảng dạy môn mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch. So với cách dạy truyền thống gò bó học sinh phải vẽ theo khuôn mẫu, phương pháp mới lấy học sinh làm trung tâm, nội dung dạy học được xây dựng thành 7 quy trình với rất nhiều hoạt động, đã giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng sống và hứng thú hơn với tiết học.
Năm học 2014-2015, các trường tiểu học trong tỉnh bắt đầu triển khai giảng dạy môn mỹ thuật theo phương pháp của Đan Mạch. So với cách dạy truyền thống gò bó học sinh phải vẽ theo khuôn mẫu, phương pháp mới lấy học sinh làm trung tâm, nội dung dạy học được xây dựng thành 7 quy trình với rất nhiều hoạt động, đã giúp học sinh phát huy khả năng sáng tạo, kỹ năng sống và hứng thú hơn với tiết học.
Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (TP Cà Mau) triển khai dạy môn Mỹ thuật theo phương pháp mới từ học kỳ II của năm học 2014-2015. Thầy Nguyễn Hùng Sơn, Phó Hiệu trưởng, nhận xét, phương pháp học mới tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức đã học để làm ra sản phẩm bằng những thứ sẵn có, qua đó kích thích việc khám phá của học sinh để ứng dụng học trong học tập và cuộc sống. Cách học mới này kích thích tất cả học sinh đều phải làm việc, hào hứng hơn như thể vừa học, vừa chơi, giáo viên chỉ giữ vai trò hướng dẫn và đưa ra đề tài cho các em.
Vẽ biểu cảm theo chủ đề giúp học sinh phát huy tính sáng tạo và thể hiện năng lực, kỹ năng sống. (Ảnh chụp tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau). |
Với phương pháp này, giáo viên đưa các quy trình giáo dục mỹ thuật dựa trên các chủ đề đồng thời mang tính tích hợp vào bài giảng và nêu bật vai trò của ngôn ngữ mỹ thuật trong cuộc sống. Bên cạnh đó, giúp học sinh phát triển các năng lực sáng tạo và giao tiếp bằng mỹ thuật, qua đó các em có cơ hội phát triển kỹ năng sống và các năng lực khác nhau như cảm thụ, nghiên cứu, trải nghiệm, hợp tác, giải quyết vấn đề, giao tiếp, tự học, tự đánh giá, cùng tạo lập và làm giàu văn hoá của mình.
Em Dương Lâm Bảo Ngọc, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Lê Qúy Ðôn, chia sẻ: “Môn học tạo cho tụi em sự thích thú vì được thể hiện sự yêu thích bản thân và vẽ bằng cảm xúc. Ðặc biệt khi tham gia các hoạt động vẽ tranh hay tạo hình nhóm, tụi em đoàn kết cùng vẽ, chia ra từng công việc cụ thể cho mỗi bạn theo chủ đề thầy, cô đưa ra như: vẽ về môi trường, về an toàn giao thông… Qua đó, tụi em học được cách làm việc nhóm, tự sáng tạo theo cảm nhận riêng nhưng phù hợp chủ đề”.
Ðiểm mới của dạy học theo phương pháp này là môn học mỹ thuật được đổi thành hoạt động mỹ thuật, được tổ chức theo 7 quy trình với mỗi quy trình được xây dựng bởi rất nhiều hoạt động: vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện, vẽ biểu cảm, trang trí và vẽ tranh qua âm nhạc, xây dựng cốt truyện, tạo hình 3D - tiếp cận theo chủ đề (tạo hình dáng bằng vật liệu tìm được), điêu khắc - nghệ thuật tạo hình 3D (nghệ thuật sắp đặt/hoạt cảnh/biểu cảm và sắm vai), tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn.
Ông Hồ Thành Nhựt, chuyên viên Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ÐT, cho biết, trước khi triển khai dạy môn mỹ thuật theo phương pháp Ðan Mạch, trong hè, ngành GD&ÐT đã đưa 8 chuyên viên, giáo viên cốt cán của tỉnh đi tập huấn tại TP Hồ Chí Minh; sau đó triển khai cho toàn thể giáo viên dạy môn Mỹ thuật ở cấp tiểu học dứt điểm trước tháng 11/2014. Mặc dù được toàn quyền lên kế hoạch giảng dạy và thay vì phải dạy theo thời khoá biểu và theo thời gian của cách dạy truyền thống là 35-40 phút/tiết, giáo viên mỹ thuật được phép đề nghị dạy liên tục 2-3 tiết phù hợp theo chủ đề bài giảng. Song, do chỉ mới thực hiện được một học kỳ (học kỳ II của năm học 2014-2015) nên giáo viên vẫn còn bỡ ngỡ. Bên cạnh đó, Bộ GD&ÐT chỉ cung cấp 420 bộ tài liệu cho tất cả các trường để giảng dạy, trong khi thời điểm năm học có đến 269 trường tiểu học, như vậy, trung bình mỗi trường có không đến 2 bộ tài liệu.
Là người trực tiếp dự lớp tập huấn, và triển khai trực tiếp cho giáo viên mỹ thuật của trường sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, thầy Nguyễn Hùng Sơn cho rằng, với thời gian tập huấn ngắn, không phải ai cũng nắm bắt được.
“Tôi là người tham gia tập huấn, khi triển khai bước đầu gặp khá nhiều khó khăn về thời khoá biểu, thời gian lên lớp, thiết kế nội dung… Ðể đạt hiệu quả cao hơn, rất cần mở thêm lớp tập huấn, mà người tiếp cận phải là tất cả giáo viên bộ môn mỹ thuật chứ không riêng cán bộ quản lý, vì họ mới là người sát thực tế, trực tiếp đứng ra thiết kế các hoạt động. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thông qua internet rất cần thiết”, thầy Sơn kiến nghị.
Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 265 trường tiểu học với 398 giáo viên mỹ thuật chủ động, linh động trong việc triển khai dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Ðan Mạch phù hợp với từng địa phương. Sở GD&ÐT đã có công văn chỉ đạo các phòng GD&ÐT cần có biện pháp hỗ trợ các trường vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Theo đó, định kỳ cuối học kỳ 1 và cuối năm học, Phòng GD&ÐT chỉ đạo các trường tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện, tổng hợp và báo cáo bằng văn bản về Sở GD&ÐT./.
Bài và ảnh: Băng Thanh