(CMO) Nhằm củng cố, hình thành, duy trì thói quen đọc sách, nhân rộng phong trào đọc trong cộng đồng, thời gian qua, Thư viện tỉnh Cà Mau chủ động phối hợp thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là hướng tới phát triển văn hoá đọc trong học đường.
Trường Mầm non Bông Hồng, Phường 5, TP. Cà Mau chọn Thư viện tỉnh là điểm để các cháu đang học tại trường sinh hoạt ngoại khoá.
Cô Huỳnh Thị Vân Phương, Giáo viên Trường Mầm non Bông Hồng, chia sẻ: “Mỗi môi trường học tập khác nhau sẽ tạo cho trẻ nhiều hứng thú, đặc biệt với bậc mầm non, các hoạt động ngoại khoá phải thực sự phong phú từ hình thức đến nội dung".
Chị Nguyễn Kim Diệu, Phó giám đốc Thư viện tỉnh Cà Mau, cho biết: “Đây là lần đầu tiên thư viện tổ chức hoạt động ngoại khoá cho bậc mầm non. Ngoài mục đích mở rộng phạm vi phục vụ cho mọi đối tượng bạn đọc, hoạt động còn tạo ra sân chơi ý nghĩa, bằng cách cho trẻ tham quan phòng sách, giới thiệu những quyển sách, truyện tranh phù hợp lứa tuổi kết hợp các trò chơi bổ trợ rèn luyện trí thông minh, sự nhạy bén, sự nhanh nhạy, khơi dậy tài năng và phát huy thế mạnh trong trẻ”.
Trẻ thích thú khi được xem những quyển sách, truyện tranh yêu thích. |
Sau màn làm quen với môi trường tủ sách thân thiện, trẻ sẽ được tham gia một số hoạt động như xem phim đoán nhân vật, đoán câu hỏi nhận quà, ném bóng vào rổ, chơi đồ hàng, vẽ tranh, tô tượng...
Mải miết tìm xem những quyển truyện yêu thích thay vì chơi đùa như các bạn trong lớp, cháu Nguyễn Nhựt Huy, lớp lá A Trường Mầm non Bông Hồng, thích thú: “Con rất thích xem truyện tranh, cuối tuần ba mẹ thường cho con đi nhà sách nhưng không nhiều như sách ở đây. Con rất thích và con muốn được đến đây nhiều lần nữa”.
Chị Diệu cho biết: “Tuỳ theo chủ đề, bậc học mà thư viện chủ động bố trí, trình bày không gian sinh hoạt, vui chơi thích hợp. Chẳng hạn với bậc mầm non, tiểu học ưu tiên các hoạt động góc vui chơi là chính, mọi thứ từ vật dụng, không gian trưng bày, kệ sách, đầu sách, bàn ghế đều được trang trí rất nhiều màu sắc lung linh kèm các nhân vật cổ tích để tạo cảm giác mới lạ, gần gũi cho trẻ. Riêng về sách, truyện tài liệu chủ yếu phục vụ các tập truyện tranh màu, tranh tô màu, vẽ, khám phá thiên nhiên thế giới bằng tranh ảnh để trẻ tập làm quen với sách”.
Nắm bắt được tâm lý thích được khen, nhận quà, nhận thưởng của trẻ, nhân viên thư viện luôn chuẩn bị các phần quà nho nhỏ như: bánh kẹo, bút viết, thước kẻ, tập, bút màu… để làm phần thưởng mỗi khi trẻ hăng hái tham gia các phần thi giao lưu, trả lời câu hỏi. Đây cũng là một trong những cách khơi màu bạn đọc nhí chủ động tìm đến thư viện ở nhiều dịp khác.
Để duy trì và phát triển số lượng bạn đọc, những năm gần đây, thư viện chủ động tổ chức nhiều hoạt động chuyên đề, trưng bày sách ở địa bàn cơ sở, điểm trường vùng sâu, vùng xa.
Sau 3 năm hoạt động, chuyến xe phục vụ sách lưu động tại các điểm trường mang lại hiệu quả xã hội cao, khi rút ngắn được khoảng cách tiếp nhận tri thức giữa nông thôn và thành thị, nâng cao trình độ dân trí, khuấy động phong trào đưa văn hoá đọc lan toả đến học đường, khơi dậy thói quen ham đọc sách của học sinh.
Chị Diệu phấn khởi: “Trong năm vừa rồi, thư viện phục vụ lưu động thành công tại 15 điểm trường trong địa bàn TP. Cà Mau. Đặc biệt, thời gian tới, với việc được trang bị xe lưu động chuyên biệt đã mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, kịp thời giải quyết những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí, tăng tính chủ động, hiệu quả cho công tác phục vụ bạn đọc không giới hạn”.
Song song với việc phục vụ trực tiếp bạn đọc, với sự ưu việt, tiện ích của thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay đã mở rộng phạm vi cập nhật kiến thức tại chỗ, mọi lúc, mọi nơi bằng hình thức truy cập thư viện điện tử.
Mọi thao tác truy tìm đầu sách, bảo quản, lưu trữ thông tin, kiến thức được thực hiện dễ dàng và nhanh chóng. Xây dựng cổng thông tin điện tử để dễ dàng kết nối, sẻ chia nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng giữa thư viện với các thư viện còn lại ở các tuyến huyện, thành phố. Đây cũng là nơi truy cập nguồn thông tin, kiến thức đáng tin cậy phục vụ công tác nghiên cứu, học tập của cộng đồng./.
Tình Nhi