Mặc dù không được sinh ra trên chính mảnh đất Cà Mau nhưng những câu chuyện cha kể cho mẹ nghe về xứ sở, hay lúc nghe lỏm câu chuyện cha cùng các chú, các bác bàn luận sôi nổi về tình hình cách mạng miền Nam đang diễn ra đã để lại trong lòng tôi bao hình ảnh thân thương về mảnh đất này.
- Sinh ra trên đất Bắc, trở về quê nhà lúc vừa giải phóng, trong ký ức của cậu bé lên 10, Cà Mau lúc đó như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải: Cha tôi là người ở xã Tân Thành (TP Cà Mau) nhưng ông sớm thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Trên đất Bắc, ông đã gặp mẹ tôi - một người cùng chí hướng quê ở tỉnh Thái Bình. Ở miền Bắc nhưng lúc nào trái tim của cha tôi cũng hướng về miền Nam anh dũng, trong đó có Cà Mau yêu thương đang ngày đêm chiến đấu ngoan cường để được giải phóng, thống nhất đất nước. Đặc biệt, từ năm 1972, những tin tức chiến sự về “mùa hè đỏ lửa” khiến cha tôi lúc nào cũng luôn ở tâm trạng muốn mau chóng được về quê nhà, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Thế nên, hầu như ngày nào cha cũng mở radio để nghe tin tức.
Mặc dù không được sinh ra trên chính mảnh đất Cà Mau nhưng những câu chuyện cha kể cho mẹ nghe về xứ sở, hay lúc nghe lỏm câu chuyện cha cùng các chú, các bác bàn luận sôi nổi về tình hình cách mạng miền Nam đang diễn ra đã để lại trong lòng tôi bao hình ảnh thân thương về mảnh đất này. Chấn động nhất trong tôi là khi Mỹ dùng B52 và hàng ngàn lượt máy bay rải thảm Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi trên miền Bắc. Báo động, cả nhà xuống hầm, còn cha tôi thì không. Tôi cũng ngoi lên, mặc dù bị ông mắng. Ngồi cạnh ông bên miệng hầm tôi cảm giác ông ở đó không chỉ để quan sát, bởi đó là lúc nỗi nhớ miền Nam càng đau nhói trong ông. Dù chỉ là cậu bé, nhưng tôi luôn mơ ước được cha dẫn về quê, được cầm súng bảo vệ quê hương.
![]() |
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người thứ 8, từ phải sang), với tư cách Chủ tịch danh dự trong buổi ra mắt Uỷ ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Cà Mau - khoá V (nhiệm kỳ 2014-2019). Ảnh: PHONG TRÚC |
Rồi ngày giải phóng miền Nam cũng kề cận, tin chiến thắng dồn dập bay về qua làn sóng radio; các cánh quân của ta như vũ bão từ các hướng tiến về giải phóng Sài Gòn. Cả nhà tôi cùng làng xóm mừng vui khôn xiết, nhất là cha tôi - một người con của quê hương Cà Mau vì nhiệm vụ khi nước nhà bị chia cắt đã phải xa quê hương hơn 20 năm.
Thế nên, ngày được trở về, dù trong bối cảnh đổ nát hoang tàn của chiến tranh, Cà Mau vẫn là một miền đất tươi đẹp như trong giấc mơ của tôi sau mỗi câu chuyện cha kể. Tôi nghĩ, không chỉ riêng tôi mà rất nhiều các đồng chí cùng thế hệ với tôi, hoặc những người vì hoàn cảnh bắt buộc phải rời quê nhà thì bài học về xứ sở tuy giản đơn chỉ là chuyện dòng sông, chiếc xuồng, rặng dừa nước hay chiếc áo bà ba vẫn luôn in đậm trong tâm tưởng và thúc giục quay về vì không nơi đâu êm dịu bằng quê cha, đất tổ.
- Thưa đồng chí, có phải ký ức ngày trở về đó luôn thúc giục đồng chí cùng những thế hệ của những người con Cà Mau nhiều suy tư, trăn trở cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân trong sự phát triển của quê hương?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải: Bất cứ người nào có tình yêu với mảnh đất mình lớn lên đều thấy phải có trách nhiệm làm cho tình yêu đó ngày càng đẹp hơn trong mắt mình và người khác. Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, Mũi Cà Mau (Mốc toạ độ quốc gia GPS 0001) là địa danh có ý nghĩa kinh tế chính trị, có ý nghĩa thiêng liêng đối với Nhân dân cả nước.
Về vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị thì Cà Mau có lợi thế so sánh so với một số tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL. Trong mối quan hệ của khu vực, Cà Mau được xác định nằm trong hành lang phát triển phía Nam (Băng Cốc - Phnôm Pênh - Hà Tiên - Cà Mau), đồng thời Năm Căn được xác định là điểm đến của tuyến hành lang kinh tế này. Ở trong nước, đây cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn II được nối dài đến Đất Mũi Cà Mau. Cà Mau có chiều dài bờ biển 254 km, ở trung tâm vùng biển các nước Đông Nam Á, nhất là trong vùng Vịnh Thái Lan, là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn, có tiềm năng về rừng, biển.
Bên cạnh những lợi thế so sánh cũng có những yếu tố hạn chế như: là điểm cuối của các tuyến quốc lộ, các hành lang phát triển, làm cho các hướng, tuyến phát triển của tỉnh Cà Mau không cân xứng về 2 phía (không như các tỉnh nằm trên trục quốc lộ hay tuyến hành lang phát triển). Từ đó hạn chế khả năng khai thác các nguồn lực như thu hút các dự án BOT xây dựng cầu đường, các dịch vụ phục vụ khách vãng lai…). Ba mặt tiếp giáp biển là lợi thế cho kinh tế biển, nhưng tỉnh Cà Mau cũng có nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quốc phòng an ninh, phòng thủ ven biển, phòng chống thiên tai, có nguy cơ tác động xấu về môi trường (nước biển dâng, sự cố tràn dầu…). Cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước (như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ), là tỉnh vùng sâu vùng xa, địa bàn tỉnh Cà Mau có kết cấu hạ tầng yếu kém… là những yếu tố không thuận lợi cho thu hút đầu tư, lựa chọn của nhà đầu tư, giữ chân và thu hút nguồn lao động có trình độ cao.
Chỉ một số điều phác thảo thôi cũng khiến chúng ta suy tư, trăn trở là làm sao biến tiềm năng, lợi thế trở thành hiện thực. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải biết biến cả những thách thức thành cơ hội vàng để phát triển. Làm sao để cái đói, cái nghèo, cái tụt hậu dần lùi vào quá khứ và làm sao để ngày có nhiều người làm giàu trên mảnh đất của mình… Những câu hỏi đó luôn hiện diện trong chúng tôi mỗi ngày khi hiểu rõ sự hy sinh của thế hệ cha, anh đi trước và được giao trọng trách cũng như niềm tin, hy vọng để kiến thiết, làm sống động mảnh đất trẻ này; đồng thời tạo nền tảng vững chắc để phát triển thế hệ trẻ.
- Nhìn lại chặng đường đã đi qua, điều gì khiến đồng chí cảm thấy hạnh phúc?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải: Chung sức cùng nhau vì sự phồn vinh của mảnh đất quê hương là điều quan tâm lớn nhất của những người con Cà Mau. Không đâu xa, như TP Cà Mau, từ một thị trấn trong bản đồ xâm lược của kẻ thù, trở thành thị xã, rồi thành phố. Nhiều người đi xa về, thấy diện mạo của quê hương hôm nay mà không tin ở mắt mình. Cà Mau hôm nay đã có những xã nông thôn mới, khu công nghiệp khí - điện - đạm trọng điểm quốc gia với trình độ khoa học - kỹ thuật hiện đại. Với 2 hệ sinh thái ngập ngọt, ngập mặn đặc trưng, quy hoạch sản xuất, phương thức sản xuất ngày càng được hợp lý hoá, đời sống người dân không ngừng cải thiện.
Điều khiến chúng tôi cảm thấy vui là thương hiệu Cà Mau xuất hiện nhiều nơi, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến không phải vì lợi thế vị trí, mà là những sản phẩm cụ thể, những cá nhân xuất sắc có đóng góp cho xã hội. Các báo cáo, đánh giá của năm 2014 đều khẳng định, Cà Mau đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu lớn, tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế đất nước và thế giới có nhiều biến động. Thành quả được thể hiện sinh động nhất là trong đời sống Nhân dân. Người dân không ngừng được thụ hưởng những giá trị tốt nhất mà xã hội mang lại, các vấn đề bức thiết nhanh chóng có lộ trình khắc phục. GDP bình quân đầu người của Cà Mau đã vượt mức 30 triệu đồng/người/năm.
Những mơ ước ấp ủ nhiều năm mới thành hiện thực như việc xây dựng các tuyến giao thông bộ huyết mạch trên khắp các vùng quê sông nước, những chuyến xe nối liền 2 bờ con sông Cửa Lớn; ánh điện toả sáng đến tận rừng U Minh Hạ hay Mũi Cà Mau. Với sự quyết tâm cao, môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện tích cực. Các khu công nghiệp của tỉnh cũng đang được khẩn trương quy hoạch và đầu tư nhằm chuẩn bị mặt bằng đủ điều kiện sẵn sàng bàn giao cho nhà đầu tư. Chính phủ cũng đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch chung Khu kinh tế Năm Căn, đây là khu kinh tế đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau và cho toàn vùng.
Đặc biệt, giai đoạn 1 của tuyến đường hành lang ven biển phía Nam nối liền 3 nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, trong đó đoạn đi qua Cà Mau có chiều dài 52 km cũng đang được triển khai thi công. Khi các công trình này hoàn thành sẽ đánh thức, khơi dậy tiềm năng và tạo cho Cà Mau một lợi thế mới, một diện mạo mới. Khi đó, Cà Mau không chỉ là tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm của ĐBSCL mà còn là cửa ngõ giao thương với các nước trong khối ASEAN.
Trong niềm vui chung ấy, sự phát triển ấy có niềm vui riêng của mỗi người. Không chỉ bản thân tôi, mà bất cứ người dân nào yêu quê hương, đất nước, nặng lòng với xứ sở, cũng cảm thấy hạnh phúc rạng ngời khi mỗi ngày thấy quê hương mình lại khoác lên chiếc áo mới, đẹp hơn, phát triển hơn. Và đôi khi sung sướng đến mức muốn rơi nước mắt khi thấy đồng bào ở nước ngoài về thăm quê, nắm tay chúng tôi mà nói rằng: “Cà Mau đổi thay đến không ngờ”.
- Trải qua nhiều nhiệm vụ, nhiều vị trí, nhiều người vẫn còn nhớ về một thế hệ cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt huyết của Cà Mau, trong đó có cá nhân đồng chí. Đồng chí có lời gửi gắm gì cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là những cán bộ Đoàn?
Đồng chí Nguyễn Tiến Hải: Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đoàn viên, thanh niên đã tích cực triển khai phong trào “3 sẵn sàng” và “5 xung phong”. Các phong trào này đáp ứng được nhiệt huyết của thanh niên, khao khát được cống hiến sức lực và trí tuệ cho đất nước. Qua đó chứng tỏ, Đoàn Thanh niên xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, đội tiên phong chiến đấu của tuổi trẻ và Đại thắng mùa xuân 1975 đã tô thắm thêm truyền thống của Đoàn.
Trong công cuộc đổi mới của Đảng, tuổi trẻ Việt Nam đã “hành quân theo bước chân những người anh hùng”, “hành quân theo chân Bác”, tiếp bước cha anh đi đầu trong công cuộc đổi mới. Đáng chú ý, 2 phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” đã động viên hàng triệu đoàn viên, thanh niên tham gia. Từ đó xuất hiện nhiều tấm gương điển hình trong lao động, chiến đấu, học tập, xây dựng cuộc sống mới. Cùng với đó, các phong trào “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” thực hiện “6 điều Bác Hồ dạy”, “Đoàn kết 3 lực lượng”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, “3 mục tiêu dân số, sức khoẻ, môi trường”, “Dạy tốt, học tốt”, “Học vì ngày mai lập nghiệp”… là biểu hiện cụ thể những cố gắng, nỗ lực vượt bậc của tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiện nay, bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế có nhiều diễn biến rất nhanh và phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tình hình thanh, thiếu niên. Theo quy luật phát triển tất yếu, thanh niên có sự phân hoá nhanh về nhận thức, tư tưởng, lối sống, thu nhập… Do đó, các cán bộ Đoàn, các thủ lĩnh của thanh niên cần đồng hành với thanh niên, giúp thanh niên phát triển, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống; tiếp tục phát huy sự tham gia của thanh niên vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ, bên cạnh năng lực tốt, toàn diện, còn phải là người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám dấn thân vào những nơi khó khăn để các đoàn viên, thanh niên trẻ tin tưởng noi theo và "cháy" hết mình với phong trào, tạo nền tảng căn bản để Cà Mau bứt phá ở tầm xa hơn!
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!
Khánh Nam thực hiện