Kinh tế biển có tầm quan trọng đặc biệt trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Trong bối cảnh ngành Thủy sản Việt Nam đang nỗ lực gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cùng với các cấp, các ngành, Công an Bạc Liêu cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Lực lượng Công an cùng với Quân sự, Biên phòng tuần tra phòng, chống khai thác IUU kết hợp tuyên truyền nhắc nhở ngư dân. Ảnh: Đ.H
Một trong những nỗ lực này là Công an Bạc Liêu cùng phối hợp với Công an các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. Trong 6 tháng gần đây, trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phát hiện trên 30 vụ tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; qua đó điều tra, truy tố, xét xử 9 vụ án liên quan đến vi phạm khai thác IUU.
Công an các tỉnh, thành phố còn điều tra, xác minh, làm rõ các vụ án, vụ việc, cá nhân, tổ chức vi phạm trong chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, đăng ký, cấp giấy phép hoạt động cho tàu cá. Trong đó, Công an tỉnh Bạc Liêu xác minh, làm rõ thông tin 11 ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài; Công an tỉnh Cà Mau điều tra, xác minh 12 vụ, liên quan hơn 20 bị can về các hành vi tháo gửi, vận chuyển thiết bị giám sát hành trình tàu cá; tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố 18 vụ liên quan hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ và Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị truy tố 6 vụ án, hàng chục bị can liên quan vi phạm chống khai thác IUU…
Bên cạnh quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với các vụ việc, cá nhân, tổ chức vi phạm trên lĩnh vực này, lực lượng công an còn phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tại địa phương mình nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến chống khai thác IUU rộng rãi trong Nhân dân, nhất là ngư dân để họ thông hiểu và chấp hành các chính sách, pháp luật về hải sản, luật biển. Chủ động tham mưu chắc, sâu sát tình hình giúp cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống khai thác IUU. Qua đó, chung vai cùng góp phần thực hiện hiệu quả công tác tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU.
Hiện nay, Ủy ban châu Âu đã ghi nhận một số điểm tích cực và kết quả nổi bật của Việt Nam, nhưng cũng đưa ra một số khuyến cáo và đề nghị Việt Nam tiếp thu, chỉnh sửa để chuẩn bị cho đợt sang làm việc sắp tới. Từ đây, việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các biện pháp chống khai thác IUU càng trở nên cấp thiết. Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài của Công an 10 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Thiều đề nghị Công an các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 32 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản. Đồng thời, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Môi trường để phát hiện, đấu tranh, xử lý các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài cũng như công tác xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, quản lý đội tàu khai thác hải sản trên biển…
Đ.H