Hiện nay, các loại dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp ngoài cộng đồng, nhất là dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Nhận định nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan và bùng phát trong các cơ sở khám, điều trị bệnh, Sở Y tế Cà Mau tổ chức các đoàn đến kiểm tra, đôn đốc việc tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng lây nhiễm chéo.
- Nguy cơ bệnh truyền nhiễm tăng cao
- Chủ động phòng và điều trị bệnh đậu mùa khỉ
- Bệnh không lây nhiễm được quản lý tại cộng đồng
- Cà Mau triển khai nhiều biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu
Qua kiểm tra thực tế tại các huyện, TP Cà Mau, lãnh đạo Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, điều trị bệnh phối hợp với Trung tâm Y tế thực hiện công tác xử lý môi trường, khử khuẩn khuôn viên, khu vực khám, cách ly và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tập huấn cập nhật kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho nhân viên y tế, đảm bảo sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, hoá chất phục vụ công tác phòng, chống dịch và phòng tránh lây nhiễm chéo.
Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau, cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, điều trị bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, dịch truyền hoá chất xét nghiệm phục vụ công tác điều trị. Chỉ đạo các cơ sở khám, điều trị lập quy trình tiếp nhận các bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo, đặc biệt là tại khoa khám bệnh, khoa nhiễm, khoa nhi”.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác sàng lọc và phân luồng điều trị bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển.
Tính đến ngày 19/8/2024, toàn tỉnh ghi nhận hơn 330 ca mắc sốt xuất huyết, hơn 700 ca mắc bệnh tay chân miệng, 14 ca mắc bệnh sởi, 1 ca mắc bệnh rubella... Trước diễn biến của dịch đậu mùa khỉ và nguy cơ lây lan dịch bệnh, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh này. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường giám sát phát hiện ca nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ ngay tại cửa khẩu và giám sát chủ động tại cơ sở y tế.
Bộ Y tế có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các viện vệ sinh dịch tễ, Pasteur và các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, các cơ sở khám, điều trị bệnh trên địa bàn tỉnh đã tập trung khám sàng lọc, phân luồng, cách ly đối với những ca nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, bố trí khu vực điều trị bệnh nhân riêng biệt. Ðồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, vệ sinh tay và hạn chế tập trung đông người.
Khám sàng lọc trẻ mắc bệnh truyền nhiễm tại Khoa Khám, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.
Bác sĩ Nghê Phước Nghiệp, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Trung tâm Y tế huyện Ngọc Hiển, cho biết: “Khi đã xác định ca bệnh truyền nhiễm, chúng tôi có quy trình đưa bệnh đến khu điều trị riêng. Ðối với đội ngũ y, bác sĩ cùng thực hiện các quy định như: mặc đồ bảo hộ, khẩu trang, găng tay... Người bệnh, người nhà người bệnh được tuyên truyền hướng dẫn đeo khẩu trang, thường xuyên vệ sinh tay để hạn chế lây từ người bệnh với nhân viên y tế”.
Ðể phòng, chống dịch và phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, điều trị bệnh đạt hiệu quả, bên cạnh các giải pháp chủ động của cơ sở y tế, cần có sự phối hợp thực hiện của người bệnh, người nhà người bệnh, góp phần bảo vệ sức khoẻ và giúp kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lây lan.
Theo Bác sĩ Huỳnh Thuý Hằng, Trưởng khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau: “Bệnh nhi đến khám bệnh sẽ được bác sĩ khám sàng lọc, đối với ca nghi ngờ, chúng tôi sẽ lấy mẫu làm xét nghiệm để khẳng định sớm các ca mắc bệnh truyền nhiễm, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Bệnh viện đảm bảo khoảng cách giường bệnh của các bé là trên 1 m. Vấn đề sàng lọc sớm, cách ly sớm rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt là đối với các bệnh có nguy cơ lây lan nhanh như sởi, rubella”.
Minh Khang