Bác sĩ CKII Châu Tấn Ðạt, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: "Theo số liệu khảo sát mới nhất, trong 5 loại bệnh ung thư thường gặp ở nữ giới thì ung thư vú (UTV) là loại ung thư đứng đầu về tỷ lệ mắc và đứng thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong, sau ung thư gan, phổi".
- 8 loại ung thư do thuốc lá
- Ung thư máu và những dấu hiệu nhận biết
- Ung thư thực quản và mối nguy hại từ thuốc lá
- Giải pháp điều trị và phòng chống ung thư
Theo Bác sĩ Ðạt, để quản lý tốt vấn đề bệnh lý UTV, cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: dự phòng các yếu tố nguy cơ, tầm soát phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị tốt. Trong đó, để phòng tránh các yếu tố nguy cơ, bệnh viện khuyến cáo đối với người dân, bệnh nhân về chế độ ăn uống, tập thể dục, cách tự kiểm tra cơ thể để phát hiện sớm bệnh...
Về tầm soát UTV, trước đây, Bệnh viện Ða khoa tỉnh có triển khai Chương trình phòng chống ung thư Quốc gia, tầm soát bệnh UTV ra cộng đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, kinh phí chương trình không còn, nên việc tầm soát bệnh UTV chỉ thực hiện ở khu khám của bệnh viện, dựa vào khám lâm sàng - hình ảnh học (siêu âm, nhũ ảnh) - tế bào học (chọc hút tế bào bằng kim nhỏ) cho những đối tượng có nhu cầu.
"Ngoài ra, bệnh viện trang bị đầy đủ các phương tiện giúp chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh UTV như: siêu âm, nhũ ảnh, X-quang phổi, MRI, CT scanner 128 lát cắt. Khoa giải phẫu bệnh chẩn đoán được tế bào học, mô bệnh học, hoá mô miễn dịch giúp phân loại UTV theo phân nhóm sinh học, nhờ đó giúp bác sĩ điều trị ung thư ngày càng sát hợp hơn, cá thể hoá trong điều trị", Bác sĩ Ðạt chia sẻ.
Tháng 4/2023, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau khánh thành khu xạ trị, đưa máy gia tốc vào hoạt động. Ðây là máy gia tốc hiện đại đa mức năng lượng, có bộ chuẩn trực đa lá dùng để che chắn các vị trí quan trọng. Ðồng thời, tích hợp chụp Epid kiểm tra hình ảnh và tư thế mô phỏng của bệnh nhân trước khi xạ trị. Có hệ thống phần mềm lập kế hoạch điều trị chính xác... Nhờ vậy mà bệnh viện phối hợp được đa mô thức trong điều trị UTV, tức là phối hợp giữa phẫu trị, hoá trị, xạ trị và nội tiết", Bác sĩ Ðạt thông tin.
Ðội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Ða khoa tỉnh phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân UTV.
Cũng theo ghi nhận tại bệnh viện, hiện tại, đơn vị đang theo dõi 580 ca UTV ngoại trú. Trong đó, điều trị nội tiết 250 ca, theo dõi định kỳ 330 ca. Về điều trị các ca bệnh, phương pháp áp dụng nhiều nhất là đa mô thức, chiếm 60,5%; chăm sóc giảm nhẹ 19,6%; hoá trị 11,4%; xạ trị 3,2%...
Bác sĩ Ðạt cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ điều trị theo hướng phẫu thuật bảo tồn vú và phẫu thuật tái tạo vú. Hiện tại, đã gửi một bác sĩ lên tuyến trên để đào tạo. Ðiều này sẽ mang lại lợi ích cho bệnh nhân về tâm lý, thẩm mỹ; che khuyết hổng đối với ung thư giai đoạn muộn; nâng cao chất lượng cuộc sống bệnh nhân... Ðồng thời, hiện nay bệnh viện đã nâng lên loại I, sắp tới sẽ triển khai liệu pháp nhắm trúng đích, ứng dụng kỹ thuật IMRT trong xạ trị, góp phần chăm sóc và điều trị tốt hơn cho bệnh nhân UTV”.
Tuy nhiên, trên hết vẫn là phòng bệnh, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, nhận biết phát hiện sớm như: ăn rau xanh, không hút thuốc lá; tập thể dục, ngủ đủ giấc, cho con bú; duy trì cân nặng; tránh tia bức xạ; kiểm tra gen; chụp nhũ ảnh...
“Với tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị sẽ giúp điều trị ngày càng sát hợp mô đích hơn, giảm tác dụng phụ. Ðồng thời, phối hợp đa mô thức, cá thể hoá trong điều trị sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân, góp phần giảm gánh nặng UTV cho người dân”, Bác sĩ Ðạt kỳ vọng.
Mỗi năm, ở nước ta có khoảng 24.500 trường hợp mắc bệnh UTV. Riêng tỉnh Cà Mau, theo số liệu ghi nhận, năm 2023, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã điều trị 1.233 trường hợp mắc ung thư các loại. Trong đó, bệnh UTV 238 trường hợp, chiếm 19,6%, đứng thứ 2 sau ung thư đại trực tràng, tính ở cả 2 giới và đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến của nữ giới, chiếm 37%. Các giai đoạn mà bệnh nhân UTV thường gặp là giai đoạn II, chiếm 38,2%.
Phi Long