Những công trình mang dấu ấn có sự đóng góp sức dân, nhất là hạ tầng nông thôn, những mô hình hiệu quả được nông dân áp dụng cho thu nhập ngày càng cao, cùng với hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh… là những yếu tố thúc đẩy xã Phú Hưng, huyện Cái Nước ngày càng phát triển.
Những công trình mang dấu ấn có sự đóng góp sức dân, nhất là hạ tầng nông thôn, những mô hình hiệu quả được nông dân áp dụng cho thu nhập ngày càng cao, cùng với hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh… là những yếu tố thúc đẩy xã Phú Hưng, huyện Cái Nước ngày càng phát triển.
Đến nay, qua hơn 4 năm xây dựng nông thôn mới, Phú Hưng đã đạt 18/19 tiêu chí (tiêu chí chợ không thực hiện), thu nhập bình quân đầu người đạt trên 30 triệu đồng/người/năm. Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng hoàn thiện, cơ cấu kinh tế phát triển nhanh, đúng hướng.
Hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế của người dân. |
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu cho biết: “Xây dựng nông thôn mới (NTM) được Ðảng bộ xã xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Vì vậy, các tiêu chí NTM được triển khai chủ động, có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ trong việc vận động Nhân dân thực hiện từng tiêu chí. Không trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước, xác định tiêu chí nào thuộc trách nhiệm của người dân thực hiện, tiêu chí nào thuận lợi thì xã thực hiện trước”.
Tổng kinh phí thực hiện chương trình xây dựng NTM của xã Phú Hưng là 394 tỷ 123 triệu đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 7 tỷ 360 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh 64 tỷ 483 triệu đồng; vốn ngân sách huyện 34 tỷ 774 triệu đồng; vốn ngân sách xã 658 triệu đồng; vốn tín dụng 29 tỷ 700 triệu đồng; Nhân dân đóng góp 254 tỷ 273 triệu đồng... |
Từ nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, Nhân dân trong xã hôm nay đã đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm, nhất là tinh thần tự giác bảo vệ những công trình mà mình góp vốn, góp sức thực hiện. Cụ thể như tự sửa chữa bảo quản khi lộ hư hỏng, thực hiện và cắt tỉa hàng rào cây xanh thường xuyên để tạo cảnh quan môi trường… Ấp, xóm trong xã càng ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Bí thư Chi bộ ấp Tân Ánh Ðỗ Thanh Xuân cho biết: “Thời gian qua, mỗi cán bộ, đảng viên và đoàn viên trong ấp tiên phong đi đầu trong thực hiện các mô hình kinh tế. Từ ấp nghèo nhất xã đến nay ấp chỉ còn lại 5 hộ nghèo”.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng như: nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - lúa, dèo tôm hầm đất, nuôi cá chình, bống tượng thâm canh, nuôi cá kèo công nghiệp… Một số mô hình hiệu quả khác như: Tôm đất sấy khô ở ấp Ðức An, đan ráp lưới, lú, rập cua ở ấp Lộ Xe, Cái Rắn B… tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân.
Chủ tịch UBND xã Phú Hưng Hà Ngọc Sáu nhận định: Trên nền tảng các mô hình kinh tế hiệu quả được Nhân dân áp dụng thực hiện, xã sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm cũng như liên kết với các trung tâm nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật cho người dân. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Khi kinh tế phát triển, đời sống ổn định, người dân sẽ tích cực cùng Ðảng và Nhà nước nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được và bộ mặt nông thôn Phú Hưng ngày càng khởi sắc./.
Mô hình nuôi tôm công nghiệp được xã quy hoạch phát triển mạnh trong thời gian tới. |
Mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm đang là thế mạnh về thu nhập của người dân trong xã hiện nay. |
Mô hình nuôi cá sấu, kết hợp 1 vụ lúa - 1 vụ tôm của ông Lê Văn Định cho thu nhập mỗi năm trên 250 triệu đồng. |
Từ nhận thức được chủ trương đúng của Đảng, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được người dân đồng lòng hưởng ứng xây dựng và ra sức quản lý, bảo vệ. |
Điện, đường, trường, trạm được đầu tư ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển của Nhân dân. |
Bài và ảnh: Diệu Lữ