(CMO) Ngày 31/8, Hội LHPN tỉnh Cà Mau phối hợp với Hội LHPN huyện Trần Văn Thời tổ chức Ngày Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công, phát triển sản phẩm OCOP.
Chương trình có sự tham gia của Hội LHPN 9 huyện, thành phố, cùng 50 đại biểu, đại diện cho các HTX, chủ thể OCOP, doanh nghiệp do hội viên phụ nữ làm chủ.
Đại biểu tham quan, mua sắm và giao lưu sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu.
Theo đó, các chị em hội viên phụ nữ có dịp đối thoại trực tiếp, tư vấn, giới thiệu việc làm, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; tập huấn, hướng dẫn kỹ năng quản lý kinh doanh cho phụ nữ; các quy trình hướng tới sản phẩm đạt được chứng nhận sản phẩm OCOP... với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các phòng, ban cấp huyện.
Trong khuôn khổ hoạt động toạ đàm, nhiều chị em mạnh dạn trình bày những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình khởi nghiệp, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, như: thiếu vốn mua cây con giống, vật nuôi; hạn chế về kỹ thuật, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Chị Đào Thuý Oanh, Chi hội trưởng Phụ nữ Ấp 5, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, mong muốn sản phẩm do chị em làm ra có đầu ra và giá cả ổn định để an tâm sản xuất.
Đại diện Hội LHPN xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, xã có diện tích trồng chuối, dừa khá lớn, tuy nhiên thời gian qua, đầu ra còn gặp nhiều khó khăn, thương lái ép giá, sản xuất và đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn. Người dân rất mong được tạo đầu ra cho 2 mặt hàng này thông qua các cơ sở sản xuất bánh, kẹo, nhằm góp phần phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương…
Đại diện sở, ngành chia sẻ và lưu ý các chủ thể OCOP, đặc biệt là các chị em phụ nữ nhiều vấn đề. Trong đó, cần nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá và xúc tiến thương mại; chủ động cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường; tăng cường hiệu quả bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Chương trình có buổi toạ đàm nhằm giải đáp thắc mắc cũng như chia sẻ giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP.
Về phía UBND huyện, sẽ tiếp tục đề xuất, tranh thủ cấp tỉnh hỗ trợ trang thiết bị (máy móc) phục vụ phát triển sản xuất và kinh phí đánh giá chứng nhận ISO 9001, ISO 22000, ISO 14001… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể có đủ điều kiện nâng hạng sản phẩm OCOP trong thời gian tới./.
Loan Phương