Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, luôn nỗ lực thực hiện công tác Hội và phong trào phụ nữ, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
- Ðồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
- Các hoạt động, phong trào phụ nữ phải hướng đến bền vững, đi vào chiều sâu
- Người phụ nữ giàu lòng nhân ái
- Ứng dụng số - Nâng chất hoạt động phụ nữ
Bà Huỳnh Mộng Ðẹp, Chủ tịch Hội LHPN xã Biển Bạch, cho biết: "Toàn xã có 1.229 hội viên. Trong năm qua, Hội đảm nhận giúp đỡ 5 hộ nghèo, thoát nghèo được 4 hộ, còn 1 hộ. Trong năm 2024, Hội đăng ký giúp đỡ 3 hộ thoát nghèo và 2 hộ thoát cận nghèo. Trong 6 tháng đầu năm, các chi hội đã vận động, tập hợp hội viên phụ nữ, thành lập nhiều mô hình tổ góp vốn xoay vòng. Hội đã vận động xây dựng 1 căn nhà cho hội viên nghèo bị bệnh, phối hợp với UBND xã thực hiện mô hình sinh kế cho đối tượng được hỗ trợ, với 100 con vịt giống, 150 con gà giống và thức ăn".
Bên cạnh đó, thành lập mới nhiều tổ phụ nữ tại các ấp, định kỳ hằng tháng họp 1 lần vào ngày 10. Thành lập mới 1 tổ tương trợ giúp đỡ nhau, có 18 thành viên, mỗi thành viên góp 100 ngàn đồng/tháng, mỗi tháng sẽ cho từ 1-3 chị mượn, số tiền mượn 1 triệu đồng, lãi suất 20 ngàn đồng/tháng, gây quỹ cho tổ.
“Tổ Phụ nữ hùn vốn xoay vòng” là mô hình giúp nhiều chị em vươn lên thoát nghèo.
Hội còn ra mắt Tổ Phụ nữ thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình, ở ấp Hà Phúc Ứng, với 20 thành viên. Chị Huỳnh Thị Trang, ấp Hà Phúc Ứng, chia sẻ: “Phụ nữ tham gia tổ, thực hiện thu gom, phân loại rác, ủ làm phân trồng rau, rác thải nhựa thì bán phế liệu, nhằm góp phần bảo vệ môi trường".
Theo đó, chị em thu gom chai nhựa, bán lấy tiền bỏ heo đất tiết kiệm, qua một năm sẽ khui heo, hùn vốn hỗ trợ một mô hình mua bán nhỏ hoặc giúp chị em trong tổ khó khăn có vốn làm kinh tế. Ðây là mô hình vừa tiết kiệm vừa bảo vệ môi trường.
Phụ nữ xã Biển Bạch tích cực trồng hàng rào cây xanh.
Ngoài ra, phụ nữ các ấp có những mô hình sinh kế như: hùn vốn xoay vòng, may gia công, nuôi le le, nuôi heo... Gia đình chị Lê Thị Ðẹp, ấp Thanh Tùng, chăn nuôi le le hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao và giúp gia đình vươn lên trong cuộc sống.
Chị Lê Thị Ðẹp cho biết: “Vợ chồng tôi thực hiện mô hình nuôi le le được 6 năm, ban đầu nuôi được 10 con, mỗi cặp mua với giá 1,4 triệu đồng. Sau năm thứ 3, gia đình đã nhân được giống le le và có khoảng 400 con giống; thức ăn chủ yếu của chúng là lúa, ốc, cỏ, lục bình, rau muống... Mỗi năm le le sinh sản 2 đợt, một con sinh sản khoảng 10-15 trứng/đợt. Nuôi le le thịt, chỉ khoảng 6 tháng là xuất bán, giá 1 triệu đồng/cặp”.
Hiện tại, gia đình chị Lê Thị Đẹp có 150 ổ trứng le le.
"Ðời sống, việc làm ổn định, chị em an tâm sản xuất và tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết nắng hạn kéo dài, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; giá một số mặt hàng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của hội viên phụ nữ trên địa bàn", bà Huỳnh Mộng Ðẹp chia sẻ.
Với nhiều cách làm sáng tạo, Hội LHPN xã trở thành chỗ dựa vững chắc của phụ nữ trong phát triển kinh tế, trên cơ sở phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, tương thân tương ái. Từ các phong trào hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ, giúp chị em phấn khởi, tự tin vươn lên trong cuộc sống, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội./.
Hoàng Vũ