Những năm gần đây, phụ nữ vùng biển nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của các ngành, các cấp hội phụ nữ, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của chị em từng bước được cải thiện, nâng cao.
- Thêm sinh kế từ nghề phụ
- Phụ nữ miền biển lan toả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
- Phụ nữ tích cực tham gia giảm nghèo bền vững
Đa phần chị em mưu sinh với đủ các nghề và không kém cạnh cánh đàn ông. Họ cùng chồng vươn khơi bám biển, hay mở các cơ sở thu mua, chế biến thuỷ hải sản, bán buôn, làm dịch vụ hậu cần nghề cá; tham gia các tổ hợp tác vá lưới, tổ hợp tác làm cá khô; mở các quán kinh doanh ăn uống ven biển; bán buôn cung cấp các loại nhu yếu phẩm, lương thực cho những chuyến tàu ra khơi; làm công nhân cho các xí nghiệp, công ty chế biến thuỷ hải sản...
Chị Tô Thị Bích, Khóm 4, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời nhiều năm qua cố gắng bám lấy nghề truyền thống là chế biến thuỷ hải sản, thu nhập cũng đủ trang trải cuộc sống và đỡ đần cùng chồng lo kinh tế gia đình. Chị Bích chia sẻ: “Ở đây, đàn ông đi biển, phụ nữ ở nhà làm cá, mực, tôm; trung bình làm từ sáng tới chiều được khoảng 300 ngàn đồng/người. Ở đây chị em làm suốt, nghề biển mà. Hết nước, làm ít lại, nhưng vẫn làm đều, không ngưng. Người nào siêng làm thì cuộc sống ổn định”.
Hội LHPN thị trấn Sông Ðốc thường xuyên đến thăm và hỗ trợ sinh kế cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Chị Mai Kim Thuỷ, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc mưu sinh với nhiều nghề tự tạo. Vì nuôi mẹ già và một mình chăm con nhỏ sau khi chồng mất, chị phải cố gắng, nỗ lực bội phần. Chị Thuỷ cho biết: “Tôi ở nhà buôn bán tạp hoá lặt vặt, ngoài ra còn chạy grab, làm đồ ăn giao cho người ta. Nói chung ai kêu gì làm nấy, làm để có thu nhập lo cho con học ở Cần Thơ và chăm lo cho mẹ già. Một tháng ít nhất phải có 10 triệu đồng trở lên mới trang trải được, nên tôi phải bươn chải đủ thứ nghề. Nếu có vốn, tôi sẽ mở rộng mua đồ bán thêm cho ổn định hơn”.
Trước đây, hội viên phụ nữ vùng biển hay thụ động, nhưng những năm gần đây đã tích cực tham gia các phong trào cũng như học tập kinh nghiệm và làm giàu chính đáng. Chị em năng động hơn trong phát triển kinh tế, vun vén, giữ lửa hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, thành đạt... Những chị em còn khó khăn cũng có nghị lực tự vươn lên trong cuộc sống.
Bà Phạm Kim A, 63 tuổi, Ấp 3, xã Khánh Hội, huyện U Minh, dù lớn tuổi, sức yếu nhưng vẫn tích cực lao động, không trông chờ vào sự giúp đỡ của con cháu. Bà Kim A bảo: “Vợ chồng già không có nghề gì nên trồng rau; ngoài vuông thì trồng chuối, hoa màu đủ thứ. Chuối nửa tháng thu hoạch một lần, hoa màu ngày nào cũng thu hoạch; còn rau bán mối các quán, cứ hai ba bữa là cắt bán một lần. Thu nhập được khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Thoải mái, không túng thiếu gì”.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Út Em, 54 tuổi, Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh, cũng là điểm sáng về những phụ nữ vùng ven biển không bao giờ đầu hàng số phận. Bà Út Em chia sẻ, bà có chiếc ghe nhưng làm ăn thất quá, không có tiền đi khai thác nên cứ đậu đó. Cố gắng mưu sinh trong tình cảnh khó khăn, bà chuyển sang bán vé số kiếm sống qua ngày.
Một số chị vẫn làm nghề chế biến thuỷ hải sản, làm khô... để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Ðối với vùng biển như Khánh Hội, Sông Ðốc... có 3 nghề chính là đánh bắt thuỷ sản, ngành nông nghiệp và dịch vụ. Còn đối với phụ nữ, chị em ở nhà nội trợ thường trồng màu, làm lưới, vá lưới. Xã Khánh Hội cũng có nhiều cơ sở chế biến, các chị sẽ làm nghề ở các cơ sở chế biến này hoặc phơi cá khô. Tổ chức Hội phụ nữ địa phương cũng hỗ trợ hết mình để chị em tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Bà Lữ Hồng Bía, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Khánh Hội, cho biết: “Con nước nào trúng, chị em làm mỗi ngày cũng được 300-400 ngàn đồng. Các chị làm từ 20 ngày trở lên, thu nhập hơn 6 triệu đồng, cuộc sống đảm bảo. Tuy nhiên, nếu con nước thất thì cuộc sống của mấy chị khá khó khăn. Việc làm này không được, các chị phải nhanh chóng nắm bắt, chuyển sang ngành nghề khác để trang trải cuộc sống. Ðối với Hội LHPN xã, thời gian qua, tuỳ theo điều kiện mà giúp đỡ chị em. Hội cũng có chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho chị em vay vốn chăn nuôi, cải tạo vườn tược, trồng hoa màu, cây ăn trái để tăng thêm thu nhập cho gia đình”.
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Thời gian tới, các cấp Hội LHPN trong huyện đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ ven biển sáng tạo khởi nghiệp từ các sản vật của địa phương; giới thiệu nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn nội lực trong chị em, vốn tín dụng từ nguồn Quỹ 2KR (dự án hỗ trợ rừng ngập mặn), phát triển các mô hình sinh kế bền vững ven biển, gắn với tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phối hợp mở các lớp dạy nghề truyền thống cho phụ nữ tại địa phương, từ đó để chị em có việc làm tại nhà hoặc gần nhà, có điều kiện chăm sóc con cái, lo cho gia đình trong khi chồng đi đánh bắt trên biển”.
Với những cách làm thiết thực và ý chí vươn lên, không chấp nhận cái nghèo đeo bám, cùng nhiều chương trình hỗ trợ từ Hội LHPN địa phương, phụ nữ vùng biển có thêm niềm tin, nghị lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Bà Trần Thị Kiều Yến, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: "Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đều dành sự quan tâm cho công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, nhất là hội viên vùng ven biển. Hội cũng ưu tiên triển khai nhiều dự án sinh kế, dự án giảm tác hại ảnh hưởng biến đổi khí hậu vùng ven biển, kịp thời hỗ trợ chị em vươn lên trong cuộc sống. Các cấp Hội LHPN đã thể hiện tốt vai trò cầu nối các nguồn lực xã hội hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đa dạng mô hình sinh kế"./.
Lam Khánh - Hoàng Vũ