ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 16-9-24 04:17:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Để những chuyến vươn khơi an toàn

Báo Cà Mau Vươn khơi an toàn, hiệu quả để phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương là mục tiêu và nhiệm vụ thiêng liêng của ngư dân huyện Ngọc Hiển. Ý thức rõ điều này, từng ngư dân luôn chủ động trang bị thiết bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn lao động cho bản thân khi hành nghề.

Chúng tôi gặp ngư dân Huỳnh Văn Trải, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, khi anh vừa trở về sau chuyến biển dài hơn nửa tháng. Anh chia sẻ, đặc thù của lao động trên biển khá nặng nhọc và nguy hiểm, bởi đa phần làm việc vào đêm tối, trong điều kiện sóng gió, trơn trượt. Hơn 20 năm làm nghề lưới cá chim, bản thân anh không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy ngoài biển khơi, có những thời khắc sinh mệnh “treo” ngọn sóng. Từng chứng kiến rất nhiều bài học đau thương nên bản thân anh và thuyền viên đều nâng cao ý thức đảm bảo an toàn khi lao động.

Ngư dân ở cửa biển Rạch Gốc liên kết với nhau thành tổ, đội tàu khai thác an toàn để những chuyến vươn khơi an toàn, hiệu quả. Ảnh: Huỳnh Tứ

Trên tàu, anh Trải trang bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, công cụ cảnh báo thời tiết, áo phao, phao nổi, bình chữa cháy, tủ thuốc... Các thiết bị này đều được đặt tại các vị trí thuận tiện để có thể xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, anh luôn nhắc nhở thuyền viên chú ý, đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, nhất là phải luôn mặc áo phao khi kéo, bủa lưới nhằm đề phòng sự cố, rủi ro bất ngờ.

Ông Lê Văn Hùng, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, có hơn 10 năm làm tài công, cùng các ngư phủ khác lênh đênh trên biển để thu mua tôm sú mẹ. Ông Hùng nhận định, thời tiết những năm gần đây khá phức tạp, có khi trời đang nắng tốt mà chỉ vài phút sau là dông gió nổi lên, biển động mạnh. Do đó, trước mỗi chuyến ra khơi, ông thường theo dõi dự báo thời tiết, cẩn thận kiểm tra lại phương tiện, máy móc, các thiết bị, dụng cụ cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn khi xuất bến.

Tài công Lê Văn Hùng (trái) kiểm tra thiết bị thông tin liên lạc đảm bảo hoạt động hiệu quả trước khi xuất bến. Ảnh: Huỳnh Tứ.

Tại thị trấn Rạch Gốc, ngư dân đã liên kết với nhau thành lập và duy trì hoạt động tổ, đội tàu khai thác an toàn để những chuyến vươn khơi an toàn, hiệu quả. Trung tá Lê Thanh Sử, Chính trị viên Đồn Biên phòng Rạch Gốc, thông tin: “Hiện địa phương có 1 tổ tàu thuyền an toàn, tập hợp 18 phương tiện với gần 90 ngư phủ tham gia. Thành viên trong tổ có tinh thần đoàn kết rất cao, thường xuyên thông tin với nhau về tình hình thời tiết, ngư trường đánh bắt; sẵn sàng hỗ trợ nhau khi gặp tai nạn, sự cố trên biển”.

Ông Từ Văn Toàn, Khóm 4, thị trấn Rạch Gốc, cho biết: “Đi đánh bắt xa bờ mà chỉ có một mình rất khó khăn.

Nhiều lúc thời tiết xấu, đau ốm hoặc gặp sự cố bất ngờ, không biết nhờ ai giúp. Đi chung đỡ hơn, lỡ có việc chỉ cần gọi nhau một tiếng là các tàu cá gần có thể hỗ trợ ứng cứu hoặc liên lạc với các đồn biên phòng nhanh hơn. Ngoài ra, trong những thời điểm khan hiếm bạn thuyền thì giữa các tàu có thể bù trừ, tương trợ lẫn nhau, nhờ đó giúp các tàu có thể vươn khơi, bám biển”.

Toàn huyện Ngọc Hiển có hơn 450 phương tiện khai thác, trong đó có 107 tàu xa bờ với hàng ngàn lao động bám biển. Cùng với việc tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn ngư dân các biện pháp đảm bảo an toàn lao động, ngành chức năng huyện đã huy động nguồn lực để hỗ trợ ngư dân trang bị ngư lưới cụ, cờ Tổ quốc, các thiết bị liên lạc, dụng cụ cứu sinh...

Ông Lê Hoài Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thông tin: “Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức tập huấn cho ngư dân về kiến thức an toàn hàng hải, các phương pháp sơ cấp cứu y tế tại chỗ trên tàu cá, cũng như cách thức phối hợp tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời, vận động ngư dân thành lập nghiệp đoàn nghề cá, nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; bảo vệ lợi ích của lao động trong quá trình hành nghề trên biển, giúp họ đoàn kết lại thành một khối thống nhất trong mỗi chuyến ra khơi để hỗ trợ nhau trong khai thác và khi hoạn nạn. Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân yên tâm vươn khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

 

Trúc Linh - Huỳnh Tứ

 

Các cấp hội nông dân với kinh tế tập thể

“Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, chiếm gần 80% dân số và khoảng 48,85% lực lượng lao động xã hội; là chủ thể tích cực trong phát triển kinh tế tập thể nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, gắn với hỗ trợ nông dân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn”, ông Ðỗ Hoàng Tuấn, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng nông dân.

Nâng giá trị hạt muối và con tôm

Với mong muốn phát huy thế mạnh sản phẩm đặc trưng của địa phương là hạt muối và con tôm, thị trấn Ðầm Ðơi, huyện Ðầm Dơi thành lập Hợp tác xã (HTX) Muối Cà Mau, chuyên sản xuất những sản phẩm làm từ muối và tôm. Qua đó, phát triển kinh tế nông thôn, gia tăng giá trị các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Hiệu quả kinh tế từ trồng bắp

Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, đất bờ bao vuông tôm, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển ra sức cải tạo để trồng bắp. Nhờ phù hợp với điều kiện tự nhiên, được chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bắp phát triển tốt, cho trái to, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Hỗ trợ nông dân thực hiện dự án nuôi cá đồng trên đất rừng

Nhằm khôi phục và phát triển nguồn lợi cá đồng tự nhiên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân, chiều 10/9, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với huyện U Minh tổ chức lễ bàn giao 150 ngàn con cá giống và vật tư thực hiện dự án nuôi cá đồng trên lâm phần rừng tràm.

Gương sáng cựu chiến binh học Bác

Thời gian qua, phong trào cựu chiến binh (CCB) gương mẫu học tập và làm theo lời Bác luôn được cán bộ, hội viên Hội CCB các cấp trong huyện U Minh quan tâm, hưởng ứng. Từ phong trào này đã xuất hiện ngày càng nhiều CCB gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào ở địa phương bằng những việc làm thiết thực và ý nghĩa, là tấm gương sáng cho mọi người cùng noi theo. CCB Hoàng Mạnh Hoạch, Chi hội phó Chi hội CCB Ấp 9, xã Khánh An, là một điển hình.

Hoà Mỹ giảm nghèo hiệu quả

Thời gian qua, xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước thực hiện nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời, thường xuyên quan tâm, động viên, giúp đỡ họ phương thức làm ăn, phát triển kinh tế. Từ đó, cuộc sống hộ nghèo, cận nghèo ngày càng được nâng lên, từng bước thoát nghèo bền vững.

Giữ thương hiệu khô cá bổi U Minh

Theo báo cáo nhanh từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, toàn tỉnh có gần 300 ha nuôi cá bổi thâm canh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã: Trần Hợi, Khánh Hưng, Khánh Bình, Khánh Bình Ðông của huyện Trần Văn Thời, với diện tích 143,3 ha, 495 hộ nuôi; diện tích còn lại thuộc huyện U Minh. Ngoài trồng lúa và hoa màu, nghề nuôi cá bổi mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân ở hai huyện này.

Trầm lắng sức mua thị trường Trung thu

Chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Trung thu, nhiều cơ sở kinh doanh đã bày bán các loại bánh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận, hiện tại không khí mua sắm vẫn còn khá trầm lắng khiến nhiều tiểu thương cũng khá lo lắng về tình hình kinh doanh mùa Trung thu năm nay.

Mô hình hay, giảm nghèo hiệu quả

Với việc triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, xã Tân Lộc Ðông, huyện Thới Bình, đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo.

Vì tương lai nghề cá

Trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, khai thác thuỷ sản (KTTS) và dịch vụ hậu cần nghề cá được xác định là một trong những thế mạnh. Theo đó, để có sự phát triển toàn diện, đồng bộ, tương xứng với tiềm năng, nhất thiết phải đi đôi với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, làm nền tảng cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.