Những năm gần đây, sản lượng khai thác biển trên địa bàn huyện Ngọc Hiển giảm đáng kể, nhất là khai thác gần bờ. Huyện đang tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi nghề theo hướng vươn khơi, tạo sinh kế bền vững cho các hộ này.
- “Số hoá” thống kê sản lượng khai thác thuỷ sản
- Khen thưởng các cá nhân tuân thủ quy định khai thác thuỷ sản ở vùng biển lịch sử
- Xử phạt chủ phương tiện sử dụng kích điện khai thác thuỷ sản
- Bộ đội Biên phòng Cà Mau xử phạt hơn 250 triệu đồng vi phạm lĩnh vực khai thác thủy sản
Huyện Ngọc Hiển đang dồn mọi nguồn lực để chuyển đổi ngành nghề đối với các phương tiện đánh bắt gần bờ, sát hại nguồn lợi thuỷ sản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Út, ấp Chợ Thủ B, xã Tam Giang Tây, nhiều năm nay làm nghề cào ven bờ. Trước đây, với chiếc ghe nhỏ, hằng ngày ông Út ra biển cũng kiếm được vài triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhưng gần đây, nhiều chuyến đánh bắt về ít tôm cá, gia đình lỗ cả tiền dầu.
Ông Út tâm sự: “Tôi đã quen với nghề biển mấy chục năm nay, dù biết việc khai thác gần bờ sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản nhưng không có điều kiện chuyển sang nghề khác, bởi nguồn vốn không có. Chính quyền địa phương vận động tôi chuyển đổi nghề, tôi cũng chấp nhận, nhưng mong chính quyền cho thời gian để tôi chuẩn bị. Hiện giờ tôi hoạt động cầm chừng để lo chén cơm manh áo”.
Dù có hơn 15 năm làm nghề lưới cá chét, kinh nghiệm dày dặn, nắm vững ngư trường đánh bắt nhưng anh Nguyễn Văn SuôL, ấp Ô Rô, xã Tân Ân, cũng đành cho tàu nằm bờ, vì nhiều chuyến biển về đều lỗ phí, lượng cá đánh bắt giảm dần, thu nhập không còn như trước. “Gia đình tôi chỉ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư dàn lưới có kích thước lớn và chuyển sang nghề lưới khác để ổn định hơn”, anh SuôL bày tỏ.
Ðánh bắt ngày càng gặp khó nhưng anh Nguyễn Văn SuôL vẫn chưa biết thời gian tới chuyển đổi nghề gì cho phù hợp.
Thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 27/11/2023 của Ban Thường vụ Huyện uỷ Ngọc Hiển về tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng đối với hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn huyện, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện việc khai thác theo đúng quy định của Nhà nước. Những ngành nghề mang tính tận diệt nguồn lợi thuỷ sản phải chấm dứt hoạt động và chuyển sang nghề khác hoặc các ngư cụ đánh bắt được Nhà nước cho phép, nhằm tái tạo lại nguồn lợi, môi trường sinh thái biển.
Qua đó, đã có 556 hộ làm nghề đáy sông, đáy biển cam kết tự nguyện tháo dỡ phương tiện khai thác, đạt 100% kế hoạch; có 1.178 hộ thực hiện ký cam kết không tàng trữ, mua bán, sử dụng hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, ngư cụ khai thác có tính huỷ diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thuỷ sản. Từ đầu năm đến nay, đã có 32 hộ dân trên địa bàn huyện tự giác giao nộp bộ kích điện và chấp hành việc khai thác thuỷ sản theo quy định của Nhà nước.
Trên địa bàn xã Tam Giang Tây hiện có gần 200 phương tiện khai thác lớn nhỏ nhưng vẫn còn nhiều hộ khai thác thuỷ sản gần bờ, mang tính tận diệt.
Ông Hồ Hoàng Chương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Mục tiêu đến cuối quý III năm 2024, các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khai thác thuỷ sản đúng theo quy định, không vi phạm các nghề, ngư cụ cấm khai thác. Riêng đối với lưới kéo, đăng, đáy (đáy biển, đáy sông), te, xiệp... đang khai thác trên địa bàn huyện, chậm nhất đến hết năm 2024 phải dừng hoạt động, tự tháo dỡ toàn bộ. Các trường hợp vi phạm phải được xử lý nghiêm theo quy định. Ngoài ra, chúng tôi đang chỉ đạo các ban, ngành tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với khả năng, điều kiện nhằm ổn định kinh tế, phát huy hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi của địa phương”.
Ðể công tác chuyển đổi nghề hiệu quả, các địa phương cần có nguồn vốn lớn hỗ trợ ngư dân nâng cấp tàu cá công suất lớn theo hướng vươn khơi. Mặt khác, đối với việc chuyển đổi từ khai thác thuỷ sản trên biển sang làm việc khác trên đất liền, ngoài nguồn vốn, còn phải xét về điều kiện thực tế của mỗi hộ để xem họ có thích nghi được với nghề mới. Do đó, việc chuyển đổi nghề cần thực hiện đồng bộ cả về nguồn vốn lẫn tay nghề, nhằm tạo sinh kế bền vững cho ngư dân ven biển./.
Hồng My - Chí Hiểu