ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 19-7-25 19:33:57
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Phù sa thao thức, gửi lại thương nhớ dòng sông

Báo Cà Mau Tình cờ đọc được tập thơ Ðánh thức Sông Hồng, của tác giả Huỳnh Thuý Kiều, do Nhà xuất bản Văn học vừa ra mắt. Trong cái chiều Cà Mau mưa nặng hạt, nghe trong gió còn vọng tiếng buồn hậu cơn bão số 3, những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều như đưa người đọc vào hành trình cảm xúc tinh tế, đầy trăn trở về tình yêu quê hương, con người và cả những suy tư sâu lắng về dòng chảy thời gian.

Ðánh thức Sông Hồng, bản hoà ca của thiên nhiên và con người, nơi mà cảm xúc được dẫn dắt qua những dòng thơ tinh tế, đưa người đọc vào thế giới của thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt là hai dòng sông lớn: Sông Hồng và sông Cửu Long. Tập thơ này của Huỳnh Thuý Kiều tiếng nói nội tâm đầy chất trữ tình, những dòng cảm xúc tinh khôi về quê hương, về nỗi nhớ, về sự kết nối sâu sắc giữa con người và thiên nhiên.

Ngay từ tựa đề Ðánh thức Sông Hồng, người yêu thơ đã thấy rõ dụng ý của tác giả trong việc khơi gợi, gọi mời một dòng sông, biểu tượng vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng của miền Bắc ruột thịt. Ðánh thức phù sa đỏ, không chỉ ở khía cạnh tự nhiên, mà còn là sự đánh thức những cảm xúc, những ký ức xa xôi. Trong những bài thơ của tập, Sông Hồng hiện lên như một nhân vật sống động, có hồn, có tâm sự, trở thành nơi tác giả gửi gắm những tâm tư, nỗi niềm về cả quá khứ lẫn hiện tại.

Bài thơ mở đầu tập thơ cũng mang tên Ðánh thức Sông Hồng, một lời kêu gọi nhẹ nhàng mà tha thiết:

em muốn thử một lần đánh thức Sông Hồng

 qua cái rét nhẹ bao dung

Ở đây, dòng sông mà trở thành biểu tượng của tình yêu thương, của sự bao dung. Hình ảnh cái rét nhẹ bao dung, đặc trưng của mùa đông miền Bắc, ẩn dụ cho sự mềm mại, dịu dàng nhưng không kém phần kiên cường của con người, của đất trời.

chao chát bờ xa

thoi loi tiếng gọi

Em cầm Sông Hồng cho vơi nhớ Cửu Long

Hình ảnh "Em cầm Sông Hồng cho vơi nhớ Cửu Long" thể hiện nỗi nhớ về miền Nam thông qua biểu tượng dòng sông, nơi mà Sông Hồng trở thành cầu nối, làm dịu đi nỗi nhớ quê hương và dòng sông Cửu Long mênh mông. Sự hoà quyện giữa hai dòng sông lớn, đại diện cho hai phần không thể thiếu của Tổ quốc.

Ðể rồi Phù sa xoạc chân non nõn bật mầm

 Ðâu ngô, sắn, nong tằm, cái kén

lần đầu dạm ngõ Sông Hồng?

Câu thơ “Ðâu ngô, sắn, nong tằm, cái kén, lần đầu dạm ngõ Sông Hồng”, một lời tự sự, băn khoăn về những hình ảnh thân thuộc của làng quê, của cuộc sống mộc mạc ngày xưa. Buồn man mác khi mất mát dần dần những giá trị truyền thống khi con người đối diện với thời gian và sự phát triển.

Ðiểm nhấn đặc biệt trong thơ Huỳnh Thuý Kiều là sự giao thoa giữa hai miền đất nước - Sông Hồng và sông Cửu Long, giữa miền Bắc và miền Nam. Tác giả tự hỏi mình liệu đã "yêu hết Cửu Long chưa" trước khi bước chân rời xa. Trong sự đối lập và đồng thời hoà quyện này, hình ảnh Sông Hồng và Cửu Long hiện lên như hai nhịp đập trái tim của đất nước, với tất cả sự trù phú và đa dạng:

Cũng phù sa đỏ giống nhau thôi

cũng phơi mình bốn bề gió lộng

Phù sa - chất liệu của sự sống, của sự sinh sôi, gắn liền với dòng chảy của thời gian và sự biến đổi. Huỳnh Thuý Kiều mô tả thiên nhiên, lột tả sự đồng cảm, sự giao hoà giữa những dòng sông, giống như cách mà con người kết nối với nhau, dù ở đâu, thì vẫn là một phần của quê hương, của đất nước.

Tập thơ mang trong mình một hơi thở rất riêng về Hà Nội - thành phố ngàn năm văn hiến. Những hình ảnh quen thuộc, như “chiều Hồ Tây liễu rũ”, “những chậu cúc li ti choàng mùa quanh bờ hồ”, hay “con cá lòng tong bơi về làng gốm Bát Tràng” hiện lên trong thơ Huỳnh Thuý Kiều đầy tinh tế và dịu dàng. Cảm xúc nhớ thương Hà Nội len lỏi vào từng ngõ ngách của ký ức, của những mảnh thời gian đã trôi qua:

Xa Thủ đô rồi

em đo nhớ đầy tay

mỗi góc phố là một giấc mơ dày

Những câu thơ của Huỳnh Thuý Kiều lặng thầm nỗi nhớ về một Hà Nội thân thương, nơi những mùa thu dịu nhẹ trải dài trong ký ức, nơi những hoài niệm về tuổi trẻ, về tình yêu đan xen cùng mùa lá rụng.

Trong Ðánh thức Sông Hồng, Huỳnh Thuý Kiều còn mang đến những cảm xúc tràn đầy về miền Tây, vùng đất nơi phù sa và con người hoà quyện thành một. Bài thơ “Miền Tây” là một lời tri ân với vùng đất trù phú, nơi mà mỗi dòng sông, mỗi cọng bông điên điển, mỗi chiếc áo bà ba đều mang theo một câu chuyện:

Tà áo bà ba

Khuôn mặt chữ điền

Con trăng lệch phía rằm chưa kịp trở

Miền Tây ơi

 Miền Tây trong thơ Huỳnh Thuý Kiều là nơi chứa đựng cảnh vật, nơi lưu giữ kỷ niệm, những nét đẹp tinh tuý nhất của văn hoá và con người. Tà áo bà ba dịu dàng mà chân chất, con trăng lệch biểu tượng của sự dang dở, của những ước mơ, những hoài bão còn chưa kịp hoàn thành, tất cả đã làm nên một bức tranh miền Tây vừa đẹp lạ, vừa thân thương, vừa man mác nỗi buồn.

Nỗi nhớ về miền Tây càng trở nên sâu sắc hơn khi tác giả đưa người đọc vào thế giới của chợ nổi Cái Răng, nơi những câu hò, tiếng vọng cổ hoà vào dòng nước, tạo nên một không gian đầy chất dân gian:

Ðã lần nào đến chợ nổi Cái Răng chưa?

làm quen nhau đi

ghe này của dì Ba

ghe kia của cô Bảy

Những câu thơ mộc mạc, giản dị mà đầy chất thơ đã phác hoạ rõ nét cuộc sống trên sông nước miền Tây. Chợ nổi Cái Răng, không gian sông nước hữu tình, không gian giao thoa văn hoá chân chất tình người, tình quê. Nơi mà mỗi chiếc ghe, mỗi lời chào đều mang theo cái hồn của con người miền Tây chất phác, đôn hậu.

Một hình ảnh đẹp nữa trong tập thơ Ðánh thức Sông Hồng là sự xuất hiện của gió chướng, biểu tượng của sự thay đổi, của những mùa mới về:

Gió chướng về miền Tây

cái lạnh cũng hết sức hiền hoà

(không như rét nàng Bân - rét tháng ba bà già chết cóng)

tràm xanh U Minh vẫn vươn cao khát vọng

Gió chướng - loại gió đặc trưng của miền Tây, không lạnh lùng, vô tri, mà lại dịu dàng, đầy chất thơ. Qua những dòng thơ của Huỳnh Thuý Kiều, gió chướng mang theo những cảm xúc khó quên về một miền Tây yên bình, tươi đẹp.

Ðọc Ðánh thức Sông Hồng, người đọc không thể không cảm nhận được sự tinh tế trong từng câu chữ, sự giao thoa giữa những vùng đất và thời gian, giữa những dòng sông và con người. Mỗi bài thơ đều là một lát cắt của cảm xúc, là một hành trình đi qua những miền ký ức, nơi mà con người không chỉ tìm thấy chính mình, mà còn tìm thấy sự kết nối với thiên nhiên, với quê hương.


Huỳnh Thuý Kiều sinh năm 1979, tại Cà Mau, vùng đất mũi cực Nam của Việt Nam. Hiện tại, chị đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau, được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2022. Thơ của Huỳnh Thuý Kiều mang đậm chất trữ tình, man mác nỗi nhớ quê hương và thiên nhiên, đặc biệt là hình ảnh của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.

Trong thơ của chị, ta dễ dàng cảm nhận được một trái tim nhạy cảm, nặng tình với mảnh đất miền Tây. Những vần thơ của Huỳnh Thuý Kiều giàu cảm xúc, tạo nên sự gần gũi, sâu sắc và chan chứa những nỗi nhớ hoài niệm về vùng đất phù sa màu mỡ này. Các tác phẩm của chị đã xuất hiện trên nhiều tạp chí văn học uy tín và đã có những tập thơ như: Kiều Mây (Văn học, 2008), Giấu anh vào cỏ xanh (Văn học, 2010). Giải thưởng của Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam dành cho tác giả trẻ (2009), Giải C cuộc thi thơ 2008-2009, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Ðánh thức Sông Hồng,  một tập thơ đầy cảm xúc, mang đậm tính trữ tình và hoài niệm. Qua từng bài thơ, Huỳnh Thuý Kiều đã mang đến cho người yêu thơ những hình ảnh tuyệt đẹp về thiên nhiên và con người Việt Nam. Tập thơ chứa những suy ngẫm sâu sắc về cuộc sống, về thời gian không quay trở lại, và về tình yêu tha thiết quê hương, đất nước. Tập thơ thực sự là một tác phẩm đáng đọc, đáng cảm nhận, dành cho những ai yêu thích thơ ca, luôn tìm kiếm những xúc cảm tinh tế trong từng dòng thơ.

 

Nguyễn Hoàng Lê

 

Khi sắc màu dẫn lối

Tay máy nữ Nguyễn Bích Thu hiện sinh sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ðam mê nhiếp ảnh từ năm 2020, tuy không sinh hoạt chính quy ở tổ chức nào, nhưng tình yêu dành cho nhiếp ảnh trong chị luôn được nuôi dưỡng, vun đắp, duy trì qua rất nhiều những chuyến đi kết hợp giữa sáng tác nhiếp ảnh và du lịch trải nghiệm. Ngoài chủ đề yêu thích nhất là ảnh phong cảnh, chị cũng thích chụp ảnh chân dung, đời thường và nhiều chủ đề khác theo phong trào của anh em nhiếp ảnh tại TP Hồ Chí Minh.

Bác Ba Phi kể chuyện miệt rừng giờ đã thành miệt ước mơ

“Mấy chú ơi, đừng tưởng tui già rồi không biết thời cuộc nhen. Ừ thì tóc rụng, răng rụng, chớ tai mắt còn thính lắm. Tui nghe người ta nói Cà Mau giờ không còn là cái chấm cuối bản đồ nữa đâu nghen. Mà là chấm khởi đầu cho giấc mơ mới đó. Tui nghe mấy ổng gọi là... Cà Mau mới! Mới là phải rồi, vì mình đâu có như hồi xưa nữa!”.

Cà Mau: Đoàn kết phát triển - vững bước tương lai

Chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau với chủ đề: “Cà Mau: Đoàn kết phát triển - Vững bước tương lai” được truyền hình trực tiếp trên sóng Báo và Đài Phát thanh, truyền hình Cà Mau (CTV), Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu (BTV) và trên các nền tảng công nghệ số.

Tổng duyệt chương trình nghệ thuật chào mừng sự kiện hợp nhất hai tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu

Tối 29/6, tại Quảng trường đường Trần Hưng Đạo (Phường 5, TP Cà Mau), Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau tổ chức tổng duyệt chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu.

Khi Bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu

Trong một buổi trò chuyện ở xứ Cà Mau, khi bàn về hình ảnh biểu tượng cho sự hợp nhất giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, một bác nông dân cười hóm hỉnh: “Thì để bác Ba Phi gặp Công tử Bạc Liêu thử coi!”.

Ðậm tình với đất quê

Sinh ra và lớn lên ở Xứ Thanh, tác giả Hiệp Sơn (Phan Trung Sơn), Phó ban Nhiếp ảnh (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hoá), gắn bó máu thịt với quê hương, cả trong đời sống và sáng tác.

Bạc Liêu đến thấy yêu, xa thấy nhớ

Chẳng có cảnh sắc hùng vĩ do thiên nhiên ban tặng như nhiều nơi, vùng đất Bạc Liêu với những “đặc sản” là tính cách mến khách, nghĩa tình, những nét văn hóa không pha lẫn đã nhẹ nhàng gieo vào lòng du khách những tình cảm đặc biệt.

Trang sách mở…

​Thật lòng bây giờ nghe nói đến nhập nhập, tách tách, xuống xuống, lên lên là tôi rất… “oải chè đậu”. Hơn 30 năm theo Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh, tôi đã quá thấm cảnh “lên bờ, xuống ruộng”.

Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng

​“Một gia đình hạnh phúc là khi tất cả các thành viên đều hướng về nhau. Cùng quan tâm, cùng vun vén gìn giữ gia đình”.

Lướt mạng xã hội

Dân mạng Bạc Liêu vừa hân hoan, vừa luyến lưu trước thời khắc về với “mái nhà chung” Cà Mau