ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 08:30:28
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

"Phủ sóng" chuỗi cung ứng tiêu dùng

Báo Cà Mau (CMO) Hiện trên địa bàn tỉnh có 72 chợ và các trung tâm thương mại, siêu thị, hàng ngàn cửa hàng tiện lợi được đầu tư mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của Nhân dân.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn theo Quyết định số 2055/QĐ-UBND, ngày 28/12/2015 của UBND tỉnh Cà Mau về Phê duyệt Quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại nông thôn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Liên hoàn hạ tầng thương mại

Hệ thống cửa hàng bán lẻ với phương thức mới đã hình thành khắp các huyện trong tỉnh. (Ảnh chụp tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn).                               Ảnh: VĂN TƯỞNG 

Theo thống kê của ngành công thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Cà Mau hiện nay đạt 68.585 tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Cách nay 5 năm, tỉnh đã đề ra quan điểm phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nông thôn dựa trên cơ sở phát triển một cách toàn diện và đa dạng các cấp độ và loại hình hạ tầng thương mại hiện hữu.
Đồng thời, mục tiêu đề ra là phát triển thương mại trên địa bàn nông thôn phải gắn với việc tiêu thụ hàng hoá nông sản do nông dân sản xuất ra, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp nông thôn phát triển. Thực tế đã minh chứng, vấn đề phát triển hạ tầng thương mại nông thôn Cà Mau trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thương mại nông thôn đã và đang mang tính hiện đại, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hoá của thương nhân và dân cư trên địa bàn phù hợp với văn hoá tiêu dùng.

Xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đã có hơn 3.860 km đường, cầu giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng về lưới điện, thuỷ lợi, y tế, thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư… Việc liên kết, kích cầu từ các chợ, trung tâm thương mại là khả quan và sẽ hứa hẹn nhiều động lực trong chuỗi cung ứng hàng nông sản sạch.

Với hệ thống chợ và các trung tâm mua sắm như hiện nay đã cơ bản đáp ứng đầy đủ và kịp thời vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng dân cư với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển cửa hàng thương mại: Các loại hình cửa hàng, cửa hiệu, quầy hàng, sạp hàng của các hộ kinh doanh theo hướng hình thành các dãy phố buôn bán, các cửa hàng bách hoá, cơ sở đại lý.

TP Cà Mau đang là hạt nhân và là điểm hội tụ các hình thức, phương thức giao thương hiện đại. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn thành phố đang phát triển nhanh với 4 siêu thị, 4 trung tâm thương mại, 26 điểm chợ đang hoạt động, góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn tỉnh, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đa dạng hàng hoá nông sản tại chợ Phường 7, TP Cà Mau.                                      Ảnh: HOÀNG VŨ

Hiện, tốc độ tăng trưởng bình quân của thành phố đạt 10,23%/năm, so với năm 2015, tổng giá trị sản xuất 5 năm qua của TP Cà Mau tăng 2,16 lần, quy mô các ngành kinh tế tăng 1,52 lần, tỷ trọng ngành dịch vụ hiện chiếm tới 62,30%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 133 triệu đồng, tăng 1,64 lần và hộ nghèo chỉ còn 0,49%.

Mục tiêu phát triển kép

Chuỗi liên kết các đô thị tỉnh Cà Mau từ năm 2016-2030 chia thành 3 giai đoạn. Riêng giai đoạn 2016-2020, hệ thống đô thị toàn tỉnh phải đạt 12 đô thị. Trong đó, 1 đô thị loại I là TP Cà Mau; 2 đô thị loại IV; 9 đô thị loại V, bao gồm 7 đô thị hiện hữu (Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Cái Nước, Thới Bình, U Minh, Cái Đôi Vàm, Rạch Gốc) và 2 đô thị loại V dự kiến thành lập mới là xã Khánh Hội và Khánh Bình Tây.

Tuy đến nay mục tiêu phát triển đô thị trung tâm TP Cà Mau đạt loại I và nâng cấp thành lập 2 đô thị mới Khánh Hội và Khánh Bình Tây chưa hoàn thành nhưng với những kết quả đạt được sẽ là nền tảng vững chắc trong giai đoạn tiếp theo.

Quá trình triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Dự án nâng cấp đô thị TP Cà Mau được thực hiện hoàn thành, phát huy hiệu quả. Tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 22,7%.

Riêng TP Cà Mau đã cùng vào cuộc kiến thiết đô thị trẻ theo định hướng phát triển bền vững. Ðến nay, thành phố có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt và thông qua. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ 52,2%, quy hoạch chi tiết bao phủ 24,04% diện tích và hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở 7/7 xã của thành phố.

Giai đoạn 2015-2020, thành phố thực hiện 97 công trình với tổng mức đầu tư hơn 816 tỷ đồng. Ðến nay, đã có 69 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy kết quả, tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội và góp phần tạo nên dáng dấp mới cho đô thị nơi địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Sản phẩm sạch được cung ứng qua hệ thống siêu thị đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng.                 Ảnh: HOÀNG VŨ

Nổi bật trong số đó là Dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án TP Cà Mau. Đây là dự án có quy mô trên 103 ha, phạm vi triển khai trên địa bàn 8 phường và xã Tắc Vân với tổng số 18 khu dân cư có thu nhập thấp. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.200 tỷ đồng, trong đó 70% vốn vay của Ngân hàng Thế giới và 30% vốn đối ứng Chính phủ. Số người hưởng lợi trực tiếp từ dự án là hơn 27.000 người. Đóng góp rất lớn để TP Cà Mau hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II và hướng đến đô thị loại I vào năm 2025.

Cùng đồng hành với các địa phương trong tỉnh, Trần Văn Thời được mệnh danh là “Cà Mau thu nhỏ”, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị phục vụ giao thương luôn được chú trọng. Điều này được minh chứng bằng công trình lộ giao thông nông thôn trong 5 năm qua ở Trần Văn Thời đạt trên 480 km. Tổng vốn đầu tư trên 311 tỷ đồng, đảm bảo kết nối giao thông liên xã và kết nối đường tỉnh, đường huyện.

Hiện nay, các khu vực xã đều kết nối đến trung tâm đô thị trên địa bàn huyện và trung tâm TP Cà Mau. Công tác đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường trong đô thị tại 2 thị trấn Rạch Ráng, Sông Đốc và các xã theo quy hoạch được quan tâm. Các tuyến đường đô thị cơ bản được đảm bảo, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương và phát triển của người dân cũng như đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trung tâm thương mại Vincom Plaza được xây dựng khang trang, thuận tiện cho người dân mua sắm.                 Ảnh: PBT

Phát huy thành quả đạt được, giai đoạn 2020-2025 tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư 3 đô thị động lực: TP Cà Mau, thị trấn Sông Đốc, thị trấn Năm Căn, các đô thị ven biển và các đô thị nhỏ phù hợp với chương trình phát triển đô thị đã được phê duyệt. Phấn đấu đến năm 2025, TP Cà Mau đạt tiêu chí đô thị loại I; tỷ lệ đô thị hoá toàn tỉnh đạt 31%./.

Phong Phú