(CMO) Một trong những hoạt động nổi bật được ngành giáo dục tỉnh Cà Mau đánh giá cao đó là sáng kiến tổ chức và duy trì hoạt động ngoài giờ chính khoá ở huyện Phú Tân. Mô hình này có nhiều điểm mới và rất thiết thực.
Thay đổi từ hoạt động...
Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Phú Tân Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: “Để hoạt động này hiệu quả, trước hết ngành chủ động thành lập Ban Nội dung thực hiện chuyên đề ngoại khoá. Đến nay, ban này có 11 thành viên, có trách nhiệm biên soạn nội dung sinh hoạt cụ thể và có kế hoạch, triển khai cụ thể từng cụm trường trên địa bàn”.
Chuyên đề được thực hiện trong 2 giờ, mỗi cụm gồm các trường tiểu học và THCS gần nhau. Từ đây, bằng những mẩu chuyện kể, câu chuyện đời thường, học sinh sẽ nhận thức đúng hơn về hành vi đối xử với cha mẹ, bạn bè và thầy cô. Hướng đến tự thay đổi, hoàn thiện mình. Mỗi đợt sinh hoạt sẽ mời chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục và phụ huynh học sinh tham gia.
Qua mỗi đợt sinh hoạt, Ban Chuyên đề sẽ chỉ đạo từng trường có kế hoạch và nội dung thực hiện dài hơi. Mỗi trường phải duy trì phát huy tại đơn vị, định kỳ báo cáo về những thay đổi và sức lan toả.
“Mô hình này đang thu hút sự quan tâm của ngành và được Sở Giáo dục - Đào tạo tuyên dương, các địa phương khác học hỏi”, thầy Dũng nói.
... Đến sự quan tâm
Nhiều năm học qua, BHYT cho học sinh ở các cấp học trong huyện đạt tỷ lệ chưa cao, thậm chí dưới 90%. Năm học này, huyện bắt đầu thay đổi phương thức vận động và mang lại hiệu quả bước đầu khá ấn tượng.
Thầy Dũng chia sẻ: “Khi bắt đầu công tác tuyển sinh, nhà trường phân loại đầu vào đối tượng học sinh cụ thể về tình trạng chưa tham gia BHYT. Trong nhóm đối tượng này sẽ tiếp tục có sự phân loại: Chưa tham gia BHYT do không có điều kiện hay chưa tham gia do có điều kiện nhưng chậm. Sau đó, phòng sẽ tham mưu với Huyện uỷ và UBND huyện vận động các ngành hỗ trợ”.
Trang bị dụng cụ dạy học đầy đủ, hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. (Trong ảnh: Phòng thiết bị Trường THCS Phú Tân). |
Theo đó, năm học 2018-2019, toàn huyện có gần 20 ngàn học sinh các cấp, trong đó đã phân loại cụ thể 100 trường hợp có điều kiện nhưng chưa tham gia BHYT; 199 trường hợp khác không tham gia BHYT do gia đình khó khăn.
Sau khi phân loại, ngành giáo dục trình Huyện uỷ, UBND huyện về phương án hỗ trợ tối ưu. Với những trường hợp có điều kiện nhưng chưa tham gia BHYT thì nhà trường tiếp tục vận động; Còn 199 trường hợp khó khăn, phòng đề xuất giải pháp tặng thẻ BHYT. Giải pháp này được đồng thuận cao và huyện đã tiến hành trao thẻ BHYT tận tay các em.
Ngoài ra, trong giai đoạn tinh gọn trường lớp và giáo viên, ngành giáo dục huyện kịp thời xác định các đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn do di chuyển xa để kịp thời có sự hỗ trợ nhất định như: Sách giáo khoa, tập và xe đạp. Tất cả những việc làm này đều được thực hiện rất sát thực tế.
Và quả ngọt đầu mùa
Từ đơn vị khó khăn về giáo dục của tỉnh khi mới chia tách, năm học 2017-2018, Phú Tân đã vươn lên tốp đầu về chất lượng giáo dục và hoạt động phong trào so với các địa phương khác trong tỉnh. Từ việc cả huyện chỉ có 1 trường mẫu giáo, đến nay huyện có 10 trường mẫu giáo, trong đó có 1 trường đạt chuẩn mức độ 2 (Mẫu giáo Hương Giang, xã Việt Thắng); 23 trường tiểu học, 13 trường THCS. Toàn huyện có 56,5% trường chuẩn quốc gia (26/46 trường). Tỷ lệ này cao hơn bình quân chung của tỉnh (45%).
Huyện đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo đạt 70% trường đạt chuẩn. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của ngành cơ bản hoàn thành vẫn còn chờ nguồn vốn. “Ước tính trung bình mỗi trường đầu tư xây dựng đạt chuẩn giai đoạn này cần 10 tỷ đồng”, ông Dũng thông tin.
Ngoài ra, huyện đang có giải pháp tiếp tục sáp nhập những trường có quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) thành trường có nhiều cấp học. Việc này thực hiện sẽ giảm nhiều nhân sự trong ban giám hiệu và tăng quy mô, nâng tỷ lệ trường chuẩn toàn huyện.
Song song với những kết quả như đã nói, ngành giáo dục huyện Phú Tân còn là địa phương đang đi đầu trong công tác cải cách. Nhất là cải cách chế độ hội họp, ứng dụng CNTT vào biên soạn giáo án và giảng dạy./.
Phong Phú