Thời gian qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và mọi mặt đời sống của người dân trên cả nước nói chung và người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói riêng, kinh tế bị tác động, người lao động và người sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.
Thị trường lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều hoạt động tạm dừng, những đối tác ở thị trường nước ngoài tạm ngừng tiếp nhận lao động. Hàng chục ngàn lao động về quê “tránh dịch”… Từ những khó khăn đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhân văn nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Những lao động khó khăn sẽ hỗ trợ bước đầu để học chữ, đi lại… không quá 13.800.000 đồng/lao động. (Ảnh minh hoạ, chụp tại Công ty TNHH may xuất khẩu Hoàng Tâm, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau)
Tại Cà Mau, nhằm giúp cho người dân và doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh Cà Mau tập trung cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đồng thời vận động quỹ phòng, chống dịch được hơn 61,8 tỷ đồng để hỗ trợ cho người dân và lực lượng phòng, chống dịch; tổ chức đón 595 công dân có hoàn cảnh khó khăn đang ở các tỉnh trở về địa phương an toàn; tiếp nhận và bàn giao cho thân nhân 19 hũ tro cốt người dân tử vong do dịch Covid-19.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 03/12/2021 về kết nối, phục hồi thị trường lao động và hỗ trợ lao động tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng dịch Covid-19, qua đó đã kết nối với 653 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng cần tuyển là 66.235 lao động; kết nối giải quyết việc làm cho 27.200 lao động, lao động quay trở lại nơi làm việc (ngoài tỉnh) 59.920/62.046 lao động, đạt 96,57%. Công tác an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hơn 300 tỷ đồng cho vay ưu đãi và cho vay giải quyết việc làm.
Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố tất yếu để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Cà Mau đã tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Năm 2023, tỉnh đã triển khai Quyết định số 666/QĐ-UBND về đào tạo nghề giai đoạn 2023-2025 và kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động. Nhờ sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ, Cà Mau đã tuyển sinh, đào tạo và bồi dưỡng cho 29.702 lao động trong năm 2023, vượt 106,08% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, 976 người được đào tạo trình độ cao đẳng, 7.000 người được đào tạo sơ cấp và hơn 21.000 người được bồi dưỡng ngắn hạn.
Bên cạnh việc đào tạo nghề, Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động. Trong năm 2023, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 45.966 người, vượt 114,6% kế hoạch. Các doanh nghiệp tại Cà Mau đã tuyển dụng 15.274 lao động trong tỉnh và 30.221 lao động làm việc tại các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt 471 người. Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều sàn giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm cho hơn 17.000 người, tổ chức 36 phiên giao dịch việc làm (23 phiên trực tiếp và 13 phiên trực tuyến), với sự tham gia của hơn 3.300 lao động và 155 doanh nghiệp.
Mặc dù đã đạt nhiều thành tựu, nhưng Cà Mau vẫn đối mặt với những thách thức nhất định. Nhiều lao động nghèo, cận nghèo không có thời gian đi học nghề do áp lực kinh tế. Tâm lý người lao động vẫn còn e ngại khi đi làm xa, đặc biệt là xuất khẩu lao động. Cơ sở vật chất tại một số trường nghề chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Để khắc phục những khó khăn này, tỉnh Cà Mau đang tập trung vào nhiều giải pháp quan trọng. Việc tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người lao động về đào tạo nghề, việc làm và xuất khẩu lao động đang được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng thực tế cho sinh viên, đảm bảo họ có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Hỗ trợ tài chính cho người lao động nghèo thông qua các chính sách hỗ trợ học phí và vay vốn cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu. Đồng thời, Cà Mau tiếp tục đầu tư cải thiện cơ sở vật chất tại các trường nghề, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và tạo môi trường học tập tốt hơn cho học viên.
Theo đó, trong năm 2024, thị trường lao động bắt đầu nở rộ trở lại. Tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 48.800 lao động (đạt 121%, tang 6,27% so với năm 2023); thực hiện tốt Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, cho vay đối vưới các hộ làng nghề thuộc công viên văn hoá – du lịch Mũi Cà Mau và đối tượng xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh 602 lao động (tăng 27,81% so với cùng kỳ).
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó phòng Việc làm, Sở Nội vụ chia sẻ: “Thực hiện Nghị quyết số 21/2019/NQ-HĐND tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết vàc hi phí thủ tục để lao động đi làm việc nước ngoài theo Đề án đưa người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở chứng từ thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá 13.800.000 đồng/ lao động và hỗ trợ lao động vay chi phí xuất cảnh tối đa không quá 110 triệu đồng/lao động”.
Những đối tượng vay chi phí ban đầu (năm 2022 hỗ trợ 24 lao động; 2023: 82 lao động; 2024: 93 lao động và tháng 3/2025 hỗ trợ 17 lao động). Đối tượng vay đi xuất khẩu lao động (năm 2022: 65 lao động; 2023: 86 lao động; 2024: 94 lao động; tháng 3/2025: 28 lao động). Nguồn vốn được trích từ ngân sách của tỉnh. Số lao động dự kiến xuất khẩu năm 2025 đến hiện tại là 126 lao động”.
Thông qua sàn giao dịch đã kết nối rất nhiều lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài.
“Hiện đơn vị đang tập trung phát triển thị trường lao động, tiếp tục hỗ trợ giải quyết việc làm, thu hút lao động tìm kiếm việc làm; đảm bảo nguồn cung lao động cho phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. Tăng dần tỷ lệ lao động có việc làm trong tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế; Thực hiện tốt các giải pháp về xuất khẩu lao động, đảm bảo cuối năm đạt và vượt chỉ tiêu Kế hoạch xuất khẩu lao động năm 2025”, ông Dũng cho biết.
Với những giải pháp đã đề ra, Cà Mau đang tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động, hướng đến một thị trường lao động phát triển bền vững và hiệu quả hơn trong tương lai.
Kim Cương