(CMO) Nhiều năm qua, phong trào xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ở Cà Mau phát triển mạnh mẽ. Quỹ Khuyến học Anh hùng Phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) là một điển hình tiêu biểu về tính nhân văn, về tinh thần yêu thương đồng đội, về sự son sắt, thuỷ chung, thấm đẫm ân tình của những con người một thời từng kinh qua chiến tranh khói lửa.
Anh hùng Phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy quê xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước. Cha là Liệt sĩ Nguyễn Xưởng, từng tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ tại xưởng Ba Son, hy sinh năm 1952; Mẹ là Nguyễn Thị Lư, cũng là quân nhân. Năm 1954, ông và gia đình tập kết ra Bắc. Năm 1965, ông được đưa đi đào tạo tại Liên Xô, về nước tham gia chiến đấu. Năm 1968 ông được điều về Đoàn Không quân Yên Thế.
Ngày 19/4/1972, Nguyễn Văn Bảy và Lê Xuân Dị lái 2 máy bay Mig-17, tiến công 5 tàu chiến Mỹ đang pháo kích Đồng Hới, Quảng Bình. Khi cách mục tiêu 500 m, Nguyễn Văn Bảy thả 2 quả bom 250 kg trúng mục tiêu. Đây là lần đầu tiên, không quân Việt Nam sáng tạo cách đánh theo phương pháp “thia lia”. Ngày 6/5/1972, biên đội Mig-17 của Nguyễn Văn Bảy không chiến với 24 máy bay cường kích Mỹ. Sau khi bắn hạ một chiếc A-6, máy bay của Nguyễn Văn Bảy bị rơi trên bầu trời Thanh Hoá. Năm 1990, thi hài của ông được đưa về cải táng tại quê nhà.
Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh ký Quyết định tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy, thiếu uý, phi công, thuộc Đại đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 Không quân. Đó cũng là ngày gia tộc ông quyết định thành lập Quỹ khuyến học mang tên “Anh hùng Phi công, Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B)”. Hai anh ruột, đồng thời là hai thành viên sáng lập là ông Nguyễn Năm, khu vực TP Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Anh Sơn, khu vực tỉnh Cà Mau, do ông Nguyễn Năm làm Trưởng ban.
Ngay từ đầu, quỹ hình thành chỉ vỏn vẹn 3 triệu đồng, tiền thưởng từ quyết định của Chủ tịch nước. Sau đó, Ban quản lý quỹ được thành lập gồm 5 thành viên và soạn thảo những quy định chung, điều lệ quỹ.
Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B) được ấp ủ, chắt chiu, gom góp và dành dụm ngót hơn 20 năm qua, để giúp đỡ việc học tập của học sinh và sinh viên thuộc diện con cháu những gia đình cựu chiến binh khó khăn trong cuộc sống.
Đại diện thân tộc anh hùng Phi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy (B) trao học bổng cho các cháu là con em nữ pháo binh tỉnh Cà Mau. |
Năm 2008, Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B) về đến Cà Mau, giúp đỡ các cháu hầu hết là con của nữ pháo binh. Tổng kết 10 năm thực hiện, đã có 162 lượt cháu nhận trợ giúp với số tiền 335.825.000 đồng. Cộng với tiền cấp bổ sung học kỳ II, tiền ôn thi, tiền tàu xe, tiền hỗ trợ tìm việc làm sau tốt nghiệp đại học…, tất cả là 403.264.000 đồng.
Ông Nguyễn Anh Sơn nói: "Những khó khăn, thách thức mà quỹ chúng tôi gặp là khả năng tiền bạc có hạn trong khi nhu cầu tài trợ rất nhiều. Một năm cấp học bổng cho các cháu một lần rồi bỏ mặc hay sao? Nếu chỉ như vậy, bước chân đến trường của mỗi cháu sẽ nặng nề, có khi không tới được cổng trường. Bởi sau lưng các cháu là một gia đình nghèo, một bà mẹ nghèo, phải còng lưng vắt nốt phần sức lực cuối đời, vật lộn với bao công việc nặng nhọc để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chất lên vai, lên đầu những người mẹ này cả chục cái không: Không đất, không nhà, không lương, không tư liệu sản xuất, không vốn, không nghề... như một chiếc thuyền sắp chìm. Trong hoàn cảnh đó mà chỉ động viên hãy cố gắng tự lực vươn lên, cố gắng thoát nghèo thì bản thân họ cũng không cách nào tự vươn lên được. Điều quan trọng là chúng tôi muốn thắp lên trong tim các cháu niềm tin vào một xã hội mà quanh ta còn nhiều người tốt, làm nhiều việc tốt; Niềm tin vào một tương lai tốt đẹp mà mỗi cháu và gia đình có thể phấn đấu vươn tới được”.
Ban sáng lập còn có Quỹ Khen thưởng của Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Lư, tặng 200 ngàn đồng mỗi suất cho các cháu được nhà trường tặng giấy khen. Riêng năm học 2016-2017 có 11 cháu được nhà trường khen, quỹ đã xuất cấp 4.200.000 đồng cho các cháu.
Hàng năm, Ban quản lý quỹ đều xem xét và quyết định hỗ trợ ôn thi tốt nghiệp, thi đại học và hỗ trợ tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học cho các cháu. Năm 2010, quỹ đã nuôi cơm, thuê chỗ trọ, đóng học phí 3 tháng cho Võ Văn Thảo học lấy chứng chỉ A vi tính, sau đó lên Bình Dương làm việc. Năm 2013, quỹ đã chi cho Nguyễn Khắc Duy phí học sửa xe gắn máy tại Cần Thơ trong 6 tháng. Học xong, cơ sở cấp chứng chỉ đủ điều kiện hành nghề, về địa phương mở cơ sở làm ăn. Tổng số tiền chi cho Thảo và Duy học nghề là 21,8 triệu đồng.
Đến nay, có 10 cháu đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng; 6 cháu đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh; 20 cháu đang học tại các trường tiểu học và trung học tỉnh Cà Mau.
Ban quản lý quỹ ở Sài Gòn còn liên hệ, vận động góp đồ cũ được hơn 1.100 kg, chuyển xuống cho Cà Mau. Năm 2013, ông Nguyễn Anh Sơn vận động Hội Cựu học sinh miền Nam tại Cà Mau được 13,5 triệu đồng, trợ giúp 27 nữ pháo binh trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Nguyễn Anh Sơn hy vọng Quỹ Khuyến học Nguyễn Văn Bảy (B) sẽ ngày càng phát triển với sự chung tay góp sức đầy tình thương, sự ủng hộ nhiệt tình của các cá nhân, đơn vị, bạn bè và xã hội giúp các con cháu nữ pháo binh, cựu chiến binh hiếu học, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập ngày một tốt hơn.
Hiện nay, việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài đã trở thành phong trào sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Phong trào chăm lo cho học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học, phong trào vì nghĩa, vì tình, vì tương lai mai sau được cán bộ và Nhân dân sáng tạo với nhiều hình thức phong phú như “Chắp cánh ước mơ”; “Tiếp sức đến trường”; “Vì em hiếu học” và nhiều quỹ học bổng của: “Prudential”; “Lawrence S.Ting”, “Mai Vàng”, “Đồng hương TP. Hồ Chí Minh - Bạc Liêu, Cà Mau”, “Trái tim hồng”, “Nụ cười hồng”, “Hoa kim cương”… Nhiều tổ chức, cá nhân rất quan tâm đến phong trào xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.
Chúng ta trân trọng những tấm lòng vàng với nghĩa cử vô cùng cao quý trong việc chăm lo cho các thế hệ tương lai, càng biết ơn gia đình, thân tộc Anh hùng Phi công Liệt sĩ Nguyễn Văn Bảy đã âm thầm nêu tấm gương trong sáng, tuyệt vời cho hôm nay và mãi mãi./.
Trường Sơn Đông
(B) Do đơn vị có 2 người trùng họ tên Nguyễn Văn Bảy nên anh em gọi ông là Nguyễn Văn Bảy (B)