(CMO) Phát huy hiệu quả các phong trào, cuộc vận động “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, số hộ nghèo nhiều, địa bàn có nhiều hộ đăng ký thoát nghèo, huyện Ðầm Dơi đang tập trung nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đăng ký thoát nghèo bền vững; đồng thời khơi dậy, khuyến khích sự tích cực, chủ động của hộ nghèo, hộ cận nghèo trong việc tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, đăng ký thoát nghèo bền vững.
Toàn huyện Ðầm Dơi hiện có gần 44.000 hộ dân, trong đó có 1.813 hộ nghèo, chiếm 4,12%; hộ cận nghèo 1.067 hộ, chiếm 2,43 %. Trong tổng số 1.813 hộ nghèo, có 10 hộ nghèo khu vực thành thị, 1.803 hộ nghèo khu vực nông thôn; hộ nghèo dân tộc thiểu số 309 hộ; hộ nghèo không có khả năng lao động 229 hộ. Huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng người có công với cách mạng.
Qua phân tích, hộ nghèo theo các nguyên nhân nghèo, hộ nghèo không có đất sản xuất 1.231; hộ nghèo không có vốn sản xuất, kinh doanh 1.112 hộ; hộ nghèo không có lao động 217 hộ; hộ nghèo không có công cụ, phương tiện sản xuất 729 hộ; hộ nghèo không có kiến thức về sản xuất 434 hộ; hộ nghèo không có kỹ năng lao động, sản xuất 259 hộ; hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn 258 hộ và hộ nghèo do ảnh hưởng nhiều nguyên nhân khác 10 hộ.
Ông Lê Thanh Hải, ấp Thuận Long A, xã Tân Tiến bìa trái phát triển kinh tế vươn lên từ mô hình nuôi dê và đang hướng dẫn cách nuôi dê cho người dân. |
Năm 2022, huyện đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 0,7% trở lên, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 0,4%. Ông Phạm Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Căn cứ danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức phân loại, lập danh sách từng nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo có khả năng thoát nghèo, không có khả năng thoát nghèo trong năm 2022 của từng khóm, ấp để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện, khả năng của mỗi hộ nghèo. Thực hiện rà soát, nắm chắc đặc điểm, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của hộ nghèo có thành viên đang hưởng chính sách trợ cấp người có công, lập hồ sơ theo dõi, quản lý và ban hành kế hoạch chi tiết hỗ trợ thoát nghèo, đảm bảo không còn hộ nghèo có thành viên đang hưởng chính sách trợ cấp người có công nếu có”.
Gia đình ông Huỳnh Văn Cáp, ấp Tân Thới B, xã Tạ An Khương Ðông, là hộ nghèo nhiều năm. Cuối năm 2018 ông được hỗ trợ căn nhà theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ. Gia đình còn được hỗ trợ 2.000 con tôm sú giống, 1.000 con cua giống trị giá 1,5 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, trên diện tích 10 công đất sản xuất, ông cải tạo lại, quyết tâm làm ăn. Sản xuất đạt hiệu quả, cuộc sống của gia đình vươn lên.
Ông Huỳnh Văn Cáp bày tỏ: “Hoàn cảnh gia đình tôi nghèo, căn nhà cũng sập, nhờ Nhà nước quan tâm cho được căn nhà, rồi hỗ trợ thêm con giống, tôi rất mừng. Tôi cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo”.
Ông Phạm Thanh Liêm cho biết thêm, thời gian tới, để việc giảm nghèo đạt kế hoạch đề ra, huyện sẽ tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững. Theo đó, mỗi hộ nghèo trong danh sách phải được thể hiện rõ đặc điểm, hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, điều kiện sống (đất đai, lao động, việc làm, tình trạng nhà ở, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh...) và nguyện vọng cần hỗ trợ để thoát nghèo bền vững. Tuỳ theo thực trạng, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, giao UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ, đảng viên, thành viên Ban Chỉ đạo, Ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc đề nghị các cơ quan, đơn vị cấp huyện nhận hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thực hiện kế hoạch thoát nghèo bền vững theo đăng ký với UBND xã, thị trấn.
Ngoài ra, huyện còn tổ chức thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách giảm nghèo để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững theo hướng tiếp cận đa chiều. Tăng cường huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo./.
Thuỳ Mỵ