Trong nỗ lực chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp (IUU) của Cà Mau, Công an huyện Ngọc Hiển vừa khởi tố và bắt tạm giam Trương Văn Sang (37 tuổi, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển), thuyền trưởng tàu cá CM-08710-TS, về hành vi vận chuyển 9 thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác không đúng quy định. Đây là một phần trong kế hoạch điều tra và xử lý tàu cá vi phạm trên biển của tỉnh Cà Mau. Đến nay, các lực lượng chức năng Cà Mau đã tiến hành xử phạt 206 vụ vi phạm về khai thác thủy sản với số tiền 7.645,85 triệu đồng. Trong đó, vi phạm IUU 114 vụ/6.424,25 triệu đồng (vi phạm vùng biển nước ngoài 02 tàu cá/1.800 triệu đồng; vi phạm về giám sát hành trình 48 vụ/3.408 triệu đồng). Bên cạnh đó, công an còn khởi tố, đưa ra xét xử các vụ án hình sự liên quan đến hoạt động trái phép của tàu cá trên biển, thể hiện trách nhiệm và sự quyết tâm cao của tỉnh Cà Mau trước cả nước trong việc gỡ “thẻ vàng” từ EC.
- Hành động mạnh mẽ, quyết tâm gỡ thẻ vàng của EC
- Cơ hội gỡ “thẻ vàng”
- Quyết tâm gỡ "thẻ vàng" IUU
- Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” EC về IUU
Chấp hành các quy định chống khai thác thuỷ sản IUU là trách nhiệm của chủ tàu và ngư dân để bảo vệ lợi ích cho chính mình. Ảnh: Thanh Minh
Cà Mau sở hữu bờ biển dài 254 km từ Đông sang Tây, ngư trường rộng hơn 71.000 km², giáp với các nước như Thái Lan, Campuchia, Singapore và Indonesia, là 1 trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước, với đội tàu cá hơn 4.300 chiếc, sản lượng khai thác gần 3.000 tấn thuỷ sản mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, đặc biệt là tình trạng khai thác thuỷ sản trái phép trên biển.
Trong 7 năm qua, đặc biệt là năm 2024, Cà Mau tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giải quyết các hạn chế mà EC khuyến cáo để hướng tới gỡ “thẻ vàng” IUU. Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chủ tàu và ngư dân về trách nhiệm và quyền lợi khai thác thuỷ sản hợp pháp. Đến nay, 100 % tàu cá đang hoạt động đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và 100 % dữ liệu tàu cá đã được cập nhật trên phần mềm quản lý quốc gia. Công tác tuần tra, kiểm soát cũng được tăng cường, không bỏ sót lượt tàu ra vào cảng và người ra biển…
Mặc dù công tác chống khai thác IUU đạt nhiều kết quả tích cực, Cà Mau vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có tình trạng tàu “3 không”. Kết quả xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế, nhất là các vụ vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác xác minh, thu thập chứng cứ vi phạm trên biển gặp nhiều khó khăn và tốn thời gian, trong khi một số vụ việc không thu thập được chứng cứ.
Trong thời gian tới, để công tác chống khai thác IUU hiệu quả và tiến tới gỡ “thẻ vàng” của EC, không chỉ riêng tỉnh Cà Mau mà tất cả các tỉnh, thành ven biển cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động từng chủ tàu, phổ biến cụ thể để từng ngư dân hiểu biết và thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU.
Công tác chống khai thác IUU cần sự quyết liệt, đồng bộ và kịp thời của tất cả các tỉnh, thành ven biển, vì đây không phải là trách nhiệm của riêng một tỉnh nào. Nếu một hoặc nhiều tỉnh làm tốt nhưng tỉnh khác lơ là, kết quả chung sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tiếp tục tập trung kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt các đầu việc cụ thể, kịp thời theo tiến độ yêu cầu của Trung ương đặt ra cho các địa phương. Nơi nào lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện chậm thì cần xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương đó.
Việc gỡ “thẻ vàng” của EC hiện nay là vấn đề cấp thiết để hạn chế thiệt hại về kinh tế cho ngành thuỷ sản Việt Nam tại thị trường châu Âu. Về lâu dài, Việt Nam cần duy trì và xử lý dứt điểm các vụ vi phạm khai thác thuỷ sản theo khuyến cáo của EC, làm tiền đề xây dựng và phát triển ngành khai thác thuỷ sản ổn định, bền vững.
Để làm được điều này, Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp như: nâng cao nhận thức cho ngư dân, chủ tàu về khai thác hợp pháp thông qua công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng nghề… Tiếp tục đầu tư công nghệ để nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát và quản lý tàu cá, đảm bảo mọi hoạt động được theo dõi chặt chẽ. Tăng cường phối hợp giữa các tỉnh, thành ven biển trong cả nước và hợp tác với các quốc gia trong khu vực để đồng bộ hoá các biện pháp chống khai thác IUU. Đồng thời, đưa ra chính sách khuyến khích ngư dân tham gia vào các hoạt động khai thác thuỷ sản bền vững. Xây dựng các khu vực bảo tồn biển và quản lý nguồn lợi thuỷ hải sản để tái tạo các nguồn tài nguyên biển.
Góp phần vào sự phát triển bền vững ngành thuỷ sản Việt Nam, không chỉ Cà Mau mà tất cả các tỉnh, thành ven biển trong cả nước cũng như các bộ, ngành của Trung ương cần phải có sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm chính trị cao trong chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC./.
Ngọc Hân