Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp cùng Tỉnh đoàn tìm kiếm việc làm theo nhu cầu và mong muốn của đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).
Trong năm 2025, cơ hội việc làm trong và ngoài tỉnh rất khả quan. Hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để hoạt động trở lại sau khủng hoảng kinh tế. Hằng tháng, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận nhiều đơn hàng, đặc biệt là nhiều đơn việc làm trong tỉnh có nhu cầu từ 500 lao động trở lên.
Hiện nguồn kinh phí để thực hiện chương trình giải quyết, tư vấn việc làm cho các địa phương được sử dụng từ nguồn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, từ nguồn ngân sách tỉnh thực hiện chính sách đặc thù là cho vay giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động...
Ðể giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp cùng Tỉnh đoàn rà soát nhu cầu việc làm của ÐVTN địa phương. Cụ thể, các xã đoàn sẽ rà soát, cập nhật danh sách nhu cầu tìm việc làm, sau đó gửi lên Tỉnh đoàn. Khi nhận được danh sách từ Tỉnh đoàn, Trung tâm sẽ gọi điện tư vấn trực tiếp cho từng lao động.
ÐVTN địa phương được tư vấn và đăng ký nhu cầu việc làm từ các huyện đoàn, xã đoàn.
Anh Nguyễn Hoài Nam, Phó bí thư Huyện đoàn Thới Bình, cho biết: “Thời gian qua, Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện nhiều hoạt động nhằm tư vấn và giới thiệu việc làm cho ÐVTN. Cụ thể, Huyện đoàn tổ chức định kỳ các phiên giao dịch việc làm, tại đây thanh niên có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với các nhà tuyển dụng, tìm hiểu về cơ hội việc làm phù hợp. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp, giúp thanh niên hiểu rõ về nhu cầu thị trường lao động, các kỹ năng cần thiết và các ngành nghề có tiềm năng phát triển. ÐVTN tích cực phối hợp, với mong muốn có được công việc phù hợp, tạo ra nguồn thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ phần nào kinh tế cho gia đình”.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là ÐVTN đang trong độ tuổi xuất khẩu lao động nhưng chỉ đăng ký làm việc ở trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, chế độ hỗ trợ việc làm trong và ngoài tỉnh không có chính sách đặc thù, cũng không hiệu quả bằng xuất khẩu lao động.
Bà Quách Thanh Thoảng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, cho biết: “Năm nay chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong tư vấn giới thiệu việc làm cho thanh niên, nhất là vùng sâu, vùng xa. Từ đầu năm đến nay, trung tâm chỉ tổ chức định kỳ mỗi tháng 2 phiên giao dịch việc làm cho người đang hưởng chính sách thất nghiệp, vẫn chưa tiếp cận trực tiếp được với lao động ở địa phương. Hiện nay, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động địa phương chỉ thông qua hình thức online, gồm các hộp thư, trang thông tin điện tử của trung tâm; người lao động gọi đến từ điện thoại thông qua robot AI. Một ngày robot AI tiếp nhận bao nhiêu người, chúng tôi sẽ cho nhân viên trích xuất hết thông tin để xem người lao động hỏi sâu về lĩnh vực nào, chuyên viên của trung tâm gọi điện lại và tư vấn kỹ hơn cho người lao động có nhu cầu".
"Chúng tôi khai thác được khá nhiều đơn hàng xuất khẩu lao động trong năm nay. Ðơn hàng đa dạng, phong phú nhiều ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng của thị trường ngoài nước khá nhiều, tăng so với hằng năm. Tiêu biểu như thị trường Nhật Bản tăng đột biến, thậm chí chúng ta không tìm được nguồn lao động để cung ứng cho phía Nhật Bản. Lao động của Cà Mau xuất khẩu lao động chủ yếu ở các ngành nghề như: trang trí nội thất, xây dựng, công nghệ ô tô, điện tử, sản xuất các loại mỹ phẩm, các dịch vụ khách sạn, ăn uống... Chúng ta không vận động đủ nguồn lao động để cung ứng. Một tuần chúng tôi chỉ cần có 5-7 lao động xuất khẩu, doanh nghiệp sẵn sàng mang xe xuống đón tận nơi, nhưng lại không có”, bà Quách Thanh Thoảng cho biết thêm.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tham mưu Sở Nội vụ kế hoạch tổ chức khoảng 40 phiên giao dịch việc làm, bắt đầu thực hiện từ ngày 15/7 đến cuối năm. Ngoài ra, tổ chức khoảng 30 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm ở các khu công nghiệp, trường học..., những nơi tập trung đông lao động và khi địa phương có nhu cầu.
Song song với việc rà soát và giới thiệu việc làm ÐVTN, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch đào tạo nghề năm 2025. Trong kế hoạch, tỉnh sẽ thực hiện tuyển sinh, đào tạo 28 ngàn người trong năm nay, bao gồm: cao đẳng, trung cấp 1.840 người, sơ cấp 3.100 người; đào tạo thường xuyên, bồi dưỡng, truyền nghề 23.060 người. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 60%, số lượng có văn bằng, chứng chỉ đạt 27%.
Ông Phạm Chí Hải, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch đào tạo nghề năm 2025 trên 28 tỷ đồng, nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề, đồng thời kịp thời trang bị kiến thức, kỹ năng nghề cho người lao động. Song song đó, Sở Nội vụ chỉ đạo sát sao việc tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, chuyển đổi việc làm phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại từng địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích, huy động và tạo sự đồng thuận cùng nhau vào cuộc của các doanh nghiệp, người lao động trong thực hiện chính sách đào tạo nghề, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội Ðại biểu Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 trong công tác này./.
Lam Khánh