“Việc cải cách hành chính (CCHC) cần rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm... để dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ thúc đẩy, khơi thông nguồn lực đất nước”, đây là yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc lại nhiều lần trong các cuộc họp liên quan đến công tác CCHC với các địa phương.
- Cải cách tốt, phát triển nhanh
- Cà Mau đứng hạng 34 Chỉ số Cải cách hành chính
- Phát huy thành tích, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính
Theo đó, trong chỉ đạo về cải thiện Chỉ số PAR INDEX (Chỉ số CCHC), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương) trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC nói chung và Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS của tỉnh nói riêng. Phấn đấu năm 2024, các lĩnh vực đánh giá, tiêu chí, tiêu chí thành phần của Chỉ số PAR INDEX, Chỉ số SIPAS được cải thiện so với kết quả đã đạt được năm 2023; tăng điểm của từng tiêu chí, tiêu chí thành phần chưa đạt điểm hoặc đạt điểm chưa cao.
Năm 2023, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 86,89%, xếp hạng 34/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (tăng 1,16% nhưng giảm 4 bậc so với năm 2022); Chỉ số SIPAS đạt 84,14%, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 1,53%, giảm 15 bậc so với năm 2022). Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc tham mưu cải thiện Chỉ số PAR INDEX và Chỉ số SIPAS năm 2024. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là các cơ quan chủ trì các nội dung lĩnh vực được phân công cần tham gia, vào cuộc quyết liệt hơn nữa đối với công tác CCHC của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.
Tỉnh phấn đấu cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Ðây là 2 chỉ số trong năm 2023 giảm nhiều bậc so với năm 2022. (Ảnh chụp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh).
Tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, năm 2024, đơn vị quyết tâm phát triển các nền tảng, cơ sở dữ liệu đạt 3,5 điểm (điểm chuẩn) và duy trì phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước đạt 3 điểm (điểm chuẩn). Ðể đạt kết quả này, đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh, phiên bản 3.0 hướng tới Chính quyền số, đảm bảo phù hợp với khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0 hướng tới Chính phủ số; theo dõi, hướng dẫn các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo theo mô hình kiến trúc đã được phê duyệt. Tiếp tục đầu tư mở rộng năng lực cho Trung tâm dữ liệu tỉnh phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Ðồng thời, chủ động rà soát, tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT để được hướng dẫn triển khai kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ (sau khi nền tảng này đưa vào vận hành) theo quy định. Tiếp tục triển khai xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Cổng Dịch vụ dữ liệu mở (Open Data) của tỉnh. Thông qua Open Data của tỉnh, các ứng dụng, hệ thống thông tin có dữ liệu dùng chung được kết nối, sử dụng, chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP). Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện hoàn thành kết nối dịch vụ của tỉnh có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo hướng dẫn của Bộ TT&TT và các bộ, ngành khác với Trục LGSP của tỉnh phục vụ khai thác sử dụng của các cơ quan Nhà nước trong tỉnh. Ðồng thời, rà soát các dịch vụ hoàn thành kết nối đưa vào sử dụng chính thức có phát sinh giao dịch.
Ðối với phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan Nhà nước, ông Trần Văn Trung, Giám đốc Sở TT&TT, cho biết, đơn vị tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành; Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đáp ứng đầy đủ về tính năng sử dụng; tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu từ Trung ương đến địa phương. Bảo đảm duy trì điểm tối đa đối với tiêu chí “Tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng”.
Năm 2023, Chỉ số thành phần “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” của tỉnh Cà Mau tăng chỉ số (tăng 11,71% so với năm 2022) và tăng vị trí xếp hạng (tăng 25 bậc so với năm 2022), xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn 2 tiêu chí thành phần chưa đạt điểm tối đa. Cụ thể, tiêu chí “Triển khai trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây” chỉ đạt 0.5/1 điểm, lý do là nền tảng điện toán đám mây của Chính phủ vẫn chưa vận hành, chưa sẵn sàng kết nối. Tại tiêu chí “Tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức” chỉ đạt 0.5882/1 điểm, lý do là theo số liệu Bộ TT&TT thẩm định năm 2023, tỉnh Cà Mau có 10/17 dịch vụ có kết nối chính thức (có phát sinh dữ liệu giao dịch), đạt 58,82%.
Sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa đối với công tác CCHC của tỉnh nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, tạo sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.
Ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, cho biết, đối với đơn vị, năm 2024, phấn đấu tăng chỉ số 2% và tăng 20 bậc xếp hạng đối với Chỉ số Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật. “Ðánh giá tình hình theo dõi thi hành pháp luật (THPL), phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong công tác theo dõi THPL, từ đó ban hành các giải pháp thi hành luật phù hợp với các điều kiện thực tiễn của địa phương để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc”, ông Phạm Quốc Sử thông tin về giải pháp nâng cao công tác theo dõi THPL trên địa bàn, đồng thời cho biết sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tại và có hướng xử lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả THPL trên địa bàn tỉnh.
Ðối với công tác tự kiểm tra, kiểm tra và rà soát; hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật năm 2024; theo chức năng, nhiệm vụ, đơn vị chủ động thực hiện công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật (rà soát thường xuyên), đồng thời thực hiện hiệu quả rà soát theo chuyên đề, định kỳ; kịp thời phát hiện, tham mưu xử lý những văn bản không còn phù hợp, hết hiệu lực thi hành đảm bảo đúng thời hạn và đạt chất lượng.
“Thực hiện hiệu quả những nội dung trên là nhằm làm tốt công tác tham mưu, bảo đảm kịp thời, đúng quy trình, tiến độ và đạt chất lượng ban hành, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ðảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý Nhà nước về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản, theo dõi THPL”, ông Phạm Quốc Sử nêu yêu cầu của ngành.
“Trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cải cách TTHC, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải phân định rõ các bước trong quy trình giải quyết TTHC, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Thường xuyên theo dõi, chấn chỉnh tác phong, lề lối và thái độ làm việc của công chức, viên chức tại bộ phận một cửa các cấp; mạnh dạn thay đổi những công chức, viên chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, thân thiện và tận tình phục vụ Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu hoặc chậm xử lý giải quyết hồ sơ TTHC cho tổ chức, cá nhân; xử lý, kiến nghị xử lý các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có sai phạm trong quá trình giải quyết TTHC”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi nhấn mạnh.
Trần Nguyên