Sông Bassac xuôi về lãnh thổ Việt Nam chia 2 ngã, nhánh dọc biên giới với Campuchia tên gọi Bình Di, nhánh xuôi về đồng bằng châu thổ Cửu Long tên Sông Hậu. Như động mạch chủ, 2 dòng sông mang nước ngọt và phù sa tưới mát vùng đất trù phú phía đầu nguồn huyện cù lao An Phú (tỉnh An Giang) rồi hợp lưu tại Cồn Tiên, thị trấn Ða Phước (huyện An Phú), hình thành vùng nuôi cá lồng, bè trứ danh. Giờ đây, từ TP Châu Ðốc nhìn về Ða Phước như nhìn thấy hết sự trỗi dậy của vùng kinh tế năng động cù lao.
Chuyến đò Phước Hưng - vàm Phú Hữu vượt Sông Hậu đưa tôi đến vùng biên giới xã Phú Hữu, huyện An Phú. Lần đầu tiên đặt chân lên cầu Cỏ Lau - cầu biên giới dài nhất miền Tây với 381 m, rộng 4 m nối liền 2 ấp: Phú Lợi, Phú Quới (xã Phú Hữu, huyện An Phú). Do địa hình khu vực đồng trống, bị ngập sâu vào mùa lũ nên chiếc cầu dài 21 nhịp mới có thể kết nối đôi bờ.
Cầu Cỏ Lau kết nối thuận lợi lưu thông vùng biên giới xã Phú Hữu.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, thông tin: “Trước đây, bà con qua lại khu vực này khó khăn, mùa nước nổi di chuyển càng nguy hiểm hơn. Nhờ có cầu Cỏ Lau, việc vận chuyển hàng hoá, lưu thông của bà con dễ dàng; học sinh đến trường an toàn”.
Tuyến biên giới xã Phú Hữu giáp ranh với phường Prek Chrey, TP Sampapun, Vương quốc Campuchia. Thời kháng chiến, Phú Lợi là căn cứ cách mạng của tỉnh An Giang. Người dân nơi đây ngoài trồng lúa còn tăng gia trên cùng diện tích bằng các loại cây ngắn ngày: bắp, ớt, đậu phộng... Theo kinh nghiệm của ông Ðỗ Văn Hùng, 65 tuổi, ấp Phú Lợi: “1 công ruộng trồng ớt mùa này cho huê lợi cao hơn làm lúa 3 lần”.
Dưới nắng gắt, hàng chục nhân công miệt mài phơi ớt khô do ông Ðỗ Văn Hùng thu mua. Cách đó không xa là hàng chục công nhân phân loại đậu phộng, để kịp đóng bao giao hàng đi các tỉnh. Không khí làm việc náo nhiệt như xoá tan oi bức giữa trưa tháng 3.
Ông Hùng hồ hởi: “Nắng này thuận phơi ớt. Năm nay lượng thu mua cao, đơn hàng tôi xuất giao trước mùa mưa trên 100 tấn, giá thu mua tại vườn 13 ngàn đồng/ký ớt tươi. Ngoài ra, nhân công phơi, vận chuyển ớt cũng thu nhập từ 250 ngàn đồng/ngày, nhân công phân loại ớt tôi thuê 20 ngàn đồng/giờ làm việc”.
Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết thêm: “Rẫy ớt, bắp và ruộng lúa ở xã đang vào mùa thu hoạch. Năm nay, giá nông sản ổn định, nông dân phấn khởi, người lao động có việc làm, mùa vụ ổn định. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự được duy trì”.
Nông dân Khánh Bình thu hoạch lúa.
Từ Phú Hữu, theo rạch Cỏ Lau vòng lên phía thượng nguồn Sông Hậu, qua thị trấn Long Bình là cả vùng canh tác nông nghiệp trù phú. Nông dân trong huyện An Phú mạnh dạn trồng xoài keo vàng theo hướng hữu cơ, đơn cử như ở xã Khánh Bình, với hơn 620 ha. Ðây là hướng đi đúng, giúp nông sản nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Giờ xoài keo vàng An Phú chinh phục thị trường hơn 10 quốc gia.
Chiều an yên trên Sông Hậu.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị trấn Long Bình, đưa chúng tôi lên Cột mốc biên giới quốc gia 246-1. Ðó là nơi đầu nguồn Sông Hậu, sông Bình Di chảy về lãnh thổ Việt Nam từ sông Bassac. Cả 2 nhánh sông chia nhau tưới mát vùng cù lao An Phú, rồi hợp lưu tại Cồn Tiên, tạo nên vùng giáp nước mênh mông, thuận lợi phát triển nghề nuôi cá nước ngọt, vực dậy kinh tế một thời vàng son ở An Giang.
Nước ở nhánh sông Bình Di chảy xiết, không hiền hoà như Sông Hậu. Như bù đắp lại sự hung tợn, tạo hoá ban cho nhánh sông Bình Di nhiều loài cá đặc sản: cá tra dầu, cá hô, cá cóc... Không những thế, trên đường đi qua, Bình Di liên tục rót nước ngọt vào Búng Bình Thiên, nơi mệnh danh là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, đủ nuôi hàng ngàn mẫu đất canh tác nông nghiệp, hoa màu cho cư dân 4 xã: Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội và Quốc Thái.
Có ai ngờ, nước sông Bình Di mùa lũ ngầu phù sa chảy xiết, nhưng khi vào Búng Bình Thiên thì dịu lại, trong vắt, mát lạnh. Ông Võ Văn Hến, 84 tuổi, ngụ xã Quốc Thái, ngời ánh mắt: “Hồi trước, dân ở đây cuộc sống khó khăn nên xuôi theo sông Bình Di vào Búng để giăng câu, bắt cá. Tôi cũng từng vào đó mưu sinh. Ðến nay, nước ở Búng vẫn đủ cung cấp, nuôi những mẫu ruộng bạt ngàn. Ðời sống người dân trong vùng khấm khá hẳn, hạ tầng giao thông cũng phát triển thuận lợi”.
Ông Mohamach, 67 tuổi, dân tộc Chăm, xã Nhơn Hội, gắn bó với vùng đất Búng, khề khà: “Búng Bình Thiên cưu mang nhiều thế hệ người dân ở Nhơn Hội, Quốc Thái... Búng như báu vật của trời ban cho người dân xứ đầu nguồn An Phú”. Những lão ngư còn bàn nhau chuyện chuyển đổi phương thức mưu sinh ở Búng. Giờ dân địa phương không chỉ đánh bắt cá tự nhiên, mà còn kết hợp nuôi. Dù bè không lớn, nhiều như ở làng Ða Phước cách đó 20 km, nhưng cũng đảm bảo đời sống khá hơn.
Ông Nguyễn Nhu, Phó chủ tịch UBND thị trấn Ða Phước, thông tin: “Thị trấn có hơn 600 bè nuôi cá. Ngày trước, bà con thả nuôi cá tra, ba sa, loài đặc sản và là hàng xuất khẩu trứ danh; mấy năm gần đây có sự dịch chuyển giống nuôi. Giờ hầu hết bà con nuôi các loài cá tiêu thụ nội địa như: chim trắng, mè vinh, cá he... Với đặc trưng vùng sông nước, tỉnh đang triển khai mô hình kết hợp du lịch, nếu thành công, sẽ là động lực giúp Ða Phước phát triển”.
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa, một trong những cư dân tiên phong phát triển dịch vụ du lịch ở làng cá Ða Phước, chia sẻ: “Tôi đầu tư tàu đưa rước khách trải nghiệm làng cá mấy năm nay. Dù chưa phát triển quy mô lớn nhưng có thể định hình được phương thức mới, mở ra cơ hội cho người nuôi cá lồng, bè kết hợp du lịch”.
Làng bè đa sắc màu thị trấn Ða Phước.
Theo Trung tá Phạm Hoài Thanh, Chính trị viên Ban CHQS huyện An Phú: “An Phú là huyện đầu nguồn Sông Hậu của tỉnh An Giang, có đường biên giới dài 42,5 km; 8/14 xã, thị trấn có đường biên giới giáp ranh với các tỉnh của Vương quốc Campuchia; 3/5 xóm Chăm ở xã biên giới. Song song đó, huyện xác định giữ vững ổn định biên giới là nhiệm vụ trọng yếu, nên tăng cường giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự xã hội, an toàn giao thông; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, thân thiện với chính quyền và các lực lượng nước bạn Campuchia. Từ đặc thù ấy, những năm qua, Ban CHQS huyện đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc. Bà con phấn khởi, đồng hành cùng địa phương xây dựng cuộc sống không ngừng đổi mới”.
Ngày 23/5/2005, An Phú vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phát huy truyền thống, An Phú ngày nay đang từng bước vươn lên mạnh mẽ.
Ông Chau Anne, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang, thông tin: “An Giang có 18/156 xã, phường, thị trấn có đường biên giới trên bộ, dài gần 100 km; trong đó, huyện An Phú có 8 xã, thị trấn có đường biên giới dài 42,5 km. Tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đặc biệt người Chăm sống tập trung ở 5/11 huyện, thị, thành phố, sống quần tụ thành 9 làng Chăm ven Sông Hậu, riêng huyện An Phú có 5 xã có đông đồng bào dân tộc Chăm”.
Như Sông Hậu và Bình Di, 2 tuyến Ðường tỉnh 957 và Quốc lộ 91C bao bọc An Phú, kết nối liên hoàn các tuyến giao thông huyết mạch nội địa và quốc tế, là thời cơ lớn cho những mối quan hệ hợp tác bền vững vùng cù lao An Phú trong tương lai.
Mặt trời chìm dần sau núi, đèn ở làng nuôi cá bè Ða Phước sáng rực, lung linh trên Sông Hậu. Dấu ấn trên vùng đất An Phú hôm nay là tiền đề cho tương lai đầy triển vọng của huyện đầu nguồn biên giới./.
Phong Phú