(CMO) Từ mong muốn làm phong phú đời sống tinh thần và mở ra cơ hội biểu diễn cho hội viên có đam mê, năng khiếu ca hát, Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ của Hội Người mù tỉnh Cà Mau ra đời, với sự tham gia của 15 thành viên.
“Có CLB để tham gia, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Tôi đam mê ca hát, ước mơ mang lời ca tiếng hát của mình phục vụ bà con, mang lại niềm vui cho mọi người. Bị khiếm thị, tôi có thể khó làm một số việc, nhưng còn với văn nghệ thì dù ở đâu tôi cũng cố gắng tham gia”, anh Trần Quang Xuyên (xã Khánh An, huyện U Minh) chia sẻ. Ðây có lẽ cũng là tiếng lòng chung của 15 người đang có mặt tại buổi sinh hoạt văn nghệ tại trụ sở của Hội Người mù tỉnh (đường Lý Văn Lâm, Phường 1, TP Cà Mau).
CLB duy trì sinh hoạt mỗi tháng 1 lần, trụ sở nằm trên đường Lý Văn Lâm, Phường 1, TP Cà Mau.
Không may mất đi ánh sáng từ nhỏ, anh Xuyên dành tình yêu đặc biệt cho văn nghệ và nhiều năm qua niềm vui lớn của anh là nhận được lời mời đi hát. Nên dù ở xa, hoặc có việc khác phải làm trùng ngày sinh hoạt CLB, anh đều hoãn lại để được sống với đam mê, được kết nối với những tâm hồn đồng điệu. Với anh, đó là hạnh phúc. Suốt buổi sinh hoạt, không chỉ anh Xuyên, các thành viên khác ai nấy đều tươi cười, rạng rỡ.
Có lẽ cũng tìm được hạnh phúc tại nơi này mà anh Tô Văn Lập (xã Việt Thắng, huyện Phú Tân) sẵn sàng nghỉ bán hàng rong một ngày để tham gia. Anh Lập sống một mình trong căn trọ nhỏ. Mỗi ngày, công việc mưu sinh của anh là gánh hàng nhỏ mang trước ngực rong ruổi đi bán. Hôm nay không bán được hàng nhưng trên gương mặt người đàn ông trung niên này không có biểu hiện gì cho nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, bởi anh đang tận hưởng những giây phút thăng hoa với đam mê âm nhạc. Câu vọng cổ anh hát thật mùi, nhưng vẫn bảo: “Tôi không dám nhận mình hát hay, tôi chỉ dám nói mình đam mê hát”.
Buổi sinh hoạt sẽ bớt đi phần thú vị nếu thiếu tiếng đàn của anh Lê Nhật Ngân, Phó chủ tịch Hội Người mù, tay đàn chính của CLB. Sau một trận bệnh vào năm 15 tuổi, anh bị mất đi ánh sáng. Việc học đàn đã thổi vào đời anh làn gió mới. Thành quả ngọt ngào sau 2 năm học đàn là anh có thể chơi được organ và guitar. Cũng từ đó, anh Ngân bén duyên với nghề đàn, ngót nghét đã hơn 20 năm.
Anh Lê Nhật Ngân là tay đàn chính của CLB.
Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội và loa kéo nên nhu cầu thuê đàn ngày càng ít đi. Vì thế, những lần sinh hoạt văn nghệ như hôm nay là dịp để anh Ngân sống với đam mê của chính mình, đồng thời nâng đỡ đam mê cho những người bạn của anh.
Mỗi thành viên có câu chuyện của riêng họ. Chính tình yêu âm nhạc đã kết nối để họ gần nhau hơn, để có thêm niềm vui trong cuộc sống. Làm được điều đó, thời gian qua, các thành viên Hội Người mù đã cùng nhau san sẻ, bù đắp những khó khăn, thiếu thốn để duy trì hoạt động. Lúc ban đầu, không trụ sở, không hệ thống âm thanh, nên mỗi lần sinh hoạt là mỗi lần đi thuê, đi mượn, vì mong muốn của các thành viên là được cọ xát để tự tin. Nhưng dù có thiếu thốn, dù có phải đổi địa chỉ sinh hoạt nhiều lần, cũng không thể cản bước đam mê.
Các thành viên trong CLB chủ yếu yêu thích hát vọng cổ.
Ðáng mừng là, sau thời gian khó khăn, nay Hội Người mù tỉnh Cà Mau đã được cấp trụ sở sinh hoạt, giúp anh em có nơi cố định để tìm đến giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Anh Cao Thanh Quý, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh, bày tỏ: “Tinh thần của anh em thì lúc nào cũng sẵn sàng. Nay có được trụ sở sinh hoạt riêng, anh em càng mừng hơn. Giờ chỉ còn phải lo chuẩn bị âm thanh cho mỗi lần sinh hoạt. Tôi hy vọng CLB sẽ phát triển tốt và đây sẽ là điểm khởi đầu cho phong trào văn nghệ của Hội Người mù. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1 ngàn người khiếm thị, tôi hy vọng mô hình sẽ lan toả xuống các huyện, để hội viên có nơi sinh hoạt văn nghệ ngay tại địa phương”./.
Minh Thừa