(CMO) Văn hoá là sự kế thừa, tiếp biến, sáng tạo để hướng con người hướng đến chân - thiện - mỹ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá là những vấn đề thực tế của đời sống văn hoá Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, tiếp thu và phát triển tinh hoa văn hoá nhân loại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá tồn tại, phát triển cùng dân tộc Việt Nam.
Những vấn đề thực tế của đời sống văn hoá Việt Nam rất phong phú, cần được xây dựng và phát triển: Từ văn hoá giáo dục đến văn hoá văn nghệ; từ văn hoá lao động đến văn hoá chính trị, văn hoá lãnh đạo; từ văn hoá đạo đức đến văn hoá lối sống, văn hoá gia đình, làng xã; văn hoá của tập thể, cộng đồng; văn hoá giao tiếp, ứng xử; văn hoá kinh doanh...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá rất gần gũi, đời thường, dung dị, dễ hiểu, dễ làm theo đối với đông đảo quần chúng Nhân dân. Ðó là những vấn đề liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Song, những điều tưởng chừng đơn giản ấy luôn xuất hiện những đóng góp mới, tư duy mới, để lại dấu ấn sâu đậm trong các tầng lớp, thế hệ hôm nay và mai sau về nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ðể xây dựng một nền văn hoá mới sau khi nước nhà giành độc lập, một trong những việc làm đầu tiên của Bác là giải quyết nạn mù chữ cho trên 90% dân số. Có lẽ chưa có ai trên thế giới này gọi dốt là giặc, vấn đề chống giặc dốt được đặt ngang hàng với giặc đói và chống giặc ngoại xâm. Theo Người: “Dốt thì dại, dại thì hèn”; “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; “Sự ngu dốt này sẽ đẻ ra sự ngu dốt khác”; “Học suốt đời, còn sống còn học tập”; “Việc học là không cùng”; “Học đi đôi với hành”; “Học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, phụng sự nhân loại”...
Tranh: Minh Tấn
Văn hoá trong xây dựng đạo đức mới, con người mới luôn nhận được sự quan tâm lớn lao và thường xuyên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy nên, bất cứ ai, nhất là cán bộ, đảng viên cũng có thể tìm thấy trong di sản tư tưởng của Bác những lời dạy thiết thực để học tập, noi theo. Người cho rằng: “Ðạo đức là cái gốc của người cách mạng”; “Người có bốn đức tính: cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một đức thì không thành người”; “Một con người, một Ðảng, một dân tộc có thể ngày hôm qua là vĩ đại, nhưng hôm nay không được Nhân dân yêu mến, quý trọng, nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa”; “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có con người xã hội chủ nghĩa...”. Xây dựng con người mới, đạo đức mới được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng giữa “xây” và “chống”. Người cho rằng: Chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, là những “kẻ địch ở trong lòng”, “đồng minh với giặc ngoại xâm” mà chúng ta cần phải chống đến cùng, cần kiên quyết đấu tranh để loại bỏ.
Chủ trương xây dựng đời sống mới là hướng tiếp cận độc đáo của tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá. Ðời sống mới bao gồm cả văn hoá đạo đức, văn hoá lối sống, văn hoá lao động, văn hoá gia đình, văn hoá chính trị, văn hoá giáo dục... Ðó là những vấn đề của tất cả mọi người, từ người lãnh đạo cao nhất đến người dân lao động bình thường. Văn hoá đời sống mới không chỉ là vấn đề lớn, mà còn là những vấn đề thường gặp trong đời sống hàng ngày, như: ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, cưới hỏi, vệ sinh, môi trường, bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội... Bác ví tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu cũng là một loại kẻ địch cản ngăn sự phát triển của đất nước, vì vậy mọi người phải ra sức chống.
Văn nghệ là một bộ phận không thể tách rời của nền văn hoá dân tộc. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đối tượng của văn nghệ là cuộc sống và con người. Nó phản ánh những cái đúng, cái hay, cái đẹp, cái tốt, cái thiện trong con người và cuộc sống, để hướng con người đến chân - thiện - mỹ. Ðồng thời, đấu tranh nhằm loại bỏ cái giả, cái ác, cái xấu trong cuộc sống của con người. Người cho rằng: Nếu văn hoá văn nghệ là một mặt trận, và các văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận ấy, thì “ngòi bút của văn nghệ sĩ” cũng là “những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”.
Mối quan hệ giữa 3 khâu: nghệ sĩ - tác phẩm - công chúng được Bác đề cập, chỉ dẫn bằng những lời chí tình, hơn hết là bằng kinh nghiệm của chính bản thân mình. Người nêu lên những câu hỏi, đồng thời là phương châm đặc biệt quan trọng đối với người cầm bút, là: Viết cho ai? Viết cái gì? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Bên cạnh đó, Người còn chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa nội dung và hình thức; giữa phổ cập và nâng cao; giữa kế thừa và cách tân; giữa sáng tạo của quần chúng và sáng tạo của văn nghệ sĩ...
Ðể xây dựng nền văn hoá mới, Bác đã có nhiều bài viết, ý kiến chỉ đạo rất thiết thực, đến nay vẫn còn mang tính thời đại. Trong đó, có 2 nội dung đặc biệt quan trọng:
Một là, sự nghiệp xây dựng nền văn hoá mới là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân. Vì vậy, có nhiều nội dung quan trọng phải biến thành phong trào quần chúng rộng lớn thì mới đem lại kết quả tốt đẹp. Ðiển hình, các phong trào: Xoá mù chữ, Ðời sống mới, Khoẻ vì nước, Trồng cây gây rừng, Tết trồng cây, Ba xây ba chống, Dạy tốt học tốt, Người tốt việc tốt...
Hai là, Ðảng lãnh đạo xây dựng nền văn hoá mới thì bản thân Ðảng phải trở thành văn hoá. Người cho rằng: Ðảng là đạo đức, là văn minh, Ðảng phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại.
Nền văn hoá mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân ta xây dựng và phát triển hiện nay là nền văn hoá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây nền, đắp móng. Nền văn hoá ấy được hình thành từ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cố Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng văn hoá Việt Nam” diễn ra vào tháng 5/1998, rằng: “Không những nghiên cứu những bài nói, bài viết, cả kho tàng sáng tác đồ sộ Người để lại, kể cả về văn học, nghệ thuật, mà vấn đề cực kỳ quan trọng là đi sâu nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá ngay trong cuộc đời hoạt động, trong cuộc sống hàng ngày của con người Hồ Chí Minh”./.
Ðỗ Chí Công