(CMO) Năm học 2017-2018, toàn ngành GD&ĐT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản theo chỉ thị nhiệm vụ trọng tâm năm học và đạt được một số kết quả nổi bật.
Ngành cũng đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, khắc phục những bất cập, hạn chế, giải quyết các “nút thắt” qua việc ban hành các quy phạm pháp luật; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính... Tuy nhiên, đến nay công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp; vẫn còn thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là trường mầm non.
Ở một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa giải quyết dứt điểm, chưa đủ giáo viên mầm non và giáo viên các môn chuyên biệt ở các cấp phổ thông. Tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông còn chậm. Trong đó có việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới không đảm bảo lộ trình đề ra. Hiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.
Tại hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 diễn ra sáng nay, 2/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý về 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành tiếp tục thực hiện trong năm học mới cần được triển khai một cách trọng tâm, khắc phục những hạn chế, tồn tại và giải quyết các vấn đề bức xúc. Trong quá trình đổi mới giáo dục phải có lộ trình, không có giải pháp nào hoàn hảo nhưng cần phải thực hiện khoa học, kiên quyết, phải đặt các giải pháp trong tình hình chung và theo xu thế của thế giới.
Chẳng hạn, tự chủ đại học là xu thế của thế giới, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, do đó phải kiên trì chứ không thể xoay ngược. Về việc rà soát, sắp xếp biên chế giáo viên, các địa phương cần nắm rõ số lượng giáo viên trên tổng thể, rồi mới tính lâu dài để giải quyết câu chuyện biên chế sao cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của giáo viên. Phải đảm bảo đủ giáo viên để dạy đúng phân môn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc sắp xếp mạng lưới trường, lớp phải trên nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Đảm bảo học sinh học 2 buổi/ngày và phải được học trong điều kiện tốt nhất, không vượt quá số lượng quy định. Đồng thời đề nghị các trường ở các địa phương báo cáo thực trạng nhà vệ sinh và công trình nước sạch của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập; cần có ảnh chụp cụ thể thực trạng để từ đó kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội, kịp thời chấn chỉnh, nhất là về ý thức, dạy các cháu tự ý thức giữ gìn vệ sinh và phải khắc phục ngay để các cháu không còn nỗi ám ảnh nhà vệ sinh.
Băng Thanh