(CMO) Sẽ không cho ra biển nếu các tàu thuộc diện bắt buộc chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khi hết thời gian quy định. Đó là tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đối với hoạt động khai thác thuỷ hải sản thời gian tới, nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác thuỷ hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài cũng như hỗ trợ quản lý hoạt động khai thác, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn trên biển…
Theo quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên thuộc diện bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Để có thiết bị giám sát hành trình đảm bảo yêu cầu, thời gian qua tỉnh đã cho tiến hành lắp đặt thí điểm, đến nay có 3 đơn vị đảm bảo được 12 tiêu chí mà tỉnh đề ra. Đồng thời tỉnh cũng đã thành lập trung tâm kiểm soát giao cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh quản lý, điều hành, kiểm soát.
Đến hết thời gian quy định, nếu các tàu thuộc diện bắt buộc chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ không được phép ra biển. |
Theo Kế hoạch số 72/KH-UBND, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá trên địa bàn tỉnh được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một sẽ hoàn thành trước ngày 15/9/2018 đối với nhóm tàu cá đã vi phạm vùng biển nước ngoài được chuộc về, thả về, chấp hành án xong được thả về và hiện đang hoạt động khai thác thuỷ hải sản; Nhóm tàu cá chưa vi phạm vùng biển nước ngoài mà thuộc quyền sở hữu của chủ tàu đã có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; Nhóm tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định số 67/20.14/NĐ-CP của Chính phủ. Giai đoạn hai hoàn thành vào tháng 12/2018 đối với các tàu còn lại.
Để lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát đúng thời gian theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất, UBND tỉnh có Công văn số 6424 ngày 22/8 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh liên quan đến vấn đề này. Theo đó, chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương có liên quan tập trung tuyên truyền và vận động ký cam kết thực hiện; Cơ quan chuyên môn trong quá trình đăng ký, đăng kiểm tàu cá phải kiểm tra thiết bị giám sát hành trình còn hoạt động được mới cấp hoặc gia hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và giấy phép khai thác thuỷ hải sản. Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành thuỷ sản tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với lực lượng biên phòng xử lý các tàu cá cố ý tắt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.
Tuy đã có kế hoạch và có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình diễn ra không đúng thời gian dự kiến. Mới đây, UBND tỉnh đã có chủ trương gia hạn thời gian đối với giai đoạn một từ ngày 15/9 đến hết tháng 10. Đến ngày 28/9 cũng chỉ có 8 chủ tàu mua thiết bị giám sát và ký kết hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ.
Cùng với nhiều giải pháp khác, thiết bị giám sát hành trình được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để quản lý nghề khai thác biển hiện nay. Để việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sớm hoàn thành trong thời gian tới, mới đây trong phiên họp kiểm điểm công tác quản lý điều hành tháng 9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương phải tập trung làm thật quyết liệt, đặc biệt là phải làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải cũng kiên quyết, đến hết thời gian theo quy định, nếu tàu thuộc diện lắp đặt bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mà chưa lắp đặt thì sẽ không cho ra biển.
“Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình không chỉ phục vụ cho việc chống đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài mà còn giúp kiểm soát hành trình trên biển, quản lý khai thác sai luồng, sai tuyến để chủ động và có giải pháp ứng cứu phù hợp khi có thiên tai, tai nạn trên biển… Do đó, việc lắp đặt là bắt buộc phải thực hiện sớm”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải phân tích./.
Nguyễn Phú